Chủ nghĩa tự do mới là một học thuyết kinh tế tập trung vào các giá trị của một nền kinh tế toàn cầu (toàn cầu hóa) thị trường tự do, thương mại tự do và sự lưu thông không hạn chế của đồng vốn. Những người theo chủ nghĩa này biện hộ cho những nguyên tắc chính phủ tối thiểu, chi tiêu tối thiểu, đánh thuế tối thiểu, điều tiết tối thiểu và can thiệp trực tiếp tối thiểu vào nền kinh tế. Họ tin rằng các lực lượng thị trường, theo bản chất tự nhiên, sẽ phát huy được trên nhiều lĩnh vực pháp quyền và xã hội mang lại lợi ích chung cao nhất (!) Những người phản bác quan điểm này cho rằng, bản thân các lực lượng thị trường vốn không công bằng nên kết quả do nó mang lại cũng không được phân phối công bằng.
Ở phương Tây, chủ nghĩa tự do mới được áp dụng rộng rãi ở các nước công nghiệp phát triển sau chiến tranh thế giới thứ II cho đến khủng hoảng dầu mỏ và Hoa Kỳ hủy bỏ chính sách kim bản vị của đồng đô-la vào nửa đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Chủ nghĩa tự do mới do nhà kinh tế học, Giải thưởng Nobel, F.Hayek khởi xướng, là nền tảng lý luận của chính sách khai thác một cách hiệu quả nhất có thể được các nguồn lực (lao động giá rẻ, nguyên liệu thô, các thị trường), và bằng cách đó tạo thêm nhiều thị trường cho các tập đoàn xuyên quốc gia, phần lớn đóng trụ sở tại các quốc gia chủ chốt của nền kinh tế thế giới (Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản).
Chủ nghĩa tự do mới cổ súy lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia thông qua những thiết chế tài chính lớn nhất của kinh tế thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và các quốc gia hùng mạnh nhất, đặc biệt là Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ. Các thiết chế này biện minh cho chủ nghĩa tự do mới, chính sách của chúng mang mầu sắc chủ nghĩa tự do mới và chịu sự chi phối về kinh tế - chính trị của các tập đoàn đa quốc gia. Những người phản đối chủ nghĩa tự do mới cho rằng, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn lợi dụng sức mạnh của đồng vốn (tư bản) để buộc các chính phủ làm những gì họ muốn, nếu không, họ sẽ ngừng đầu tư, làm ảnh hưởng đến việc làm và kinh tế nói chung. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do mới thì cho rằng, quyền quyết định lưu thông đồng vốn (của các chủ tư bản) là cần thiết để thị trường có hiệu năng, "không có bột sao gột được hồ".
Chủ nghĩa tự do mới là một sự tân trang chủ nghĩa tự do bành trướng đế quốc, thường được nói đến không theo nghĩa là một luận thuyết kinh tế, mà là sự thực thi chủ nghĩa tư bản toàn cầu và quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia cũng như tác động của thương mại tự do lên đời sống giai cấp lao động và các cơ cấu xã hội. Chủ nghĩa tự do mới cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ và các chương trình kinh tế của chính phủ gây nên tình trạng kinh tế kém hiệu quả, các nước đang phát triển nên mở cửa thị trường và hướng tiêu điểm vào xuất khẩu, đồng thời cần giải thể các doanh nghiệp nhà nước và giảm điều tiết doanh nghiệp. Tư tưởng tự do mới biểu hiện trong các cuộc đàm phán thành lập Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) trước đây và WTO hiện nay, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do khu vực như Liên hiệp châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA), trong các Diễn đàn kinh tế thế giới ở Ða-vớt, trong các hội nghị Bộ trưởng WTO hai năm một lần, như hội nghị vừa diễn ra ở Hồng Công ...
Chủ nghĩa tự do mới phát triển nhanh hơn vào những năm 70 của thế kỷ trước. Một trong những minh chứng điển hình của chủ nghĩa tự do mới là ở Chile, dưới thời Pinoche, sau khi nhà độc tài này lật đổ chính phủ Salvador Agende được bầu lên một cách dân chủ và đang thi hành các chính sách xã hội mác-xít. Làn sóng chủ nghĩa tự do mới dâng cao và lên đến đỉnh điểm với chính phủ R.Regan ở Mỹ và M.Thatcher ở Anh. Các chính phủ R.Regan và M.Thatcher không những chuyển đường lối kinh tế của nước mình theo laissez-faire (tự do kinh doanh) mà còn lợi dụng các thiết chế Bretton Woods (IMF và WB) do họ kiểm soát để áp đặt chính sách tự do mới lên phần còn lại của thế giới.
Chủ nghĩa tự do mới lấy "lý thuyết thẩm thấu" (trickle-down theory) làm nguyên lý, có nghĩa là dưới chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, tăng trưởng kinh tế và thay đổi công nghệ có lợi trước cho người giàu, nước giàu, nhưng rồi thấm đến cho cả những người nghèo nhất và những quốc gia kém phát triển nhất, thông qua các công ty đa quốc gia, các tầng lớp thượng lưu trong nước, và các thiết chế như IMF, WB hay WTO.
Một nguyên lý thứ hai của chủ nghĩa tự do mới, nói theo nghĩa hẹp, là "kinh doanh thỏa sức, tích lũy vốn, tư hữu hóa, thúc đẩy và dàn xếp thương mại". Nguyên lý đó của "chủ nghĩa tự do mới" được áp dụng rộng rãi ở Mỹ la-tinh. Nhưng thương mại tự do và "lợi thế cạnh tranh" đã có từ hai thế kỷ. Vậy cái mới của nó là gì? Tự do của nó thật ra chẳng có gì mới. Chủ nghĩa tư bản từ thuở mới ra đời đã đòi tự do lưu thông hàng hóa, tự do thuê mướn nhân công, tự do định giá mua và bán hàng hóa, vật tư, nguyên liệu... Ngày nay, chủ nghĩa tự do mới hô hào phải để cho các công ty tư bản đến bất cứ nơi nào trên thế giới để hạn chế chi phí đến mức thấp nhất và kiếm được lợi nhuận nhiều nhất. Từ hai nguyên lý trên, chủ nghĩa tự do mới chủ trương sáu bước làm giàu cho đất nước: Thương mại tự do, đầu tư không bị giới hạn, phi điều tiết, cân đối ngân sách, tỷ lệ lạm phát thấp và tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế con đường của chủ nghĩa tự do mới đã đưa các nước đang phát triển đến đâu? Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mở đầu ở Thái-lan rồi lan sang các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc để lại trên đường đi của nó những hậu quả tàn phá ghê gớm như những gì được thấy sau này với thảm hoạ sóng thần giáng xuống Tây-Nam Á. 20 tỷ USD trị giá bất động sản không có người mua ở Thái-lan và 100.000 trẻ em của nước này không được đến trường vì bố mẹ không đủ tiền đóng học phí. Hơn 400 công ty Malaysia tuyên bố phá sản từ tháng 7-1997 đến tháng 3-1998. Khoảng 20 % số dân Indonesia (40 triệu người) rơi vào cảnh nghèo đói. Khủng hoảng lan đến cả Brazil và Nga. Theo Báo cáo phát triển con người năm 1999 của UNDP, 105 tỷ USD, tương đương 11 phần trăm GDP của vùng này, được dồn đến nơi khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Thực tế thương mại thế giới cho thấy rằng, không cần chủ nghĩa tự do mới thông qua WTO và các thiết chế tài chính quốc tế khác để tăng 86 lần, từ 124 tỷ USD năm 1948 đến 10.772 tỷ USD năm 1997. Trong một công trình mới đây, GS R.Colin đã tổng quát "thành tích" của các nước đang phát triển đi theo con đường của chủ nghĩa tự do mới. Thời kỳ (1961-1980), GDP trên đầu người của các nước đang phát triển chưa theo đường lối tự do mới tăng trưởng bình quân hàng năm 3,2%. Ðến kỷ nguyên tự do mới (1981 - 1999), mức tăng trưởng đó giảm còn 0,7 %, kém hơn cả tuyệt đối và tương đối so với các nước phát triển thuộc OECD. Theo Tổng thống Tanzania A.A. Karume, trái với những lời hứa hẹn của các thiết chế quốc tế, chủ nghĩa tự do mới, "thị phần của các nước miền nam Sahara châu Phi đã giảm từ khoảng 5% những năm 70 xuống còn chưa tới 2% hiện nay". Ðầu tháng 11- 2005, Tổ chức phi chính phủ OXFAM cho biết, châu Phi với 800 triệu người là lục địa duy nhất nghèo hơn kể từ năm 1979, mà nguyên nhân vẫn là do áp dụng những luận thuyết của chủ nghĩa tự do mới: tự do cạnh tranh, tự do thương mại mà không tính đến những đặc thù của mỗi nước.
Không phủ nhận chủ nghĩa tự do mới cũng có những điểm tích cực nhất định, nhưng bao quát vẫn là một thứ chủ nghĩa kinh tế đơn thuần và đặc trưng cơ bản nhất của nó là sự bất bình đẳng về kinh tế, là sự phục vụ cho quyền lợi của người giàu. Ở Tanzania, 40 % số dân chết dưới tuổi 35, số tiền trả nợ nước ngoài hằng năm gấp sáu lần tiền dành cho y tế. Toàn châu Phi có một nửa số trẻ em không được đến trường tiểu học, trong lúc các chính phủ trả cho các chủ nợ phương bắc gấp bốn lần số tiền chi cho y tế và giáo dục công dân... J.Stiglitz, Phó chủ tịch và là nhà kinh tế hàng đầu của WB đã nhận xét "có những bất trắc thật sự khi trao quá nhiều quyền hạn cho các cơ quan quốc tế... Các thiết chế đó có thể trở thành một nhóm quyền lợi, chú tâm duy trì vị thế và thăng tiến quyền lực của mình... Các quốc gia phải tự mình quyết định, trách nhiệm của các cố vấn kinh tế chỉ là góp ý kiến đánh giá".
Các nhà nước có thể loại bỏ thị trường cũng như xúc tiến nó. Thị trường tự do đến đâu đi nữa vẫn cần có Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ bằng hệ thống pháp lý, chống xâm hại hoạt động kinh doanh theo pháp luật, đại diện quyền lợi kinh tế và thương mại trên bình diện thế giới, phát huy vai trò quản lý vĩ mô. Không có Nhà nước mạnh, không có thị trường, không có lực lượng thị trường và kinh tế thị trường, càng không có thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam không đi theo con đường chủ nghĩa tự do mới của chủ nghĩa tư bản. Vô luận thế nào, không được quên rằng, chủ nghĩa tự do mới là để "tân trang" chủ nghĩa tư bản nhằm kéo dài sự thống trị tư bản chủ nghĩa. Chúng ta hiểu chủ nghĩa tự do mới để chiến thắng học thuyết nguy hiểm này.
|