Những “con quỷ” giấu mặt: Hệ lụy kéo dài
Các Website khác - 19/07/2008

Cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người bị đánh đập, bị cưỡng bức hoặc bị lạm dụng theo cách khác nhau trong suốt cả cuộc đời. Người lạm dụng bạo lực chính là những người thân cùng huyết thống trong gia đình. Bạo lực ngày một gia tăng và phá hủy cuộc sống của phụ nữ, gia đình, toàn xã hội và cộng đồng…

Dư chấn tâm lý và thể xác

Theo Bà Lê Thị Quý - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu giới và Phát triển, trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Có người thường xuyên tát vợ nhưng họ không cho đấy là hành vi bạo lực”.

Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra ở mọi đối tượng với hoàn cảnh kinh tế, học vấn, độ tuổi khác nhau. BLGĐ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương đến sức khỏe và thể xác, tổn thương tâm lý, tinh thần nạn nhân và những người xung quanh khiến họ trở nên hoảng sợ, thiếu tự tin, thụ động, buồn rầu, lo nghĩ,...

BHGĐ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ly hôn

Nhiều ông chồng có hành vi bạo hành tự mình “chui vào vỏ ốc”, sống khép kín vì sợ người khác lên án, góp ý. Thậm chí, có người còn sợ là sẽ “khó” đánh được vợ…! Đặc biệt, BLGĐ làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con trẻ, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly thân và ly hôn ngày càng cao.

Trường hợp của N.V.L ở Bình Định khá tréo ngoe. Người vợ đầu tiên được cha mẹ L cưới hỏi về sau 3 tháng đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì không chịu đựng nổi những trận đòn của chồng trong cơn say. Chưa đầy một tháng sau L đem về cô vợ hờ khác và cô này cũng chung số phận sau vài tuần chung sống.

Mặc dù, người vợ này đang mang thai nhưng L không hề nương tay khi đánh vợ, dã man hơn L còn bắt vợ uống thuốc phá thai vì nghi ngờ cái thai không phải là của mình, tới mức chị này phải vào nằm viện. Chưa hết, L còn vào viện, lôi vợ về đánh đập đến mức chị bị sẩy thai rồi dùng dao chém cả cha ruột. Trước những hành động vô nhân tính của L, Công an huyện Vân Canh đã bắt giam và khởi tố L về tội cố ý gây thương tích.

Cũng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, BLGĐ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ (91%), làm gia đình tan vỡ (89,7%), gây tổn thương về tâm lý tinh thần (89,4%), gây thiệt hại cho kinh tế gia đình (89,4%), làm rối loạn trật tự an toàn xã hội (89%), gây tổn thương về sức khỏe, thể xác (87%), ảnh hưởng đến quan hệ xóm giềng (85,5%), ảnh hưởng đến cơ hội phát triển phụ nữ...

Điển hình, ở Lương Yên, Hà Nội trong 196 gia đình thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ thành thương… Có người chỉ vì ăn thức ăn không vừa ý đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc không săn sóc, chăm lo…

Cuộc đấu tranh thầm lặng

Có  hai vợ chồng trẻ, trình độ văn hóa thấp, kinh tế eo hẹp, chồng tối ngày uống rượu, ngứa tay, hễ say là đấm đá vợ. Khi cán bộ hòa giải của phường hỏi lý do tại sao hay làm như vậy anh ta trả lời thản nhiên: “Tôi thấy ngứa mắt nên đánh!”.

Những buổi tiếp xúc như thế này rất cần thiết để người dân hiểu biết
pháp luật

Một cán bộ ngành tòa án đã nhận xét: “Nạn BLGĐ phần đông rơi vào những trường hợp người chồng ngoại tình, cờ bạc, rượu chè,… Có những ông chồng ngược đãi vợ đến mức người vợ phải vào bệnh viện điều trị. Thậm chí, có trường hợp người chồng có học thức nhưng đánh đập vợ dã man.

Thông thường hòa giải những vụ ly hôn do BLGĐ rất khó thành công”. Trên thực tế, BLGĐ xảy ra không ít ở các gia đình. Song hầu hết người vợ đều mặc cảm vì lý do con cái, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, hay “xấu chàng hổ ai” nên thường nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết.

Vì vậy, những vụ BLGĐ chỉ được biết đến khi có hậu quả quá nghiêm trọng. Nhiều kết quả nghiên cứu ở các tỉnh, thành không phản ánh đúng so với con số thực tế vì những người phụ nữ này e ngại, sợ không dám nói ra sự thật.

Nghiên cứu tâm lý của những người có hành vi BLGĐ đã chỉ ra một số nguyên nhân căn bản khiến người chồng có hành vi bạo hành. Đó là, người bị ảnh hưởng, tác động từ nhỏ do phải chứng kiến cảnh bạo lực từ phía người cha trong gia đình, do bị stress (căng thẳng) trong công việc, gia đình, xã hội, do bất mãn trong cuộc sống dẫn tới tính khí nóng giận, nổi cáu, khó kiềm chế.

Trước đây, những người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu sống phụ thuộc vào chồng. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò của người phụ nữ cũng thay đổi, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn lại bị chồng đánh.

Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình mà nguyên nhân là do các ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của họ bị đe dọa.

Nghiên cứu tại 8 tỉnh của ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2006 cho thấy, nguyên nhân BLGĐ 60% do kinh tế khó khăn, 13% học vấn thấp, 5% thiếu hiểu biết pháp luật, 17% nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, những định kiến về giới cũng tạo điều kiện cho BLGĐ diễn ra trong đời sống.

 “Phòng chống BLGĐ là một cuộc đấu tranh thầm lặng, lâu dài và bền bỉ. Phụ nữ phải can đảm nói ra thì mới có cơ hội thoát khỏi được bạo hành”, bà Nguyễn Thị Hạnh - Chủ nhiệm CLB Cùng chia sẻ phường Ngọc Lâm khẳng định. Chiến dịch đeo nơ trắng do Liên hiệp quốc phát động hàng năm chính là cách để khẳng định sự nhất trí của mọi cá nhân không bao giờ tiến hành, bỏ qua hoặc yên lặng về bạo lực chống lại phụ nữ!

(Còn nữa)

Theo Ngọc Hân -