Chuyển động bước đầu
Thực hiện chỉnh trang đô thị theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh, mấy năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đầu tư nhiều tiền của, công sức, mỗi năm cải tạo và xây mới hàng chục triệu m2 nhà ở, phục vụ nhu cầu về nhà ở, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của hàng vạn hộ dân.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân tại thành phố có hơn 700.000 người. Ngoài ra còn có hơn 160.000 công nhân đang làm việc trong 1.000 doanh nghiệp (DN) tại 15 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), 200.000 học sinh, sinh viên đang theo học trong các trường ÐH, CÐ và gần 1,5 triệu lao động phổ thông ở các ngành nghề khác nhau, trong đó hơn 70% số lao động này từ các địa phương khác đến. Nhiều người trong số đó rất cần chỗ ở, nhà ở. Vì thế, nhu cầu về nhà ở, nhất là người thu nhập thấp (TNT) rất bức xúc.
Năm năm qua, nhờ chủ trương, chính sách rộng mở của Ðảng và Nhà nước, cụ thể là Nghị định 71/CP ngày 15-10-2001 của Chính phủ về xây dựng nhà ở và cơ chế, những quy định thông thoáng của thành phố, đã khuyến khích hàng chục đơn vị, DN lớn, nhỏ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở. Chỉ sau một thời gian, nhiều khu dân cư, chung cư cao tầng hiện đại, với quy mô hàng chục nghìn căn hộ, lần lượt mọc lên thay thế các nhà ở lụp xụp, cũ nát tại các quận, huyện, đón hàng vạn hộ dân đến ở. Tuy nhiên, cung chưa đủ cầu, áp lực nhà ở vẫn tiếp tục gia tăng trên địa bàn thành phố.
Ngày 23-4-2005, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 07 về Chương trình nhà ở cho người TNT. Trong tổng số 83 dự án xây dựng nhà đã được xét duyệt, cấp 800 ha đất, thì 40 ha được điều chuyển xây dựng 14.000 căn hộ chung cư trả góp cho đối tượng TNT. Ðể người TNT có thể mua được nhà, tháng 8-2005, thành phố ban hành quyết định cho người TNT được vay tiền mua nhà trả góp từ nguồn Quỹ phát triển nhà thành phố, với nhiều ưu đãi như: hạn mức vay cho mỗi hồ sơ cá nhân nhiều nhất là 200 triệu đồng, thời hạn cho vay là 10 năm với lãi suất 6,66%/năm (ngân sách thành phố hỗ trợ 3%/năm) thủ tục vay cũng khá nhanh, từ 10 đến 15 ngày... Sau sáu tháng hoạt động, đến nay đã có 35 người TNT được vay 5,5 tỷ đồng mua nhà. Trong đợt này, 16 công nhân của Công ty công trình vệ sinh công cộng quận 1 được vay mỗi người 200 triệu đồng (bằng 50% giá trị căn hộ) mua nhà trả góp do công ty xây dựng với giá 400 triệu đồng/căn hộ. Tuy số người được tiếp cận nguồn vốn vay này còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, nhưng đã là một hướng ra và hy vọng của nhiều người thuộc diện TNT.
Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Nhiều chủ DN nhận xét: Cơ chế, chính sách dành cho người xây nhà phục vụ tái định cư, người TNT vẫn chưa thật sự thông thoáng, chưa tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư yên tâm. Phần lớn các dự án trong số 83 dự án đã được đăng ký vẫn nằm trên giấy, không ít dự án chỉ mới động thổ "lấy ngày", rồi để đó nghe ngóng, chờ đợi và nếu có thực hiện thì tiến độ rất ì ạch. Một nguyên nhân khác của sự chậm trễ triển khai xây dựng nhà ở là do thủ tục hành chính còn rườm rà, chậm thẩm định, phê duyệt dự án và "vướng" nhất là giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Năm 2005 có chín trong số 20 dự án đang triển khai bị ngưng trệ vì công tác đền bù, giải tỏa. Có công trình sắp khởi công lại phải chuyển đổi sang mục đích khác, gây lúng túng, bị động cho chủ đầu tư như dự án chung cư Mã Lạng, quận 1, từ xây dựng nhà ở sang xây dựng trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ. Khó khăn phát sinh khi thực hiện (giá vật tư, tiền công tăng v.v.) cộng với những vướng mắc về thuế, phí, khấu hao... chậm được giải quyết, khiến nhiều DN không còn mặn mà với công việc xây dựng nhà phục vụ đối tượng nêu trên. Tại KCX Linh Trung, năm 2004, Công ty NISSEI ELECTRIC 100% vốn Nhật Bản đầu tư 5 triệu USD xây hai khu nhà năm tầng với gần 500 căn hộ, giải quyết cho 1.000/4.500 công nhân của công ty vào ở. Công ty dự định xây thêm hai khu nhà nữa, nhưng do không được miễn giảm (thuế, phí xây dựng, khấu hao v.v.) thỏa đáng nên đã dừng lại không xây nữa.
Ông Huỳnh Bốn, chủ một DN xây dựng kinh doanh nhà cho biết: Xây chung cư cho người tái định cư, TNT rủi ro cao vì vốn lớn, lãi thấp, thu hồi vốn chậm, có khi kéo dài hàng chục năm chưa xong, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng. Mời gọi (hợp đồng) người mua trả trước một nửa giá trị căn hộ không dễ, vì không phải người mua nào cũng đủ tiền ứng trước. Có trường hợp xây chung cư quy mô hàng trăm căn hộ, người đặt mua ứng trước chưa tới một phần ba tổng số căn nhà, không lẽ không xây?
Người xây nhà đã vậy, người mua cũng rất khó khăn khi tìm mua căn hộ hợp túi tiền mình. Thời điểm này, kiếm được căn hộ chung cư giá từ 300 đến 400 triệu đồng/căn không dễ. Trong vai người mua nhà, dạo qua gần chục chung cư, cũ có, mới có tại các quận nội thành, chúng tôi nhận thấy giá nhà khá cao, trung bình từ 400 triệu đồng trở lên. Tại chung cư Bàu Cát 2 phường 10, quận Tân Bình với gần 1.500 căn hộ dành cho người TNT nhưng được rao bán từ 8 triệu đến 9 triệu đồng/m2. Một căn hộ diện tích 56 m2 giá 500 triệu đồng. Nhiều chung cư khác được xây dựng trong chương trình dành cho người TNT giá còn cao hơn, không "mềm" chút nào đối với người TNT.
Anh Lê Văn Tính, hiện đang công tác tại quận 3 kể: Năm 2004, quận liên kết Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn đầu tư xây dựng chung cư cao tầng tại phường 12 với hơn 300 căn hộ dành cho cán bộ, công nhân viên chức có TNT đang công tác tại quận. Mới đây quận thông báo đã hoàn thành 67 căn hộ, diện tích từ 58 m2 đến 92 m2, giá 12 triệu đồng/m2 (tính ra mỗi căn hộ giá từ 679 triệu đến hơn một tỷ đồng). Ai có nhu cầu cần mua thì nộp hồ sơ trước ngày 30-3. Với đồng lương thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng (giáo viên và viên chức) thêm một con nhỏ 7 tuổi, trừ chi phí thuê nhà, ăn ở sinh hoạt, học tập hằng ngày, mỗi tháng tiết kiệm chưa tới 500.000 đồng, dù có được vay tiền từ Quỹ phát triển nhà với mức cao nhất 200 triệu đồng, cũng không biết đến bao giờ mới đủ tiền mua được căn hộ cho mình.
Một nghịch lý tồn tại là, trong khi quỹ nhà ở còn ít, chưa đến được với nhiều người TNT, thì nhiều căn hộ tại các chung cư mới xây, phần lớn đã có chủ lại đóng cửa im ỉm bỏ trống nhiều năm nay. Nhiều người không thật bức xúc về chỗ ở, nhưng có tiền đã ứng trước, hoặc mua lại nhà "tiêu chuẩn" của người được mua, rồi để dành, chờ giá lên cao, bán kiếm lời. Nhiều hộ diện giải tỏa, bán "lúa non" lấy chênh lệch giá từ một vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng, hoặc nhận nhà, ở một thời gian rồi bán lại, ra ngoại thành tìm nơi ở mới. Có thể nói, phần lớn hộ này thuộc diện nghèo, thu nhập thấp, tiền đền bù, hỗ trợ và tiền tích lũy, tiết kiệm không nhiều, nên việc tìm nơi ở mới là rất khó khăn. Vậy tại sao họ lại không "thích" chung cư? Bà Võ Thị Nga, trước kia sống trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi giải tỏa được bố trí vào chung cư Thị Nghè, ở chưa tròn một năm, bán cho người khác, trôi dạt khắp nơi nay ngụ tại ấp Tân Xuân, Hóc Môn cho biết: Căn hộ chung cư sạch sẽ, thông thoáng, khang trang, ai chẳng ham! Nhưng nếu mua thì toàn bộ số tiền Nhà nước hỗ trợ, đền bù phải dồn hết vào trả tiền nhà không đủ, còn phải vay mượn thêm số tiền không nhỏ để trả góp, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo trả nợ. Mặt khác, ở trên cao, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, nhưng mỗi tháng phải tìm mọi cách kiếm từ hai đến ba chỉ vàng trả góp. Ngoài tiền ăn, tiền điện, nước còn phải cộng thêm nhiều khoản: tiền vệ sinh, bảo vệ, đi thang máy, gửi xe v.v., thôi thì đành rời chung cư đi nơi khác mưu sinh. Chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, khu dành cho giáo viên sau gần chục năm sử dụng, nay còn không tới 10% số hộ diện tiêu chuẩn "trụ" lại được.
Ðể nhiều người TNT mua được nhà ở, TP Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều hơn nữa các đơn vị, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, kể cả các DN ngoài nước cùng tham gia xây dựng nhà phục vụ các tầng lớp nhân dân. Ðẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án. Tăng vốn Quỹ phát triển nhà từ nhiều nguồn, nhiều kênh, kể cả phát hành trái phiếu. Mở rộng đối tượng cho vay, tăng số tiền vay và thời hạn trả nợ. Tiếp tục tìm giải pháp đồng bộ xây dựng và phát triển quỹ nhà xã hội phục vụ nhu cầu mua nhà, thuê nhà của những người chưa đủ điều kiện mua nhà. Có biện pháp (bằng thuế) hạn chế nạn đầu cơ nhà, đẩy giá nhà lên cao khiến người muốn mua nhà ở không thể với tới được. Ngoài ra, thành phố cần đầu tư dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho những người TNT để họ có thể yên tâm sinh sống tại các căn hộ chung cư.
|