Ông chủ Việt kiều bán hết gia sản làm từ thiện
Các Website khác - 06/02/2006
Ông Trần Văn Ca ngồi ngoài cùng
(bên phải) cùng một số thành viên
trong đoàn bác sĩ Việt kiều tại
Hà Nội, tháng 11-2005.
Đang là chủ của năm nhà hàng và kinh doanh địa ốc làm ăn phát đạt ở bang Virginia bên Mỹ, ông Trần Văn Ca chuyển sang làm từ thiện chuyên nghiệp từ lúc nào chính ông cũng không hay. Bầu nhiệt huyết muốn giúp ích cho quê nhà cứ lớn dần lên theo những chuyến về thăm quê của ông chủ Việt kiều thành đạt vào cuối năm 1989.
Những nhà hàng biến thành... hàng chân, tay giả

Tình cờ gặp một người tàn tật, dáng vẻ tiều tụy, đang lê lết xin ăn bên quốc lộ 1 trong dịp về thăm quê năm ấy, ông Trần Văn Ca bị xúc động ghê gớm. Hỏi ra mới biết, người ăn xin là anh Nguyễn Công Phương, đồng hương Quảng Nam với ông, cũng là người coi ông như ân nhân từ sau khi được ông tặng chiếc xe lăn mà ông mang về từ Mỹ trong lần về Việt Nam sau đó. Nhờ có phương tiện đi lại, anh Phương xin được làm bảo vệ ở một công ty sản xuất nước đá ở Tam Nghĩa huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Anh Phương ơn ông Ca lắm vì nếu không có tấm lòng vàng của ông, anh có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ mình lại có cuộc sống ổn định, có gia đình riêng và con cái trưởng thành như bây giờ.

Chưa đầy chín tháng sau lần gặp người ăn xin tàn tật bên lề đường, ông thành lập Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH), hoạt động như một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ.

Song những lần về thăm quê còn để lại cho ông nhiều nỗi niềm hơn thế. Ông còn nhớ có lần, dù rất muốn ở lại lâu hơn song chẳng hiểu sao ông đã ra thẳng máy bay trở về Mỹ chỉ sau vài ngày. Sau đó ông còn mạnh dạn viết thư cho Tổng bí thư Đảng, khi ấy là đồng chí Đỗ Mười bày tỏ những tâm sự thật của mình, trong đó đề xuất một số giải pháp giúp Việt Nam phát triển kinh tế.

Ghi nhận thiện chí này, ông Ca được phó đại diện văn phòng thường trực của Việt Nam tại LHQ ở New York khi đó mời tới cảm ơn và tiếp chuyện. Trong câu chuyện, ông bày tỏ tâm nguyện muốn được giúp đỡ những con người mà ông cho là "cần được giúp đỡ" ở quê nhà.

VNAH chính là cầu nối để ông thực hiện tâm nguyện này. Công việc ở VNAH gần như lấy hết thời gian và tâm huyết của ông, với những dự án cung cấp xe lăn, chân tay giả và tạo công ăn việc làm cho người tàn tật cùng nhiều dự án khác tại Việt Nam. Các nhà hàng của ông cứ lần lượt "đội nón ra đi" sau mỗi dự án cung cấp chân, tay giả và xe lăn của VNAH. Đầu tiên là phải bán hai cái, sau đó là bán sạch. Cũng may những việc ông làm được vợ nhiệt tình ủng hộ và hiện bà là trợ thủ đắc lực của ông trong một số công việc của VNAH.

Các nhóm phản động chống đối Việt Nam ở bên Mỹ hồi đó không để ông yên mà tìm cách chống phá quyết liệt. Ngay gia đình chị gái ông, những Việt kiều Mỹ tham gia biểu tình chống Việt Nam, cũng phản đối gay gắt. Song vượt qua tất cả, ông vẫn lăn lộn với công việc của VNAH bởi giúp đỡ những con người bất hạnh đã trở thành ý nghĩa cuộc sống của đời ông.

Tiếng lành đồn xa

VNAH ngày càng có tiếng trong làng NGO hoạt động ở Việt Nam và được nhiều bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội trong nước tin tưởng, cùng hợp tác thực hiện các dự án từ thiện. Kể từ năm 1992, khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, VNAH đã cung cấp cho những người tàn tật 100.000 chân, tay giả và xe lăn. Hoạt động có hiệu quả nên VNAH đã thu hút được ngày càng nhiều nguồn tài trợ, trong đó có cả cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Tôi may mắn gặp được ông Ca ở Hà Nội vào giữa tháng 11-2005 và ngay buổi chiều ông phải trở lại Mỹ để kịp chuẩn bị tổ chức cho bữa tiệc từ thiện được VNAH tổ chức hằng năm vào đầu tháng 12, nhằm quyên góp tiền ủng hộ Việt Nam. Song ông đã phải dời lại vài ngày vì bất ngờ nhận được lời đề nghị cùng thực hiện chương trình về HIV/AIDS. Với ông Trần Văn Ca, đây là niềm hạnh phúc lớn lao bởi những cố gắng không mệt mỏi của ông đã được nhìn nhận.

Uẩn khúc cuộc đời và ước mơ làm cầu nối

Ông luôn bị day dứt bởi những trái ngang của gia đình có cha và anh trai cả (được công nhận liệt sĩ) theo Việt Minh, trong khi hai anh trai tiếp theo lại theo quân đội Việt Nam cộng hòa. Những ám ảnh về cuộc chiến tranh chia gia đình ông làm hai chiến tuyến khiến ông luôn mang trong mình một nỗi đau riêng. Lúc đầu ông thành lập VNAH cũng một phần vì muốn tìm lại sự thanh thản của tâm hồn và xoa dịu nỗi đau. Song dần dà ông tìm được niềm vui và ý nghĩa to lớn hơn trong công việc giúp vợi đi nỗi đau bệnh tật của những người như anh Nguyễn Công Phương, giúp họ trở nên có ích cho cuộc sống.

Vậy nhưng những người cần được giúp đỡ như anh Phương rất nhiều và công việc của VNAH cứ ngày một nhiều hơn, nên ông thấy đã tới lúc cần phải có những Việt kiều trẻ hơn cùng chung tay và kế tục công việc ông đang làm. Cuối cùng "cơ duyên" đã tới, khi tháng 11 vừa rồi ông tập hợp được một đoàn bác sĩ là những Việt kiều sinh sống tại Mỹ về Việt Nam khám bệnh miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa khu vực miền Trung. Ông Ca vui mừng vì đã phần nào thực hiện được ước mơ mà ông tự coi là sứ mạng của VNAH làm cầu nối giữa bà con trong nước và kiều bào bên Mỹ. Thực ra, ông muốn điều này xảy ra từ lâu, song vì nhiều lẽ nên phải hơn 15 năm nó mới đến. Ông còn ước mơ sẽ tổ chức được nhiều chuyến như thế nữa và những việc ông đang làm sẽ được nhân lên rộng khắp trong cộng đồng bà con người Việt bên Mỹ.

Gặp anh Thắng, một thành viên hội đồng quản trị VNAH, tôi mới biết ông Trần Văn Ca được coi như một người anh tinh thần trong VNAH bởi ý chí, tinh thần và nghị lực làm việc. Nhìn các bạn trẻ Việt kiều đem hết nhiệt tình khám, chữa bệnh cho các em học sinh nghèo, ông Ca vui lắm và tràn đầy hy vọng trong số các bạn trẻ Việt kiều này sẽ có người tiếp tục những nghĩa cử ông đang làm.

Theo Quân đội nhân dân