“Cơn hồng thủy” ùn tắc giao thông
Các Website khác - 06/02/2006
Sau khi bãi bỏ một số quy định hành chính nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, người dân Hà Nội đã hứng chịu ngay hậu quả, ùn tắc giao thông đang gia tăng từng ngày. Các tai họa được dân gian xếp theo thứ tự "thủy, hỏa, đạo, tặc". Và không hề ngẫu nhiên người ta ví tình trạng ùn tắc giao thông đô thị (GTÐT) là "cơn hồng thủy do con người sinh ra".
Nó không chỉ mang sức tàn phá ghê gớm về kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn thể hiện tính "bất kham" rất khó khắc phục. Chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ chung quanh việc "trị thủy" theo nghĩa nói trên.

Khó khăn lớn nhất là gì?

Bài toán GTÐT đang đòi hỏi phải đồng thời cùng một lúc giải quyết nhiều vấn đề phức tạp: Từ hạn chế phương tiện cá nhân đến phát triển vận tải khách công cộng (VTKCC), từ cải thiện cơ sở hạ tầng đến nâng cao năng lực tổ chức và quản lý giao thông. Nghĩa là khó đủ bề, vì vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm ta đều đang thiếu. Nhưng khó nhất là gì? Theo chúng tôi, từ thực tiễn mấy năm qua cho thấy, nhiều vấn đề xuất phát từ nhận thức đang làm chậm quá trình phát triển GTÐT và hạn chế hiệu quả khắc phục ùn tắc giao thông. Xin nêu mấy thí dụ như sau:

Chung quanh giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân: Ðể hạn chế phương tiện cá nhân, cùng với việc phát triển VTKCC phải thực hiện các biện pháp hành chính và kinh tế, trong đó chủ yếu là biện pháp kinh tế. Biện pháp hành chính nói tóm lại là "cấm" như một số quy định vừa phải bãi bỏ. Còn biện pháp kinh tế chủ yếu sử dụng các loại thuế và phí như phí đăng ký, phí mua quyền sở hữu xe, phí giao thông đường bộ, phí giao thông đô thị, phí chạy xe vào trung tâm giờ cao điểm... Áp dụng một số biện pháp hành chính như vừa qua phải chăng là chọn cách dễ dãi theo lề thói cũ, cứ "cấm" là xong; khác với biện pháp kinh tế, phải vận động, giải thích nhiều vì cư dân đô thị chưa quen với những khái niệm này. Ðó là chưa nói đến không ít người giữ thói quen làng xã và bao cấp, vẫn chuyện "trời sinh voi, trời sinh cỏ" vào sự phát triển phương tiện cá nhân ở đô thị; trước tình trạng ùn tắc giao thông, chỉ nêu giải pháp giản đơn một chiều: Nhà nước mở rộng đường là thông hết. Hoặc, cứ khăng khăng cho rằng phải phát triển VTKCC trước và đủ mạnh rồi hẵng hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi trên đường phố của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xe máy dày đặc tạo ra thế "cài răng lược" rất khó cho xe buýt phát huy tác dụng.

Về nhận thức quy hoạch, chỉ nêu một khía cạnh nhỏ: Trước tình trạng ùn tắc giao thông đô thị ngày càng tăng, các giải pháp khắc phục đưa ra thường tập trung vào giao thông nội đô, chưa giải quyết đúng mức mối quan hệ giữa giao thông nội đô với giao thông ngoại vi, liên vùng, quá cảnh. Và nhận thức chỉ đạo hành động, việc chậm xây dựng các đường vành đai, công trình vượt sông, trục hướng tâm... là biểu hiện cụ thể của sự hạn chế nói trên. Nắm bắt được quy luật mới giải được bài toán GTÐT và đối với việc "trị thủy", bất cứ một sự lỗi nhịp nào đều phải trả giá...

Xử lý tình thế không chỉ bằng biện pháp tình thế

Những hạn chế của nhận thức nói trên đã dẫn đến một tình thế khá nan giải, gần đúng như các chuyên gia trong nước và quốc tế thường cảnh báo: "Lộ trình phát triển GTÐT đầy nguy cơ và thách thức, trong đó cái giá phải trả thường nhân lên gấp nhiều lần bởi lầm lỗi của con người khi thực thi những biện pháp không xuất phát từ một chủ trương định hướng đúng tầm và nhất quán, không nằm trong một thiết kế quy hoạch cân đối và đồng bộ ngay những bước khởi đầu".

Tình thế nan giải ở chỗ, tương quan giữa các tiến trình hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển VTKCC và mở mang cơ sở hạ tầng đang có sự "lệch pha" . Một vài năm gần đây, nhận thức về quy hoạch cơ sở hạ tầng đã có chuyển biến từng phần, hàng loạt công trình đã và đang được triển khai thi công nhằm thúc đẩy việc mở ra các trung tâm mới và đô thị vệ tinh, phân luồng xe từ xa, giảm sức ép đối với giao thông nội đô (Hà Nội cùng lúc hoàn thiện vành đai một, hai, ba và mấy cầu vượt sông Hồng; TP Hồ Chí Minh xây dựng hai công trình vượt sông lớn và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt cho di dời các cảng biển đi nơi khác để tạo không gian phát triển đô thị và hạn chế ùn tắc giao thông...). Ngược lại, giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân ở hai đô thị lớn vẫn dẫm chân tại chỗ, nếu không nói là thụt lùi sau khi một số lệnh "cấm" không còn hiệu lực. Trong khi đó, sự phát triển VTKCC khó tránh khỏi giai đoạn "ngắt quãng" do không gian dành cho xe buýt hoạt động đã tiệm cận với giới hạn cho phép. Và giao thông bánh sắt, nếu triển khai xây dựng ngay từ bây giờ, ít nhất dăm bảy năm sau mới phát huy tác dụng.

Trước tình thế cấp bách đó, nếu vội vàng áp dụng các biện pháp nặng về tình thế sẽ kém hiệu quả, tốn kém và dễ tạo ra sự "lệch pha" mới. Trường hợp ỷ lại, trông chờ vào việc cơ sở hạ tầng đang mở mang là lặp lại sai lầm cũ. Bởi vì hiện nay, tình trạng ùn tắc đang khá phổ biến và tốc độ tăng phương tiện cá nhân tiếp tục lớn hơn nhiều tốc độ tăng diện tích mặt đường. Theo chúng tôi, không thể có một giải pháp đơn phương mà đã đến lúc cần một chương trình "cả gói" để tiếp tục giải bài toán GTÐT. Trong đó kết hợp nhiều giải pháp sáng tạo hơn nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển VTKCC, cải thiện cơ sở hạ tầng, bố trí lại dân cư, điều phối giao thông hợp lý, tăng cường nhận thức và ý thức của cư dân đô thị. Và trong quá trình thực hiện, cũng có lúc phải tùy cơ ứng biến, nhưng phải luôn luôn bám sát nhiệm vụ trung tâm là hình thành và xác lập nguyên tắc vận hành mạng lưới VTKCC, bảo đảm sự phát triển bền vững lâu dài.

QUANG TUẤN