Bức xúc từ thực tế
Hiện nay, nhu cầu đậu ô-tô tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh vào khoảng 7.000 xe/ngày đêm. Những khu vực đang có nhu cầu cấp bách về bãi đậu gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Các bãi xe đang tồn tại không đủ đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng. Để giải quyết vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đã ra một đề án quy hoạch giao thông với diện tích dành 33 bến bãi cho tất cả các loại xe buýt, xe khách, xe tải, taxi và ô-tô khác với diện tích khoảng 34 ha (gần 0,1% diện tích nội thành). Tới năm 2020, thành phố đặt mục tiêu là phải có hơn 100 bến bãi đỗ xe với diện tích 469 ha, chiếm 1% đất đô thị.
Tuy nhiên, việc tìm ra những địa điểm xây dựng bãi giữ xe bốn bánh tập trung lại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên do, diện tích xây dựng các bãi xe này đều phải khá lớn (từ 600 m2 trở lên), trong khi đó, quỹ đất của thành phố hiện nay rất hạn hẹp. Nhiều năm qua, các đơn vị liên quan của TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi tìm địa điểm làm bãi đậu xe. Thậm chí để "tiết kiệm" đất, Sở Giao thông công chính còn đề nghị tận dụng những mặt bằng đang bỏ trống. Tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy khả quan.
Cách đây chưa lâu, Công ty Bến bãi vận tải TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với phòng Quản lý đô thị 10 quận nội thành để khảo sát xây dựng bãi giữ xe. Đoàn khảo sát đã chọn được 18 điểm tại bảy quận có thể xây dựng thành bãi đậu xe. Và trong số này chỉ 10 điểm có tính khả thi cao về mặt bằng vì đây là đất do các đơn vị thuộc Sở Giao thông công chính thành phố quản lý và được chính quyền các quận hỗ trợ mạnh. Tuy nhiên các địa điểm này có kinh phí đền bù, giải toả rất lớn. Chỉ tính riêng một điểm tại quận 5 có diện tích 3.000 m2, kinh phí đền bù, giải tỏa cho các hộ dân đã lên tới gần 60 tỷ đồng. Đáng nói là khi đoàn khảo sát xuống đặt vấn đề khảo sát các địa điểm xây dựng bãi đậu xe, các quận đều lúng túng vì trước đây trong quy hoạch quận không tính đến vấn đề này. Tại ba quận còn lại là quận 3, quận 10 và quận Phú Nhuận không thể tìm được đất trống.
Năm 2003, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương xây dựng và khai thác tầng ngầm Công viên Lê Văn Tám, quận 1, làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng với diện tích khoảng 40-45% của công viên. Theo thiết kế, bãi đậu được xây dựng ngầm nên sẽ không ảnh hưởng gì đến phần trên mặt đất công viên. Ước tính, kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 500 tỷ đồng với hình thức đầu tư B.O.T (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cũng trong năm 2003, Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh đề nghị xây bãi đậu xe nhiều tầng ở góc Nhà văn hóa Lao động (Nguyễn Thị Minh Khai - Huyền Trân Công Chúa). Các công trình tương tự cũng sẽ được triển khai ở khu nhà hàng Ra Khơi (Công trường Mê Linh), bãi đất ngã tư Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và làm hầm ngầm để xe ở khu đất Công viên 23-9. Tuy nhiên, các đề án này vẫn "treo" hơn hai năm qua. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã phải chấp nhận bố trí tạm các khu vực đậu xe dọc theo một số trục đường. Tuy nhiên, diện tích đường dành cho giao thông, nhất là khu vực trung tâm, hiện rất thiếu và cần được đầu tư phát triển thêm. Do đó, việc cho xe lưu đậu tạm đã ảnh hưởng đáng kể đến trật tự và an toàn giao thông.
Khuyến khích các nhà đầu tư vào cuộc
Nhằm giải quyết phần nào những bức xúc, vừa qua, Sở Giao thông công chính thành phố đã đưa ra bảy vị trí có thể xây dựng bãi đậu xe để các nhà đầu tư lựa chọn. Trong số này có một bãi đậu xe nổi trên mặt đất và 6 bãi ngầm. Cụ thể là bãi đậu xe ở bờ sông Sài Gòn (dọc theo Công viên Bạch Đằng-quận 1) và tuyến đường Nguyễn Huệ; hầm đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng công trường Lam Sơn; hệ thống đậu xe tự động ngầm Công viên Chi Lăng; công viên Bách Tùng Diệp; trạm điều hành các tuyến xe buýt tại khu vực vòng xoay Quách Thị Trang số 116 Nguyễn Du và sân vận động Hoa Lư.
Theo ông Trần Quang Phượng, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh, hiện sơ đồ các vị trí bãi đậu xe đã được gửi lên UBND TP Hồ Chí Minh để xem xét với khả năng được chấp nhận rất cao vì những bức xúc từ thực tế. Hơn nữa trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận một số ưu đãi cho nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng kinh doanh tầng ngầm làm bãi đậu xe tại công trường Lam Sơn.
Để khích lệ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh mới này, Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh đã đưa ra năm tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải trình được dự án khả thi về khu đất dự định làm nơi giữ xe mà không vướng các dự án khác, bãi đỗ xe phải bố trí ở những nơi có nhu cầu cao của người dân, không phá vỡ kiến trúc mỹ quan đô thị nếu xây cao tầng hoặc không ảnh hưởng đến những công trình khác nếu làm hầm xuống đất, lập được kế hoạch tổ chức giao thông ở những khu vực có bãi đỗ xe và không ảnh hưởng tới các dự án khác tới năm 2020. Thêm nữa, đơn vị cũng đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét chấp nhận một số ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như: giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền cho thuê đất, hỗ trợ thêm lãi suất phần vốn vay. Ngoài ra, còn có các hỗ trợ khác như chính sách ưu đãi về nghĩa vụ nộp thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước...
|