Được con cháu nấu cháo cho dễ nuốt, cụ Trần Thị Nhĩ (sinh năm 1886, ở tổ 6, Thành Vinh, Thọ Quang, TP Đà Nẵng) hỏi... cơm. Cụ sinh con út năm... 59 tuổi và chưa bao giờ ốm đau lắt nhắt.
Tứ đại đồng đường
Cụ Trần Thị Nhĩ |
Theo chân anh Ngô Minh Nhật, cán bộ chuyên trách tổ dân phố phường Thọ Quang qua những ngõ hẻm ngoằn ngoèo của làng chài ven thành phố để tìm đến nhà cụ bà có tuổi thọ cao. Trời chang chang nắng, cát trắng thốc lên mù mịt theo từng đợt gió biển đập vào mặt rát xót. Trong căn nhà nhỏ đang oằn mình chống cự với những trận gió là tổ ấm của 11 thành viên trong gia đình cụ bà Trần Thị Nhĩ.
Bỏ tấm lưới đan giữa chừng, ông Nguyễn Nhĩ, người con trai duy nhất còn sống của bà tiếp chúng tôi bên ấm nước chè đạm bạc và khẽ gọi cụ bà dậy. Nếu nhìn vào, khó có thể tin rằng cụ bà da dẻ hồng hào, gương mặt lấm tấm vết đồi mồi đang quấn lại vành khăn cột trên đầu với đôi tay thuần thục, nhanh nhẹn kia đã vượt qua cái tuổi "bách niên". Nghe chúng tôi lên tiếng, bà hỏi: "Đứa nào về đó bay?".
Nhìn lên bảng mừng thọ của T.Ư Hội Người cao tuổi vừa trao tặng nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi, ông Nguyễn Nhĩ (năm nay đã 75 tuổi) cho biết: "Mẹ tui sinh được 10 anh em cả thảy. Tui là con thứ 4 trong nhà. Người em gái kế là liệt sĩ. Chiến tranh loạn lạc và bệnh tật, cho đến bây giờ, chỉ còn lại 3 người". Trong 7 người con của ông Nhĩ, đã có hai người con gái đi lấy chồng ra ở riêng, căn nhà nhỏ hiện tại là một đại gia đình bao gồm 4 thế hệ: cụ bà Trần Thị Nhĩ, vợ chồng người con trai Nguyễn Nhĩ, 5 đứa cháu nội (một đứa đã có gia đình) và 3 chít nội. Bây giờ trong nhà bà có hai người cách tuổi nhau những... 119 năm bởi đứa chít nội gái đang nằm trong nôi chỉ mới có 22 ngày tuổi. Hàng xóm ai cũng khen gia đình đông người, nhiều thế hệ vậy mà vẫn thuận hòa, trên bảo dưới nghe.
119 tuổi vẫn đòi ăn... cơm
Tuổi già đã lấy đi ánh sáng của bà trong một lần vấp ngã cách đây hai năm, từ đó bà không thể đi đứng bình thường như trước kia nữa. Hằng ngày, việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân của bà đều do một tay chị Nguyễn Thị Hòa chăm sóc - người cháu nội bất hạnh bị nhiễm chất độc da cam nên dù đã 30 tuổi nhưng vóc người vẫn nhỏ bé như một học sinh tiểu học.
Tuy tuổi đã cao nhưng con cháu trong nhà ai cũng mừng vì bà nội còn ăn, còn khỏe và khá minh mẫn. Hằng ngày, buổi sáng tiêu chuẩn của bà là một tô cháo dinh dưỡng mua trong xóm. Chị Hòa kể rằng có bữa mẹ chị mua rồi nhưng chị không biết nên đã mua thêm, vậy mà ép đút, bà cũng ăn hết. Mỗi bữa, bà ăn được một chén cơm nhão cùng thức ăn đã được thái nhỏ. Có khi, sợ tuổi cao, răng yếu chị Hòa chỉ nấu cháo cho bà ăn hằng ngày... "Nhưng được mấy bữa, bà nội la, hỏi tui sao tụi bay không cho tao ăn cơm"! Ông Nhĩ trầm ngâm: "Hồi trước mẹ tui mỗi lần ăn trầu thường trộn vôi nhiều lắm, cả muỗng lớn, ai cũng lạ. Không biết có phải vì ăn vôi nhiều không mà răng của bà đến bây giờ cũng còn khá chắc để có thể ăn cơm được!".
59 tuổi mới... hết sinh
Bà Nguyễn Thị Mùi, người con út của bà Nhĩ năm nay đã 60 tuổi là bà của 4 đứa cháu. Tính theo tuổi, chúng tôi hơi ngờ ngợ. Thấy vậy bà Mùi nói nhỏ: "Bà già tui còn "phụ nữ" lâu lắm, hình như đến hơn 60 tuổi mới hết lận". Bà Mùi cho biết hồi mẹ bà sinh, phải nằm sưởi cho đến khi 10 bao tải than dùng hết thì thôi. Không biết thực hư như thế nào nhưng đối chứng giấy chứng minh và tuổi tác của người con gái út thì tôi tin chuyện bà hạ sinh đứa con út lúc... 59 tuổi.
Bà Mùi và ông Nhĩ nhớ lại khoảng thời gian khi mình còn bé. "Bà già tui sinh 10 đứa con vậy chứ khỏe lắm. Hằng ngày, bà đi bán cá vụn để người ta cho heo, vịt ăn. Cách đây hơn 10 năm, cả nhà không cho bà đi bán cá nữa, tui đốt hết bộ gióng vốn là "đồ nghề" làm ăn của bả. Vậy mà bả vẫn ra bến mua cá rồi đi bán lại. Thiệt hết biết!". Ông Nhĩ vừa dứt, bà Mùi kể tiếp: "Tui còn nhớ hồi năm 1982, 1983 gì đó, hồi tui còn đi buôn cá, gánh cả tạ cá đi hơn 3, 4 cây số về bến cá Thuận Phước bây giờ. Tui gánh không nổi, bà già gánh giùm tui một đoạn cả hơn 1 cây số về bến cá mà ai cũng phục".
Ông Nhĩ tiếp thêm: "Hồi còn ở quê (Thăng Bình, Quảng Nam), bà mẹ tui lúc đó khoảng 50 tuổi, gánh đồ mang ra chợ bán gặp...". Ông Nhĩ chưa nói dứt câu thì: "...tui gánh đồ ra chợ bán, có mấy anh học trò thấy rứa hỏi xách chi nhiều vậy, để xách giùm. 3 đứa mà xách không nổi, cứ xách lên đặt xuống hoài. Nói tui là gánh chi mà ghê ri!" - cụ bà Trần Thị Nhĩ cắt ngang. Chúng tôi thật sự "choáng", không phải vì sức khỏe của cụ bà lúc còn trẻ mà vì trí nhớ của bà bây giờ. Bà có thể nhớ đến từng chi tiết nhỏ như vậy ở cái tuổi 119.
Từ lúc trẻ đến bây giờ, theo lời con cháu, bà Nhĩ không bao giờ tốn đến một viên thuốc, không bao giờ đau ốm lắt nhắt. Chị Hòa phân bua: "Bà nội tui không bao giờ đau ốm cả, chỉ vì bị té nên giờ mới ngồi một chỗ thôi. Còn mẹ tui giờ đang nằm trong bệnh viện tuy mới chỉ 70 tuổi. Con dâu còn đau yếu hơn bà gia nhiều. Trong nhà này, tui không giúp được việc gì cả, chỉ có làm nội trợ và chăm sóc nội được thôi. Mà lạ, trong nhà này chỉ có tui đút là nội chịu khó ăn được nhiều nhất thôi". Có lẽ bà thương đứa cháu nội chịu nhiều thiệt thòi nên cố gắng làm cháu vui để an ủi một phần nào...
(Theo Thanh Niên)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ BQL khu di tích Nguyễn Du vừa tiếp nhận bộ sưu tập về Truyện Kiều và Nguyễn Du (06/10/2005)
▪ Biểu tượng của lòng nhân ái, đức hy sinh (06/10/2005)
▪ Giao lưu với các đại biểu Thi đua yêu nước toàn quốc (06/10/2005)
▪ Giáo sư Trần Xuân Trường, một nhà lý luận xuất sắc (06/10/2005)
▪ Đường nào được tăng tốc độ? (06/10/2005)
▪ Để được nhân dân tin cậy (06/10/2005)
▪ Tổng vệ sinh trên cả nước để phòng cúm gia cầm (06/10/2005)
▪ Lũ lớn trên sông Lũy cuốn trôi một người dân (06/10/2005)
▪ Môi trường quận 6 quá bẩn (06/10/2005)