Một trong những yếu tố chính đó là sự sở hữu tài sản. Nhưng bỏ qua các yếu tố này chúng ta vẫn thấy động lực chính của sự phát triển của xã hội loài người vẫn là sáng tạo.
Chính sáng tạo đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, và thúc đẩy sự phát triển của chính chúng ta, chủ thể quyết định của lao động sáng tạo. Trong quá trình sáng tạo, loài người tự hoàn thiện mình, tự nâng mình lên một tầm cao mới, tự làm giàu năng lực trí tuệ để khám phá và chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ nhân loại tốt hơn.
Cũng trong tiến trình này, loài người trở nên văn minh hơn, có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Tiến trình này của lịch sử là không thể đảo ngược nhưng sự phát triển là không đồng đều giữa các quốc gia. Sự tồn vong của mỗi quốc gia tùy thuộc vào cách nhìn nhận, xem xét và đánh giá tầm quan trọng của lao động sáng tạo.
Trong các quốc gia hưng thịnh, tỷ lệ tri thức (kẻ sĩ) cao hơn rất nhiều so với các quốc gia nghèo khó. Ở đó, người ta cầu hiền như kẻ khát cầu nước, như kẻ đói cầu ăn. Từ việc hiểu rõ ích lợi sẽ dẫn đến thái độ tôn trọng lao động sáng tạo và điều đó tất dẫn đến sự kính trọng trí thức.
Tất cả các quốc gia coi rẻ trí thức đều sớm muộn sẽ đi chung một con đường và sẽ bị diệt vong bởi họ tự tuớc bỏ động lực phát triển của chính quốc gia họ. Rõ ràng là sự hưng thịnh của mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào cách dùng trí thức. Khi kẻ sĩ rũ áo ra đi thì cũng là lúc quốc gia bắt đầu suy yếu rồi dần dà sẽ bị tiêu diệt.
Chính sách đối với kẻ sỹ là hòn đá thử vàng đối với sự phát triển của một dân tộc, là môi truờng cho hạt giống hưng thịnh của quốc gia nảy mầm và phát triển. Môi trường trong sạch thì kẻ sĩ đầy đàn, quốc gia hưng thịnh; môi trường ô nhiễm thì kẻ sĩ thưa thớt, quốc gia suy vong.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các thời vua Lý Công Uẩn, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông thực sự là các thời kỳ hưng thịnh. Thời đó, dân được sống yên vui no đủ, kẻ sĩ được trọng dụng. Tất cả các thời kỳ không trọng người hiền đều suy vi và cuối cùng đều bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc.
Tất cả những công cuộc kháng chiến giành lại độc lập cho dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử đều chứng tỏ công lao rất to lớn của trí tuệ Việt Nam đã sáng tạo ra nghệ thuật quân sự Việt Nam rất độc đáo. Chính vì vậy, phong kiến phương Bắc và các thế lực xâm lược đều thi hành chính sách ngu dân đối với dân tộc ta nhằm triệt hạ tận nguồn gốc sức sáng tạo để chúng dễ bề cai trị.
Trên thế giới, sự phát triển là rất không đều giữa các dân tộc. Các quốc gia đi đầu thường là những dân tộc biết khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo trong dân chúng. Các trung tâm văn hóa lớn của nhân lọai trong lịch sử như Ai Cập, La Mã, Trung Hoa, Ấn Độ đều là những nơi tập trung rất nhiều học giả uyên bác của thời đại và chính nhân tố này đã thúc đẩy các quốc gia đó trở thành những cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Ngày nay, sau kỷ nguyên Anh quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là những quốc gia phát triển rất nhanh chóng, đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới. Ở các quốc gia này, tỷ lệ trí thức trong một triệu dân rất cao, đặc biệt là các trí thức hàng đầu được giải thưởng Nobel rất được trọng dụng và ưu đãi.
Họ có hẳn một chính sách chiêu hiền đãi sĩ nên đã quy tụ được các nhà bác học từ đủ mọi dân tộc, quốc gia đến làm việc theo hợp đồng và thậm chí định cư tại đó.
Trong nền kinh tế thị trường, tỷ lệ lao động sáng tạo hay hàm lượng chất xám cao trong các sản phẩm thương mại quyết định sự thành bại của một công ty, một tổ hợp công ty thậm chí quyết định sự thành bại ngay trong một thương vụ.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan tình báo là đánh cắp bí mật quân sự và bí mật vũ khí, và bây giờ mục tiêu săn lùng lại là các bí mật công nghệ và các thông tin kinh tế. Tất cả các bí mật này đều thuộc lĩnh vực lao động sáng tạo.
Tất cả các nước phát triển đều có luật sở hữu trí tuệ, chứng tỏ lao động sáng tạo được tôn trọng rất cao và được bảo vệ rất chu đáo. Để đi đến một thế giới đại đồng của chủ nghĩa cộng sản khoa học chắc sẽ còn rất lâu, vì vậy, sự phát triển của từng dân tộc vẫn là tiến trình chủ yếu của những thế kỷ tới.
Chính sự phát triển của từng quốc gia ở trình độ cao sẽ đưa nhân loại nhích gần nhau hơn. Cuộc sống hạnh phúc hòa hợp và văn minh sẽ tạo điều kiện cho mầm mống đại đồng nảy nở và phát triển (cộng đồng châu Âu là một thí dụ).
Dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu trong thế kỷ tới?
Chúng ta có tiềm năng trí tuệ rất to lớn trên tất cả mọi lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật, từ quân sự đến kinh tế chính trị. Điểm lại tất cả các cuộc thi thố tài năng trên thế giới vài chục năm trở lại đây học sinh sinh viên Việt Nam bao giờ cũng chiếm được thứ hạng rất cao. Trong hàng ngũ mười danh tướng từ cổ chí kim cũng có mặt đến hai người Việt Nam. Trong danh sách danh nhân văn hóa của thế giới cũng có người Việt Nam. Chúng ta cũng có các nhà khoa học được thế giới kính trọng. Tất cả những điều này cùng với thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vừa qua và thành tựu 10 năm đổi mới là niềm tự hào dân tộc.
Nhưng chúng ta không thể phát triển chỉ với niềm tự hào dân tộc và phát triển bằng niềm tự hào dân tộc. Đấy là nguồn sinh lực động viên và khích lệ mỗi người dân hôm nay tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta phải thấy nỗi nhục nghèo nàn như nỗi nhục mất nước mỗi khi chúng ta vay nợ nước ngoài. Bởi vì vay nợ là bị lệ thuộc vào những điều kiện của người cho vay (thời hạn trả, lãi suất…) Tại sao chúng ta không phải là kẻ cho vay mà lại là người xin vay để phải mang công mắc nợ? Chúng ta có thể trả nợ đúng hạn hay lại phải để cho con cháu chúng ta phải trả. Điều đó không những hổ thẹn với tổ tông mà còn ngượng ngùng với con cháu.
Dân tộc độc lập chưa đủ, chúng ta phải phấn đấu cho cuộc sống của nhân dân ấm no hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể ngẩng cao đầu khi chúng ta bằng vai phải lứa với các quốc gia tiền tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ngày nay, khái niệm độc lập có thể đã khác xưa, chúng ta được độc lập về mặt quốc gia nhưng nếu không khéo chúng ta sẽ lại rơi vào vòng lệ thuộc kiểu hiện đại là nơi cung cấp nguyên vật liệu và nhân công rẻ mạt cho tư bản nước ngoài.
Người Nhật dạy con em họ “nước ta nghèo về tài nguyên trong lòng đất nhưng rất giàu ý chí quật cường và tài năng sáng tạo, chúng ta là con cháu Thiên hoàng nên phải xứng đáng với tổ tiên”. Sau 30 năm cam chịu kiếp bảo hộ về quân sự do thất bại ở thế chiến thứ hai, ngày nay, có nơi nào trên thế giới mà người Nhật không đặt chân đến bằng hàng hóa của họ. Chính sự quật cường của truyền thống dân tộc và tài năng sáng tạo đã khơi nguồn cho sức phát triển của người Nhật và họ đã làm được công cuộc chinh phục thế giới mà thế hệ cha anh của họ dù phải tốn rất nhiều máu xương vẫn cam chịu thất bại nhục nhã.
Chúng ta cũng có ý chí quật cường, cũng đầy tiềm năng sáng tạo, chúng ta có thể được như người Nhật chăng? Mấy nghìn năm phong kiến phương bắc và các thế lực thù địch đã không tiêu diệt nổi dân tộc Việt Nam. Chúng ta vẫn hiên ngang tồn tại và có hẳn một nền văn hóa mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng ta chưa phát triển là do chính chúng ta chưa huy động được hết mọi tiềm năng sáng tạo trong mỗi con dân Việt Nam.
Chúng ta phải cởi bỏ tất cả các trói buộc để cho mọi nguồn sáng tạo có thể phát sinh và phát triển. Không thiếu nhân tài, nhưng không biết sử dụng nhân tài còn tệ hơn gấp nhiều lần. Đó là sự lãng phí cao nhất, lãng phí chất xám. Chất xám cũng như sắc đẹp là những báu vật của tạo hóa. Chúng ta phải nâng niu chăm sóc từng giọt chất xám, đừng để phí hoài. Chảy máu làm cho cơ thể con người suy yếu. Lãng phí chất xám làm cho dân tộc suy vong. Sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng hợp lý chất xám. Chúng ta chưa làm tốt được việc này. Đó là lỗi của thế hệ chúng ta chứ không phải của ai khác và không phải nguyên nhân từ nơi khác.
Kẻ thù đối với sự phát triển của dân tộc nằm trong chính những điều bất hợp lý dẫn đến sự trì trệ kéo dài, dẫn đến tệ quan liêu cửa quyền, dẫn đến nạn tham nhũng vô hạn độ. Điều đó, suy cho cùng cũng chính là chúng ta chưa sử dụng đúng nhân tài. Chính những con người tài giỏi này sẽ tháo gỡ tất cả mọi điều bất hợp lý trên con đường phát triển của dân tộc.
Suy cho cùng sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng trí thức. Để tạo điều kiện cho nhân tài được phát triển, điều đầu tiên là phải trọng dụng (chính sách chiêu hiền đãi sĩ). Trọng dụng trước hết là kính trọng rồi mới sử dụng. Ngày xưa Lưu Bang lập đài bái kiếm Hàn Tín, Lưu Huyền Đức ba lần cầu Gia Cát Lượng, Lê Thái Tông lập Quốc Tử Giám (1442) đúc văn bia ghi công trạng kẻ sỹ tại Văn miếu, Nguyễn Huệ thân hành lên núi thỉnh xin cao kiến La Sơn Phu Tử. Gần hơn, Tiến sỹ (ông Nghè) vinh quy được áo mũ vua ban, võng lọng về làng. Lê Nin chu cấp đầy đủ cho các nhà khoa học còn mình hưởng tiêu chuẩn công nhân. Hồ Chí Minh chiêu tập được rất nhiều trí thức bất kể nguồn gốc xuất thân để tiến hành thành công trường kỳ kháng chiến lần thứ nhất.
Ngày nay, dù rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về khoa học công nghệ, về trí thức đã ra đời, nhưng xem ra vẫn chưa đem lại hiệu quả bao nhiêu. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Nếu chúng ta nói được và đã nói nhiều lần mà chưa làm được, phải chăng đó là lực bất tòng tâm, hay đó là nói suông, hay trên thì cứ nói, dưới làm khác đi, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hay là tại các văn bản đó chưa nhắm đúng vào vấn đề cốt lõi như chỉ thị khoán 10 trong nông nghiệp?
Hãy thử tiếp cận vấn đề theo cách khác. Cũng giống như các chính sách khác của Đảng đã khơi dậy tiềm năng trong toàn dân để từ một nước thiếu ăn ta đã tự túc được lương thực và xuất khẩu gạo, để từ một nước được coi là thù địch ta đã là bè bạn khắp năm châu.
Chính sách đối với khoa học và công nghệ cần một quyết tâm cao hơn, dễ đi vào lòng người hơn phải xuất phát trước hết từ việc tôn trọng trí thức trong việc lo cho họ từ cuộc sống riêng đến lo cho họ một chỗ làm đủ điều kiện để phát huy năng lực. Đến lúc đó mới hy vọng thu được các kết quả.
Chăm lo cho trí thức cũng là chăm lo cho tương lai của dân tộc, đấy là chính sách khuyến học cụ thể nhất. Con đường ngắn nhất để thành tài và thanh danh phải là con đường học hành. Mọi cố gắng của mỗi thành viên trong cộng đồng đều hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ hiểu biết.
Đã đến lúc phải đưa hiểu biết và tri thức thành khẩu hiệu sống hàng ngày: “Ngu dốt là nguồn gốc của nghèo nàn và lạc hậu”, “Nhân tài là báu vật của quốc gia”. Nhưng không phải chỉ có khẩu hiệu, phải đưa được chính sách vào cuộc sống bằng cách trả lương sòng phẳng theo trình độ và năng lực làm việc. Khi thấy Tiến sỹ chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày thì chẳng có một học sinh nào dám mơ trở thành Tiến sỹ và mọi chuyện khuyến học trở thành nhạt phèo chẳng một ai thèm quan tâm.
Ngay từ những năm cuối thế kỷ 20, trí thức đã trở thành lực lượng lao động chính ở một vài công ty siêu quốc gia ở những ngành công nghệ cao (Thung lũng Silicon, Công ty Microsoft). Những công ty này đã thành công vang dội, bỏ xa nhiều đối thủ trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trên tòan thế giới và đã thu được lợi nhuận khổng lồ.
Đến thế kỷ 21 và sau này, trí thức sẽ là lực lượng lao động chính trên bình diện toàn xã hội. Đến khi đó chúng ta mới bắt đầu thì đã muộn. Tự trái tim của mình, tôi tin rằng, chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ trí thức Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ cất cánh và sẽ không thua kém gì một dân tộc nào trên thế giới. Muốn được như thế cần một chính sách cụ thể: Trọng dụng nhân tài.
▪ "Quan lập" (15/02/2006)
▪ Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác cải cách hành chính (15/02/2006)
▪ Diện áo bà ba đón khách Tây (15/02/2006)
▪ Ngày sáng tạo VN 2006: Sáng tạo vì trẻ em khó khăn (10/02/2006)
▪ Hà Nội thiếu văn phòng cao cấp cho thuê (13/02/2006)
▪ Vinatex - tập đoàn dệt may lớn thứ 10 thế giới (13/02/2006)
▪ Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách (13/02/2006)
▪ Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Thái-lan (13/02/2006)
▪ Sẽ không có việc tăng giá thuốc đột biến (14/02/2006)
▪ 1.001 chuyện về ngày Tình nhân (14/02/2006)