![]() |
Thủ tướng Phan Văn Khải |
Sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng. Sau nhiều tranh cãi, đa số đại biểu đã tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu. Hằng năm, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác chống tệ nạn này.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Do vậy, cần phải có một cơ quan chỉ đạo chung là đầu mối phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng của bộ máy nhà nước.
Trong buổi thảo luận tại hội trường về Luật phòng chống tham nhũng hôm 25/10, nhiều đại biểu đề nghị phải có hình thức khen thưởng xứng đáng với những người tham gia phòng, chống tham nhũng. Giải trình về vấn đề này, ông Khiển cho hay, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về chính sách khen thưởng. Hình thức và mức độ khen thưởng cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng, theo ông Vũ Đức Khiển, luật đã bổ sung thêm khoản 4 vào điều 68. Theo đó, sẽ xem xét xử lý kỷ luật, xử lý hình sự với những người có hành vi trả thù, trù dập người báo cáo, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
Luật phòng chống tham nhũng đã dành hẳn 1 điều quy định vai trò và trách nhiệm của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cung cấp, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chống tham nhũng, sợ nhất là chỉ hô hào!
"Vừa qua chúng ta làm chưa tốt, nguyên nhân chính không phải là do thiếu luật, thiếu tổ chức chỉ đạo. Cái chính là do chúng ta thiếu lòng tin, thiếu quyết tâm, thiếu kế hoạch cụ thể trong thực hiện, trong chấp hành nghiêm minh pháp luật. Mà thiếu cái này thì sẽ không thành công trong bất cứ việc gì", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, sáng nay.
Để Luật phòng chống tham nhũng đi vào cuộc sống, theo Chủ tịch Quốc hội, khâu quyết định chính là hành động kiên quyết thực thi pháp luật của người đứng đầu các đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của Thủ tướng - Tổng tư lệnh.
"Điều đáng sợ là chúng ta chỉ hô hào mà không hành động. Chúng ta phải xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng và những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm. Khi còn tình trạng không có người chịu trách nhiệm, nhẹ trên nặng dưới, nể nang né tránh... thì pháp luật dù tốt đến mấy cũng chỉ là quả đấm vào không khí, lạc lõng trong cuộc sống", Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh.
Việt Anh
▪ Mô hình nào cho quản lý thuốc và thực phẩm? (28/11/2005)
▪ Bộ trưởng hãy tự giám sát (28/11/2005)
▪ Các cô dâu Việt không hề có hợp đồng với công ty môi giới (28/11/2005)
▪ Khảo sát mức độ tiếp cận công trình của người khuyết tật (28/11/2005)
▪ Gác trọ 2.000 đồng cho phận nghèo (28/11/2005)
▪ Bồi hoàn điện kế điện tử: Để lâu có hóa bùn? (28/11/2005)
▪ Nam bộ: Cuối tháng 11 vẫn còn mưa, vì sao? (28/11/2005)
▪ Festival cà-phê Buôn Ma Thuật 2005 (26/11/2005)
▪ Làm bạn với con dễ hay khó? (26/11/2005)
▪ Sẽ kiểm tra kỹ tất cả các loại sữa nhập khẩu (27/11/2005)