Đò ngang "4 không" mùa lũ dữ
Các Website khác - 29/09/2008

Bến không đăng ký, thuyền không đăng kiểm, không phao cứu sinh, và quan trọng hơn cả: không an toàn. Thế nhưng, ngày ngày vẫn có nhiều lượt đò ngang đi về trên các dòng sông ở Quảng Trị.

Nhìn những con thuyền chòng chành xuất bến rồi ra giữa dòng, chỉ có những ai thần kinh thép mới có đủ can đảm để ngồi trên những chiếc thuyền đó. Thuyền nhỏ, người đông, không ai có thể đoán định được điều gì sẽ xảy ra, nếu chẳng may thuyền gặp con sóng dữ...

"Tôi đi đò 10 năm rồi, có ai làm sao đâu?"

Ông Võ Duy Diến, Đội trưởng Đội CSGT Đường thủy - Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) cho hay: “5 bến không phép đều nằm trên những con sông lớn của Quảng Trị, 2 bến ở sông Hiếu, 3 bến còn lại ở sông Thạch Hãn”.

Con đò 4 không - chở đầy ắp người. (Ảnh: Hoàng Táo)

Dọc sông Hiếu có 2 bến đò ngang không phép là 2 bến Đông Thanh (phường Đông Thanh, Đông Hà) và bến Cam Hiếu (xã Cam Hiếu, Cam Lộ). Khách đi lại ở 2 bến này không đông, chủ yếu là người dân địa phương, qua sông để kịp buổi chợ sáng.

Đò dài chừng 3 - 4 mét, chèo tay, lái đò cũng là người địa phương. Trên đò hoàn toàn không có một phương tiện cứu hộ nào. Vừa đi, một người ngồi giữa đò vừa cầm ca nhựa tát từng ca nước ra khỏi đò. Đò chở tầm 3 – 5 người, muốn chở thêm, có "cho vàng lái đò cũng không dám". Con đò nhỏ tý, chòng chành, nghiêng ngả giữa dòng nước. Chẳng may có chuyện gì, đò chìm, người cũng chìm theo vì chẳng có gì để bấu víu, không một cơ may sống sót.

Bỏ lại hai bến đò trên, chúng tôi đến với bến đò Chợ Hôm (cũng là một bến đò không phép trên sông Thạch Hãn) đưa khách qua lại 2 xã Triệu Long - Triệu Ái (huyện Triệu Phong). 

Con đò ở đây to hơn, thoáng trông có vẻ an toàn hơn, nhưng cũng hoàn toàn không có một phao cứu hộ nào. Anh Nguyễn Chiều, lái đò cho hay: “Đò chỉ đi buổi sáng khi chợ họp, có phao cứu hộ nhưng sợ mất nên mang lên cất ở nhà!”.

Tạm biệt những bến đò không phép để đến với cù lao Bắc Phước (Triệu Phước, Triệu Phong). Cù lao được bao bọc bởi sông Hiếu và sông Thạch Hãn, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hơn 1.500 người dân của 3 thôn Hà La, Duy Phiên, Dương Xuân muốn đi đâu đều phải qua bến đò Dương Xuân.

Ông Nguyễn Hoài Thích là lái đò duy nhất đã làm chiếc cầu nối cho người dân nơi đây trong hơn 10 năm qua. Trưa 20/09, chúng tôi đếm thấy có hơn 25 học sinh tiểu học trên thuyền. Ngoài ra, còn có 3 người lớn và một lái thuyền. Nhìn hoa mắt, chúng tôi cũng không thấy bóng dáng một chiếc áo phao cá nhân nào được sử dụng.

Cù lao Bắc Phước có 300 học sinh, và chỉ trừ ngày nghỉ, muốn đến trường, các em phải qua đò như thế này. 25 – 30 học sinh cùng qua sông một lúc, không áo phao, không một chút suy nghĩ về nguy hiểm của những chuyến đò không phao. Còn người lớn thì chủ quan: “Tui đi đò 10 năm rồi, có ai bị gì đâu?”.

Đò không phao, chuyện đã quá quen

Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho hay: “Bến đò Dương Xuân đã được đăng ký, thuyền cũng được đăng kiểm và luôn tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ”. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 5 cái phao nhựa tròn trên thuyền. Khi chúng tôi thắc mắc, ông Nguyễn Hoài Thích, lái thuyền chỉ tay vào khoang: “Có phao cá nhân nhưng không dùng vì không mưa bão, hơn nữa, ai cũng biết bơi !”.

dongang2

Không áo phao, chuyện đã quá quen! (Ảnh: Hoàng Táo)

Tại bến đò Chợ Hôm, chúng tôi nhận được nụ cười của nhiều người buôn bán nhỏ: “Có chết mô mà sợ, mang làm gì cho mệt, tý là qua sông liền”.

Việc đi đò ngang không sử dụng áo phao đã trở thành thói quen ăn sâu vào người dân nơi đây, cả lái thuyền và người đi thuyền. Lái thuyền chủ quan, cho rằng nước yên sóng lặng nên không cần trang bị áo phao cho khách sang sông. Còn khách đi thuyền hoặc là đã quá quen với cảnh sang sông không sử dụng áo phao, hoặc là thấy thái độ của lái thuyền như vậy nên cũng ái ngại.

Cuối cùng, áo phao được sắm ra một vài cái chỉ để làm cảnh, qua mắt các cơ quan chức năng. 

Ông Vui thừa nhận: “Áo phao có nhưng chưa nhiều, chưa đủ. Còn chuyện mang áo phao thì thực hiện chưa được triệt để. Ý thức của cả lái đò và người qua đò đều kém, chưa nhận thức về tính chất và tầm quan trọng của việc mang áo phao”.

Về vấn đề bến không đăng ký, ông Võ Duy Diến lý giải: “Do việc chồng chéo trong các cấp quản lý nên để có được giấy phép cho một bến thuyền là chuyện không đơn giản với người dân. Ở những bến không đăng ký thì thường đi kèm là thuyền không đăng kiểm. Do đó, độ an toàn của những bến này cũng không cao. Còn chuyện ý thức mang áo phao cá nhân, dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền và xử lý nhưng rất khó để thay đổi". 

Mùa lụt đã về và những chuyến đò ngang không phao vẫn ngày ngày qua sông. Cơ quan chức năng thì chưa tìm ra giải pháp, lái thuyền chủ quan, chỉ có tính mạng của người đi thuyền là bị đe doạ.

Theo Hoàng Táo