Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước Madagascar
Các Website khác - 06/02/2006
Ai có dịp đến công viên xinh đẹp nằm ở trung tâm Antananarivo, thủ đô nước CHDC Madagascar ("Ðảo lớn" thứ tư trên thế giới), sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cũng như một số nước khác trên thế giới, việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Madagascar mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước trên thế giới vì mục đích cao cả là giải phóng các dân tộc nhất là giải phóng các dân tộc châu Á, châu Phi từng bị đế quốc xâm lược thống trị nói chung, đất nước và nhân dân Madagascar nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thanh niên giàu lòng yêu nước, thương dân. Năm 1911, Người quyết định xuống tàu buôn của Pháp và bằng chính sức lao động của mình, đã tự nguyện thực hiện một chuyến đi dài ngày vòng quanh thế giới để tìm hiểu tình hình và tìm con đường cứu nước mới, không chỉ cho Tổ quốc mình mà còn cho các dân tộc bị áp bức khác. Chính trong chuyến đi đó, Người có dịp chứng kiến tội ác của các nước đế quốc đối với nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân các nước châu Phi.

Từ rất sớm, bằng thực tiễn cuộc sống, Người đã phát hiện một chân lý: "Dù mầu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột". Trong thời gian sống tại Pháp, Người đã cùng các bạn châu Phi, trong đó có hai bạn người Madagascar là Jean Ralaimongo và Samuel Stephanie, tích cực tổ chức và tham gia lãnh đạo Hội liên hiệp thuộc địa, tập hợp những người dân thuộc địa của Pháp (cuối tháng 11-1921), ra báo Le Paria (Người cùng khổ) để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa (tháng 4-1922). Ngay số đầu phát hành, báo Le Paria đã khẳng định: Báo "ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Ðông Dương, ở quần đảo Ăng Ti và Guy An". Mặc dù bị thực dân Pháp cấm đoán nghiêm ngặt, báo Le Paria đã vượt qua vòng vây của chủ nghĩa thực dân Pháp tới với người dân các xứ thuộc địa, thức tỉnh họ đứng dậy đấu tranh.

Mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi hoạt động ở Pháp mang tên là Nguyễn Ái Quốc) còn được thể hiện rất rõ qua tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản tại Paris năm 1925. Trong tác phẩm này, Người tố cáo hành động man rợ của đội quân viễn chinh pháp ở Madagascar năm 1895. Chúng đã thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân, tàn sát một lúc 5.000 người của bộ lạc Sacavala trên bờ biển phía Tây của Madagascar. Ðây cũng là lúc thực dân Pháp dìm trong biển máu cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19. Bước sang thế kỷ 20, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã góp phần cổ vũ nhân dân Madagascar vùng dậy chống thực dân Pháp năm 1947.

Lịch sử đã chứng minh giữa hai dân tộc Việt Nam và Madagascar từng có kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược, cùng chịu thân phận thuộc địa. Ðó là những cơ sở quan trọng để hai đất nước, hai dân tộc tăng cường hơn nữa tình hữu nghị. Việc hai nước Việt Nam và Madagascar sớm đặt quan hệ ngoại giao năm 1972 là biểu hiện cụ thể tình đoàn kết hữu nghị sâu xa và cao cả đó.

Sự hiện diện bức tượng Lenin, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đài kỷ niệm nhà yêu nước Jean Ralaimongo - cuộc hội ngộ của ba danh nhân, thuộc ba dân tộc khác nhau, tại thủ đô Antananarivo trên đất nước Madagascar xinh đẹp và anh hùng, là biểu hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác hữu nghị của các dân tộc bị áp bức, cùng chung một mục tiêu đấu tranh cho sự giải phóng của con người, vì hạnh phúc của nhân dân toàn thế giới.

GS ÐINH XUÂN LÂM