Chín lần thay đổi quyết định vẫn chưa thi hành án
Các Website khác - 28/11/2005
Một vụ thi hành án hy hữu ở tỉnh Quảng Trị: Bản án dân sự sơ thẩm của TAND thị xã Ðông Hà đã được TAND tỉnh Quảng Trị xử phúc thẩm, được Viện KSND tối cao kết luận và được TAND tối cao giám đốc thẩm. Tưởng thế là có thể thi hành. Vậy mà qua chín lần ra quyết định thi hành rồi hoãn, rồi tiếp tục thi hành..., cho đến nay vẫn chưa thi hành được!
Năm 1994, ông Trần Xuân Chiến và ông Bùi Ðức My cùng mua chung lô đất rộng 8 m, dài 27m ở đường Lý Thường Kiệt, Ðông Hà (Quảng Trị) và chia nhau mỗi bên rộng 4m, dài 27m. Tháng 11-1997, ông Chiến thỏa thuận miệng bán lại phần đất của mình cho ông My với giá 20 triệu đồng. Hai bên cam kết đến tháng 2-1999 ông My trả đủ 20 triệu đồng cho ông Chiến, nhưng đến hạn ông My vẫn không trả. Tháng 9-1999, ông My mang hai triệu đồng đến giao ông Chiến và đề nghị nhượng đất để làm giấy chứng nhận QSDÐ, ông My hứa sau khi có giấy chứng nhận QSDÐ sẽ thế chấp vay ngân hàng trả đủ cho ông Chiến 18 triệu nữa. Ðược ông Chiến đồng ý, ông My làm Giấy chứng nhận QSDÐ, ngày 31-5-2000 ông My thế chấp lô đất cho ngân hàng và vay 60 triệu đồng nhưng vẫn không trả tiền cho ông Chiến. Ngày 15-6-2003, ông My đến nhà ông Chiến xin được trả tiền với giá đưa lên 100 triệu đồng, nhưng ông Chiến không đồng ý.

Vụ tranh chấp này, TAND tỉnh Quảng Trị xử phúc thẩm ngày 25-2-2004, tại Bản án số 3/DSPT đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ giữa ông Chiến và ông My là vô hiệu bởi được lập trái quy định của pháp luật. Buộc ông My giao trả phần đất 108 m2 tại thửa 104 tờ bản đồ số 7 của phường Ðông Lương, Ðông Hà cho ông Chiến và phải tháo dỡ công trình, cây cối đã lập lên trên phần đất này.

Ông Chiến làm đơn yêu cầu thi hành án và ngày 8-4-2004 Ðội thi hành án (THA) Ðông Hà ra quyết định cho thi hành khoản: Buộc ông My phải giao lại 108 m2 đất cho ông Chiến. Buộc ông My phải tháo dỡ và di dời phần tường rào, am thờ, trụ cổng, cây cối mà ông My đã lập lên trên phần đất đó. Kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị thu hồi giấy chứng nhận QSDÐ số 145/QÐ-UB ngày 10-2-2000 đã cấp cho ông My để hai bên làm lại.

Ðội THA Ðông Hà đang chuẩn bị thi hành thì do có kháng nghị, ngày 21-6-2004, Viện KSND TC đã gửi công văn yêu cầu hoãn THA trong thời gian ba tháng để xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 25-6-2004, Ðội THA Ðông Hà quyết định hoãn lại ba tháng. Ba tháng sau, ngày 20-9-2004, Viện KSND TC trả lời: "Qua nghiên cứu bản án, Viện KSND TC thấy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm". Nhận được quyết định này, ngày 27-9-2004, Ðội THA Ðông Hà lại quyết định tiếp tục THA. Cùng lúc đó, trả lời đơn khiếu nại của ông Bùi Ðức My, ngày 11-10-2004, TAND tối cao đã khẳng định "không có cơ sở chấp nhận các yêu cầu của ông". Căn cứ bản án có hiệu lực, các văn bản trả lời của Viện KSNDTC và TANDTC, theo đề nghị của Ðội THA Ðông Hà, ngày 20-1-2005, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDÐ số 145/QÐ-UB ngày 10-2-2000 đã cấp cho ông My.

Sau một thời gian phía ông My không tự nguyện thi hành các điều khoản của bản án, ngày 9-5-2005, Ðội THA Ðông Hà ra quyết định cưỡng chế. Tưởng sự việc đã quá rõ ràng, minh bạch, hai bên đương sự đã tâm phục, khẩu phục. Vậy mà thình lình, dù không có thẩm quyền, ông Phạm Hồng Nam, Thư ký của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gửi công văn đến Ðội THA Ðông Hà đề nghị hoãn THA với lý do "Trong quá trình xét xử vụ án, việc áp dụng các điều luật chưa có sức thuyết phục. Vì vậy, Ðoàn đại biểu Quốc hội sẽ làm việc với Viện KSNDTC và TANDTC". (Thực tế cả hai cơ quan Viện KSNDTC và TANDTC đã xem xét và có ý kiến trả lời như đã dẫn). Vụ án tiếp tục hoãn thêm ba tháng. Và cuối cùng, cũng như lần trả lời trước, TANDTC và Viện KSNDTC vẫn khẳng định "Bản án sơ thẩm và phúc thẩm buộc anh (My) trả lại đất cho anh Chiến là có căn cứ đúng pháp luật". Ngày 16-8-2005, Ðội THA Ðông Hà lại ra quyết định tiếp tục THA.

Thế nhưng cho đến nay, sau gần hai năm, vụ việc vẫn án binh bất động. Ông Chiến vẫn chưa nhận lại được đất của mình theo phán quyết của tòa án.

Vì sao lại có tình trạng kéo dài thời gian thi hành một quyết định đã có hiệu lực của tòa án, khiến cho việc chấp hành pháp luật không nghiêm và gây phiền hà cho người dân?

Thiết nghĩ, việc xem xét một bản án, quyết định của tòa án là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính đúng đắn của pháp luật, tránh oan sai. Thế nhưng điều cần hơn nữa là vai trò của một số cán bộ ở các cơ quan liên quan phải được đề cao, cả về kiến thức pháp luật lẫn trách nhiệm. Có thế luật pháp mới được giữ nghiêm mà lợi ích hợp pháp của công dân mới được bảo đảm.

QUẢNG DÂN