Đoàn đại biểu QH Việt Nam do Chủ tịch QH Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tham dự diễn đàn quan trọng này.
Liên minh nghị viện thế giới (IPU) thành lập năm 1889. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và hoạt động của mình, IPU ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng của tổ chức này trên các diễn đàn quốc tế, trong việc tham gia giải quyết các vấn đề nóng bỏng toàn cầu, đặc biệt là trong sự phối hợp hoạt động với tổ chức lớn nhất hành tinh Liên hợp quốc (LHQ). Không phải ngẫu nhiên mà cả hai Hội nghị thượng đỉnh của IPU (lần thứ nhất tháng 9-2000), đều được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, và cùng chung một địa điểm là trụ sở LHQ ở TP New York. Có thể nói, trong thế giới bộn bề thách thức ngày nay, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa IPU và LHQ là vô cùng cần thiết và cơ sở cho sự hợp tác này chính là vì mục tiêu hành động của cả hai tổ chức đều nhằm hướng đến một nền hoà bình, an ninh và thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Còn nhớ, tại Hội nghị lần thứ nhất, IPU đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn của nghị viện trong hợp tác quốc tế bên thềm thiên niên kỷ thứ 3”, trong đó khẳng định rõ cam kết của các nhà lập pháp trong việc phối hợp LHQ xử lý những thách thức to lớn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt như hoà bình, an ninh, dân chủ, nhân quyền, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội. Về phần mình, những nhà lãnh đạo các nước có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh 2000 cũng đưa ra Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó kêu gọi LHQ hợp tác với các nghị viện quốc gia thông qua IPU, phấn đấu vì mục tiêu hoà bình, an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố luật pháp quốc tế, dân chủ, cũng như các vấn đề về bình đẳng giới.
Thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) mà Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu nhà nước, chính phủ đã nêu ra năm 2000, IPU giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Theo cách nói của Chủ tịch IPU, ngài Paez Verdugo, cũng như nhiều nhà lãnh đạo nghị viện tại diễn đàn IPU lần này, đó không chỉ là việc xây dựng thể chế, chiến lược phát triển quốc gia của các nghị viện, mà còn là sự phê chuẩn, thông qua các hiệp định, điều ước quốc tế, quyết định các nguồn lực tài chính và đi liền đó là quá trình giám sát việc thực hiện của chính phủ, nhằm bảo đảm cho các khoản tài chính đến được với những người dân nghèo, những trẻ em lang thang không được cắp sách tới trường, những nạn nhân của đại dịch HIV/AIDS.
Có thể nói, Đoàn đại biểu QH Việt Nam tham dự diễn đàn IPU lần này với một tư thế mới, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế. Những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc giải quyết MDGs trong suốt những qua, là một điển hình rất đáng để nhiều nước học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Phát biểu trước đông đảo cử toạ tại IPU lần thứ 2, Chủ tịch Nguyễn Văn An có đủ cơ sở và tự hào khi nói rằng, với chính sách đổi mới, chính phủ, QH Viêt Nam đã cùng với cả dân tộc thực hiện thành công chiến lược quốc gia toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trên hầu hết các lĩnh vực mà MDGs đã đề ra trong Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000.
Thật vậy, những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện MDGs là rất đáng trân trọng. Chính ngài Jordan Ryan, Trưởng đại diện Chương trình phát triển LHQ thường trú tại Việt Nam, trong một diễn đàn đánh giá về MDGs tổ chức gần đây, cũng phải thốt lên rằng, đó là những thành tựu “không thể ngờ được”. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1% thì đến năm 2004, chỉ còn 24,1%. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm, Việt Nam đã giảm được gần 60% số hộ nghèo trong cả nước, trong khi yêu cầu mà MDGs đặt ra chỉ là 50% vào năm 2015. Không chỉ có xoá đói giảm nghèo, các muc tiêu khác như bình đẳng giới, đạt phổ cập giáo dục tiểu học… Việt Nam cũng giành được những kết quả vượt trội. Trong phạm vi châu Á, thật khó có quốc gia nào có tỷ lệ phụ nữ tham gia QH đông như Việt Nam: 27,3%. Trong các cơ quan nhà nước, tỷ lệ nữ Bộ trưởng và tương đương chiếm 12,5%. Vẫn còn đó những thách thức và bất cập, song chúng ta có quyền tự hào về tỷ lệ trẻ em tiểu học được cắp sách đến trường đã đạt 94,4% vào năm 2003. Chỉ có ở Việt Nam người ta mới gọi ngày khai trường 5-9 hằng năm là “Ngày Hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Khách quan và công bằng, những nước đạt được kết quả như Việt Nam trong thực hiện MDGs là không nhiều. Một thực tế đáng buồn là, trong khi các nghị sĩ, những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của hầu khắp các dân tộc trên thế giới đang ngồi lại với nhau tại phòng họp Đại Hội đồng LHQ (và tiếp đó là Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu nhà nước, chính phủ), thì ngoài kia, hiển hiện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta là hơn một tỷ người vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ, 115 triệu trẻ em trong độ tuổi không được cắp sách đến trường và hơn 40 triệu người bị căn bệnh quái ác HIV/AIDS hành hạ mà không được chăm sóc cần thiết. Một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn IPU lần này, các nhà lập pháp đã ngồi lại với nhau để bàn thảo, đánh giá về tiến độ thực hiện các MDGs. Phát biểu tại Hội nghị IPU lần này, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, bên cạnh việc khẳng định vai trò của nghị viện trọng việc cải tổ LHQ, quyết định các vấn đề quốc tế, còn nêu ra một con số khiến không ít nghị sĩ phải giât mình: Mỗi ngày qua đi, thế giới lại có khoảng 20 nghìn người phải “ra đi” vì những nguyên nhân mà đáng ra chúng ta có thể phòng ngừa được. Trong bối cảnh đó, việc Chủ tịch QH nước ta Nguyễn Văn An đề nghị thiết lập “Đối tác nghị viện toàn cầu vì mục tiêu MDGs”, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nghị sĩ các nước, đặc biệt là những nước nghèo, chậm phát triển. Đó chính là mối quan hệ hợp tác tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện trong việc thúc đẩy chính phủ nước mình thực hiện tốt các cam kết đối với MDGs, cũng như những thách thức toàn cầu khác mà nhân loại đang phải đối mặt. Đó còn là cơ chế để nghị viện tham gia hỗ trợ và giám sát chính phủ nước mình trong việc đàm phán đa phương vì hoà bình, an ninh và phát triển. Đề xuất của QH Việt Nam là rất cụ thể và thiết thực. Ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, ngài Paez Verdugo, Chủ tịch đương nhiệm IPU, cũng thẳng thắn: Đã đến lúc chúng ta phải gác lại những lời nói hoa mỹ, thay vào đó là những hành động cụ thể, là việc xây dựng thể chế, chính sách và tăng cường trách nhiệm của các nhà lập pháp- những người đại diện cho tiếng nói của các dân tộc trên thế giới- trước những thách thức mang tính toàn cầu. Thật đáng mừng, sáng kiến đó của Đoàn đại biểu QH nước ta đã được Ban tổ chức IPU đưa vào Báo cáo kết quả của Hội nghị và Báo cáo này sẽ được chuyển trực tiếp tới Hội nghị thượng đỉnh thế giới các nguyên thủ quốc gia diễn ra cùng địa điểm sau đó đúng năm ngày.
Thời gian này, công tác bảo đảm an ninh cho trụ sở LHQ được đặt trong tình trạng an toàn cao nhất, với sự tham gia của ba lực lượng chủ lực gồm An ninh LHQ, an ninh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và cảnh sát thành phố New York. Để vào được nơi diễn ra Hội nghị, mọi người đều phải đi qua rất nhiều trạm gác, trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của hệ thống máy móc và mạng lưới an ninh dày đặc, được trang bị những vũ khí tối tân nhất, sẵn sàng tác chiến trong mọi tình huống. Hình thức an ninh tốt nhất mà mọi người được khuyến cáo là phải luôn đeo phù hiệu do LHQ cấp ở vị trí dễ trông thấy nhất để đề phòng bất trắc. Trên trời, quanh khu vực toà nhà làm việc của LHQ cao 38 tầng, nằm giữa dòng sông Đông và Đại lộ 1 của trung tâm TP New York, thỉnh thoảng lại thấy năm ba chiếc trực thăng lên thẳng quần đảo, canh chừng. Có thể thấy, việc an ninh được bảo đảm tuyệt đối là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh thế giới những nhà đứng đầu nghị viện lần này.
Với việc thông qua Tuyên bố “ Nâng cao vai trò của nghị viện nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế”, IPU lần thứ hai đã khẳng định nghị viên là hiện thân của nền dân chủ, là thể chế trung tâm mà qua đó ý chí của mọi người dân và các dân tộc trên thế giới, được thể hiện. Việc QH Việt Nam tham dự cả hai Hội nghị IPU, cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với trưởng đoàn các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Bỉ, Italy, CH Pháp… , càng thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam nói chung và QH nói riêng trong khu vực và trên trường quốc tế. Thông qua các hoạt động tại diễn đàn IPU lần này, QH nước ta đã trực tiếp tham gia đóng góp và xây dựng những quyết định quan trọng mang tầm cỡ toàn cầu, vì sự phát triển và lợi ích chung của nhân loại, trong đó đương nhiên có lợi ích của hơn 80 triệu nhân dân Việt Nam.
Hồng Thanh từ New York
|