![]() |
Mố cầu Bom Bay (huyện Mai Sơn, Sơn La) được tu sửa để nối lại giao thông - Ảnh: Đình Tú |
Chưa đầy hai tháng, Mường Bú phải gánh chịu hai cơn lũ lớn. Cơn lũ trước là đầu tháng bảy làm hàng trăm nhà dân bị sụp đổ, cuốn trôi. Men theo bờ suối Bú, chúng tôi đến bản Sang của Mường Bú.
Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà không thể gọi là nhà vì nó đã đổ ẹp xuống theo hình tứ giác, cái lành lặn hơn thì tốc mái và quăng ra tận bờ suối. Gần 100 ngôi lều bằng bạt được UBND xã Mường Bú dựng lên tạm thời cho người dân ở. Nhiều hộ dân khác không có bạt dựng thì ở nhờ những nhà không bị lũ cuốn trôi tít trên đỉnh núi hay ở ngay trong trường học, ngôi nhà của UBND.
Ngô mất hết rồi!
Vừa sục tay xuống những đống đổ nát nhặt nhạnh những gì còn sót lại, anh Mỉn, người bản Sang, vừa giơ lên khoe: một cái chạn bát, hai cái gùi và chiếc cối xay ngô. Tất cả còn từng ấy! Anh Mỉn dường như đã nghĩ ra điều gì, nghẹn ngào: “Cối còn nhưng ngô mất hết rồi”. Cả mấy tạ ngô để dành và nương ngô hơn bốn sào của anh đang trỉa bắp đã không còn một hạt hay một cây.
Gia đình chị Sìn cùng bản với anh Mỉn may mắn khi còn hơn tấn ngô không bị lũ cuốn, tranh thủ trời nắng mang ra phơi và chia cho mỗi nhà trong bản một ít ăn tạm. “Chừng ấy ngô sao đủ chia cho cả bản mấy trăm người cầm cự đến vụ thu hoạch mới? Thôi, được đến đâu hay đến đó” - chị Sìn nhẹ nhàng bảo thế.
Đến bản Giàn, chúng tôi gặp hai em Sồng Thị A Nùng và Quàng Văn Tiến (học sinh Trường tiểu học Mường Bú) được nghỉ học chạy lăng xăng giúp bố mẹ thu dọn và gom lại những cuốn vở, sách giáo khoa nhòe mực, bong cả bìa phải bày lên tấm cót để hong nắng. “Sẽ không còn tiền mua vở nữa nên phải tiết kiệm từng trang giấy trắng” - Nùng nói rồi lật giở từng trang cẩn thận như nâng trứng trên tay.
Hai hôm nay đã có nắng lên, lũ đã rút nhưng con suối Bú vẫn cuồn cuộn chảy xiết. Nhiều người lớn, trẻ nhỏ của các bản làng Mường Bú tập trung quanh con suối Bú mong kiếm được miếng ăn. Lưới quăng xuống rồi lại nhấc lên nhẹ tễnh trong những con mắt vô vọng.
Còn ba gói mì
Một căn lều tạm bợ của người dân Mường Bú - Ảnh: Đình Tú |
Ông Quàng Văn Minh, chủ tịch UBND xã Mường Bú, cho biết xã có 143 nhà bị ngập, sạt lở, sáu nhà bị lũ cuốn trôi, 134 nhà sạt nền, ngập 60ha ruộng, năm đoạn đường tuyến 106 ngập, cắt đứt giao thông xã với huyện và tỉnh, lũ phá hủy ba cầu treo..., tổng thiệt hại 2,1 tỉ đồng.
Trong những ngày qua, huyện đã huy động lực lượng cơ động cùng dân quân xã và hơn 100 đoàn viên thanh niên dựng lều tạm, chuyển tài sản của nhân dân ra khỏi vùng ngập. Dùng phao, can vượt lũ chở 120kg gạo, 51 thùng mì tôm, 20 lít dầu hỏa để chi viện cho bà con vùng lũ. “Nhưng lo lắng nhất đối với người dân Mường Bú vẫn là nước sạch. Hiện tất cả bể chứa nước của dân đều bị nước lũ tràn, nhiều hộ phải chia nhau những giọt nước đánh phèn cuối cùng” - ông Minh nói.
Ông Lò Anh Ngọc - trưởng Ban dân vận huyện Mường La, người trực tiếp chỉ huy các đội cứu trợ tại Mường Bú - cho biết: “Trước mắt, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ khẩn cấp các hộ thực phẩm, nước uống và thuốc men ngay sau khi thông đường từ thị xã Sơn La xuống Mường La, đồng thời vận động nhân dân chia sẻ khó khăn trong khi chờ cứu trợ”. Đến 19g tối qua, tại Tạ Bú và Mường Bú - những điểm sạt lở nặng nhất của tuyến đường trên - vẫn chưa được khai thông. Dự kiến ít nhất phải đến chiều nay (29-9) mới có thể khai thông.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng mạnh thành bão. Hôm qua (28-9), áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển, hoạt động phía đông của quần đảo Hoàng Sa với sức gió giật trên cấp 6. Dự báo hôm nay áp thấp di chuyển chậm về phía bắc với cường độ mạnh thêm. Tuy nhiên trong 1-2 ngày tới, áp thấp chưa có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh (trong đất liền) của miền Bắc. Riêng khu vực Nam bộ, do rìa tây nam của áp thấp nhiệt đới quét qua khu vực Nam bộ và áp thấp nhiệt đới cũng đóng vai trò trung tâm thu hút gió làm gió tây nam phát triển gây mưa, dông trên diện rộng. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong những ngày qua Nam bộ đã có mưa vừa đến to (từ 50-80mm) và mưa (có khả năng trên 100mm) sẽ còn kéo dài trong vài ngày nữa. Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hôm qua bão Jangmi hoạt động với cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 16 tiến sát phía bắc đảo Đài Loan. Dự báo hôm nay bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, sau đó lệch dần về bắc đông bắc và giảm cường độ xuống còn cấp 13. Như vậy, bão Jangmi không còn khả năng ảnh hưởng đến khu vực biển Đông. Chiều 28-9 tại TP.HCM đã xuất hiện mưa to làm nhiều tuyến đường khu vực quận Phú Nhuận và Bình Thạnh như Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Cảnh ngập 30-40cm khiến nhiều xe chết máy. QUANG KHẢI |
TRẦN ĐÌNH TÚ
Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương có mưa lũ tràn qua, đến chiều 28-9 đã có 45 người chết và mất tích. Tỉnh Sơn La có 16 người chết, 3 người mất tích, Bắc Giang có 9 người chết, Lạng Sơn 8 người chết, 1 người mất tích, Quảng Ninh 4 người chết, 1 người mất tích, Lào Cai 2 người mất tích, Vĩnh Phúc 1 người chết. Hôm qua nước lũ đã rút và các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết trên địa bàn tỉnh đã hết mưa nhưng vẫn còn một số làng bản vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Mai Sơn bị chia cắt. Đến hôm qua, mưa lũ làm hơn 3.600 ngôi nhà của người dân Sơn La bị ngập, hư hại, 354 ngôi nhà đổ và lũ cuốn trôi, gần 1.137ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 177.500m3 đường sạt lở, 3.398m kênh mương hư hại. Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, đưa lương thực và thuốc men đến người dân vùng bị nạn. UBND tỉnh Sơn La hỗ trợ bước đầu cho các gia đình có người thiệt mạng 2 triệu đồng/người và hỗ trợ 800.000-1 triệu đồng cho người bị thương. Sở Giao thông vận tải đã huy động nhân lực, phương tiện khai thông quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Sơn La và một số tỉnh lộ. Tại Quảng Ninh, ngoài các lực lượng địa phương, Lữ đoàn hải quân 147 đóng ở thị trấn Quảng Yên (huyện Yên Hưng) đã tham gia cứu hộ, chuyển 160.000 gói mì ăn liền, 22.000 chai nước uống và nhiều cơ số thuốc cho nhân dân vùng bị nạn. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định trợ cấp khẩn cấp cho ba huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên bị thiệt hại do lũ 10 tỉ đồng. Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN đã chuyển đến ba huyện này 200 thùng hàng cứu trợ và 102 triệu đồng. Toàn tỉnh có 310 nhà bị đổ, cuốn trôi, 3.400 nhà ngập, hư hại. Ước tính tổng thiệt hại 287 tỉ đồng. Tại tỉnh Lạng Sơn, các tuyến quốc lộ cũng đã thông và các đoàn công tác cứu trợ của trung ương và địa phương tiếp cận được những vùng bị lũ. Sở Y tế đã cấp 300kg hóa chất và cử cán bộ đến giúp các huyện để xử lý nước sinh hoạt và môi trường sau lũ. Có 67 nhà bị trôi, sập, 3.620 nhà thuộc tám huyện và thành phố bị ngập, hư hại. Ước tính thiệt hại đến chiều 28-9 khoảng 30 tỉ đồng. Công tác cứu hộ người dân khắc phục hậu quả sau ngập lụt ở Bắc Giang cũng được tiến hành rất khẩn trương trong ngày hôm qua. Tại huyện Lục Ngạn đã chuyển được 15.000 gói mì tôm, gần 2.000 chai nước uống đến người dân. Sáng 28-9, Sở Y tế cử một đội cấp phát thuốc hóa chất giúp địa phương xử lý vệ sinh môi trường. Tại những huyện bị ngập nặng khác như Lục Nam, Sơn Động, công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành. Đến hôm qua, Bắc Giang thống kê có 135 nhà bị đổ, cuốn trôi, 242 nhà hư hại. Toàn tỉnh có 12.779ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hại. Tính đến hôm qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN đã tổ chức xuất hàng cứu trợ chuyển đến các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Theo đó, Bắc Giang nhận được 400 thùng hàng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La mỗi tỉnh 200 thùng hàng. Ngoài ra, mỗi gia đình có người chết được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. TUẤN PHÙNG |
▪ Bão đang tiến vào bờ biển miền Trung (29/09/2008)
▪ Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông mạnh cấp 6, giật trên cấp 6 (29/09/2008)
▪ Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đã tiến bộ rồi phải tiến bộ hơn nữa (29/09/2008)
▪ Xe khách tông xe tải, 4 người chết tại chỗ (29/09/2008)
▪ Nhập viện vì tin nhắn... “ma” (29/09/2008)
▪ Đò ngang "4 không" mùa lũ dữ (29/09/2008)
▪ Cơ quan công quyền ngang nhiên thu tiền giữ xe (29/09/2008)
▪ Hà Nội còn sông hồ nào không bị "vấy bẩn"? (29/09/2008)
▪ 32 người chết do mưa lũ, áp thấp đe dọa vùng lũ (29/09/2008)
▪ Hai kiểm lâm chết và bị thương khi truy bắt gỗ lậu (29/09/2008)