Người Việt Nam không chỉ ăn Tết mà còn... "ăn" không khí Tết. Sắc mầu món ăn ngày Tết còn thể hiện trong những món ăn truyền thống. Ðó là mâm cỗ đêm ba mươi, mâm ngũ quả, giò chả, bánh chưng, bánh tét, mứt, kẹo, v.v. Món nào cũng có đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho sự lựa chọn.
Mâm cỗ đêm ba mươi, ngoài thịt gà còn có các loại thịt khác như bò, dê, lợn cũng có mầu sắc, hương vị khác nhau. Thịt đỏ như bò, dê thì trang trí bằng xà lách, dưa chuột thái mỏng, trên thịt rắc ít tiêu, vài cọng rau thơm, rau mùi. Thịt trắng như lợn thì lót đĩa bằng xà lách, cà chua hoặc cà rốt, trên lại rắc rau thơm, thêm vài lát ớt đỏ là đẹp. Cũng có thể rắc vài con tép hay tôm nõn chiên sơ trên nền thịt trắng hay trên các đĩa rau cho mầu sắc xen kẽ, tương phản. Các loại thủy sản lại đặc trưng ở hình hài. Cá sông khác cá biển là thường nhiều vẩy và mầu sáng hơn. Mỗi món mỗi tý, cốt trang trí đẹp.
Bữa ăn ngày Tết không nên ăn tái, ăn sống. Các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sò, trai, hến,... và các loại ốc, là những loài động vật đáy, dễ bị nhiễm kim loại nặng, cho nên đừng ăn thường xuyên quá nhiều. Tôm, cá để ăn gỏi sống, dù còn tươi sống, vẫn phải nhúng nước chanh hoặc dấm trước khi ăn mới an toàn.
Bánh chưng, bánh tét ở giữa nhân thịt mầu đỏ lẫn trắng của mỡ, bao quanh là mầu vàng của đỗ xanh, tiếp theo là mầu trắng gạo nếp được nhuộm xanh bên ngoài bởi lá dong. Các món ăn truyền thống ngày Tết luôn và phải phong phú, đa dạng mầu sắc, hương vị. Có đủ món sống - chín, nóng - lạnh, cứng - mềm, dai - bở. Người lớn chọn món vô tư hơn, tùy theo khẩu vị. Ngán rồi thì thêm hành, tỏi, tiêu, ớt, dưa, kiệu, chưa đủ thì thêm chén rượu. Ăn nên chọn món hấp, món luộc dễ nhận biết thực phẩm có tươi ngon hay đã ôi, ươn, bốc mùi. Các món rán, nướng, xào, nấu đều có gia vị sẽ khó nhận biết.
Tận hưởng sắc mầu các món ăn ngày Tết là quyền của mỗi người. Nhưng vui không quên việc giữ gìn an toàn thực phẩm. Mỗi người hãy học cách bảo đảm an toàn thực phẩm cho người thân, gia đình và bạn bè.
|