"Nhà nước có nhiều chính sách cởi mở hơn để thu hút sự đóng góp của Việt kiều nhưng quá trình triển khai thiếu đồng bộ. Điều này gây những phiền hà không đáng có, làm người tâm huyết muốn chung tay phát triển CNTT - TT quê nhà như tôi rất buồn", ông Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, tâm sự.
Ông Hưng là một giáo sư chuyên nghiên cứu khoa học tính toán, thường xuyên về thăm quê. Giáo sư Hưng đã kêu gọi được 25 dự án quốc tế, trị giá xấp xỉ 5 triệu euro đầu tư vào Việt Nam và đang ấp ủ ý định thành lập một công ty về phần mềm tính toán, có sự hợp tác của Bỉ, tại TP HCM.
![]() |
Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng. |
Tuy nhiên, khi gặp gỡ báo giới bên lề Hội nghị về Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) nước nhà, tổ chức tại TP HCM, hôm qua, ông Hưng bức xúc vì những chuyện mà theo ông cơ quan chức năng có thể làm tốt hơn, song không làm. Đơn cử như việc bà Dương Thị Quỳnh Mai, vợ ông Hưng làm thủ tục gia hạn visa tại Việt Nam mới đây. Vì muốn ở lại quê lâu hơn, bà Mai đã phải tới chính quyền địa phương 5 lần và chật vật lắm mới hoàn tất được thủ tục.
"Rõ ràng nhà nước đang tạo thuận lợi để khuyến khích Việt kiều trở về nhưng các đơn vị chức năng thực hiện chủ trương này không nhất quán. Đây mới là một ví dụ chứng tỏ trên thông nhưng dưới chưa thoáng trong việc thực hiện các chính sách đối với Việt kiều. Chúng tôi thường xuyên về nước mà còn bị phiền phức thế, những người mới về không biết thế nào", ông Hưng nói.
![]() |
Việt kiều Lữ Thế Hùng. |
Việt kiều Lữ Thế Hùng, ở Canada, cũng cho rằng, chính sách visa, thủ tục làm visa gây nhiều khó khăn cho Việt kiều, đặc biệt là thế hệ Việt kiều sinh ra khi đất nước còn ly loạn, giấy tờ khai sinh bị thất lạc. Theo ông Hùng, những người này muốn trở về phải tìm người làm chứng, công nhận huyết thống rất phiền phức. Họ có thể không làm được thủ tục bởi không phải ai trong số cán bộ xã, phường, thời các Việt kiều sinh ra vẫn đương chức. Nhiều cán bộ, người thân của các Việt kiều không còn ở địa phương, thậm chí không còn sống.
"Nếu Việt kiều được công nhận là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam thì cơ quan chức năng nên tạo điều kiện xuất nhập cảnh dễ dàng hơn và có những ưu đãi nhất định khi lưu trú thời gian dài trong nước", ông Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật và không ít Việt kiều có mặt tại hội nghị, đề xuất.
Nhiều Việt kiều cũng nhìn nhận, Việt Nam có tốc độ phát triển CNTT - TT nhanh. Riêng TP HCM có nhiều chương trình hứa hẹn thu hút được nguồn đầu tư từ người Việt Nam ở các nước.
Tuy nhiên, theo Việt kiều Đặng Lương Mô, 10 năm lại đây, giáo dục đại học Việt Nam vẫn ôm đồm về lý thuyết, có những kiến thức không sử dụng tới trong thực tế.
![]() |
Ông Đặng Lương Mô. |
Ông Mô cho rằng, Việt Nam nên thu hút những trí thức đang giảng dạy CNTT - TT ở nước ngoài hỗ trợ công tác đào tạo trong nước. Thực tế, nhiều ĐH Việt Nam đang thiếu cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm. Các trường nên tổ chức các khóa học ngắn hạn, khoảng 1 tuần, tranh thủ tập hợp những trí thức này về dạy. "Họ là những người trực tiếp sống và làm việc tại các nước có môi trường CNTT - TT phát triển. Họ có thể truyền bí quyết "nhà nghề" cần thiết, không có trong chương trình lý thuyết cho đội ngũ nhân lực CNTT - TT trong nước", ông Mô bày tỏ.
Việt kiều Nguyễn Văn Sáu, ở Canada ái ngại về cơ chế chuẩn bị cho thị trường CNTT, đào tạo nhân lực CNTT và hưởng ứng đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài của Việt Nam còn chậm. Những vấn đề về băng thông, giá thuê băng thông vẫn là trở ngại lớn cho thu hút đầu tư. Giá thuê có rẻ hơn nhưng chưa đạt mức giá chung của các nước trong khu vực. Các dự án đầu tư 100% vốn ngoài khó tìm được quản lý là người Việt Nam.
Ông Sáu nhận định: "6 năm qua Việt Nam mới tìm cách vượt qua những khó khăn này. Nhưng nhìn chung, thị trường CNTT - TT Việt Nam còn manh mún, thua xa Thái Lan, Malaysia... Nhà đầu tư phải tính toán đến lợi nhuận sau thời gian nhất định rồi mới quyết định bỏ tiền ra. Muốn thu hút nguồn lực Việt kiều như mong muốn, Việt Nam cần có chính sách sao cho nhà đầu tư thấy rằng, về nước đầu tư chắc chắn có hiệu quả, ổn định, lâu dài".
Việt kiều Lữ Thế Hùng lạc quan khi đánh giá, với đà phát triển như hiện nay, chỉ 5-7 năm nữa ngành CNTT - TT Việt Nam có thể ngang bằng với Trung Quốc. Ông Hùng đã góp 30% vốn vào 1 dự án về thương mại điện tử tại Việt Nam.
Nhưng ông Hùng cũng phàn nàn, không ít kỹ sư tin học trẻ của Việt Nam chưa thực sự tận dụng Internet như một công cụ bổ trợ kiến thức chuyên môn mà thiên về khi thác các dịch vụ giải trí. Nhiều nhân viên trong các công ty CNTT - TT cũng chưa nhìn xa trông rộng, họ có thể vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua cơ hội trau dồi kỹ năng chuyên môn. Khi không bằng lòng với công ty này, họ dễ dàng "chạy" sang công ty khác.
"Một trong những nguyên nhân chính yếu khiến họ bỏ đi là chế độ lương bổng. Nhưng theo tôi, chưa có nơi nào áp dụng chế độ tăng lương nhanh như ở Việt Nam. Trong vòng 2 - 3 năm, chúng tôi có thể tăng từ mức 200 USD lên 700-800 USD cho một nhân viên nếu người đó thực sự có khả năng, đảm đương tốt công việc được giao", ông Hùng tâm sự, "Song thay bằng ổn định công việc, đúc rút kinh nghiệm và khẳng định khả năng của mình thì không ít nhân viên một năm, thậm chí vài tháng đã chạy sang công ty khác vì mức lương khởi điểm ở đó hấp dẫn hơn".
Nhân lực yếu cả về số lượng và chất lượng, bất cập với yêu cầu phát triển của ngành CNTT - TT Việt Nam là lo ngại của hầu hết Việt kiều có mặt tại Hội nghị. Các Việt kiều cũng nhìn nhận, TP HCM là địa phương có nền CNTT - TT năng động, phát triển nhất nước nhưng doanh thu còn hạn chế và lao động tham gia trong các công ty thuộc ngành vẫn quá ít ỏi so với tổng số dân trên địa bàn. Theo dự báo của nhiều Việt kiều, sắp tới sẽ có làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến hợp tác đầu tư ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng nên chuẩn bị sẵn sàng để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Thanh Lương
▪ Toàn văn Sách trắng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam (21/08/2005)
▪ Thương nhớ vô cùng đồng chí Phạm Văn Xô (20/08/2005)
▪ Hai ông già và những đứa trẻ tật nguyền (20/08/2005)
▪ Ngoại giao Việt Nam nắm bắt đúng thời cơ, hóa giải nhanh thách thức (20/08/2005)
▪ Bác Hồ với miền nam (20/08/2005)
▪ Tạo điều kiện cho những người hồi hương ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng (20/08/2005)
▪ Bản người Mông trên đất Tây Nguyên (21/08/2005)
▪ Chuyển hướng sang Việt Nam (20/08/2005)
▪ Kiểm định chất lượng giáo dục (21/08/2005)
▪ Cháy khu tập thể (20/08/2005)