Ý thức pháp luật từ việc nhỏ
Các Website khác - 28/03/2006

Ý thức pháp luật từ việc nhỏ
TS Nguyễn Đức Mậu

Các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều đến việc nên hay không nên bỏ cách quản lý công dân theo hộ khẩu và cũng phải đến tận bây giờ mới có người nói đến sự "vi phạm pháp luật" - cụ thể là vi phạm quyền tự do cư trú, quyền tự do dân sự của công dân.

Sự sai phạm này kéo dài và hầu như không được một ai thức tỉnh. Hộ khẩu cứ thế tồn tại như một lẽ đương nhiên, cũng như nó đã gây ra bao phiền phức cho xã hội, cho công dân như một điều tất yếu. Nó cũng cản trở phát triển xã hội ở nhiều mặt, ví dụ nó cản trở người tài tìm đất dụng võ, cản trở sự hình thành ý thức dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng dân cư, nó tạo tâm lý sống và làm việc tạm bợ trong những công dân không được cấp hộ khẩu...

Thật ra dùng những lời như vậy cũng hơi to tát. Bởi lẽ mỗi giai đoạn lịch sử và trình độ quản lý của Nhà nước ở mỗi quốc gia sẽ buộc phải có những phương pháp quản lý phù hợp. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ, song song với các diễn biến vừa tích cực vừa tiêu cực của hộ khẩu là những lời ta thán nhưng lại vắng bặt những giải thích, phân tích về tính pháp lý của hộ khẩu.

Rõ ràng rất nhiều người hay nói đúng hơn là cả cộng đồng đã sống trong một môi trường không quen nhìn hay đặt mọi vấn đề dưới góc nhìn luật pháp, mặc dù sống và làm việc theo tinh thần pháp luật đã trở thành nguyên tắc đã nhiều năm nay.

Nhưng cũng như ở nhiều vấn đề khác thuộc cải cách hành chính, từ ý thức được vấn đề, từ nhu cầu về sự thay đổi đến thực hiện được nó là một quãng dài. Từ câu hỏi "do đâu", "vì đâu", cần đặt tiếp câu hỏi như là một biểu hiện của việc nhìn thẳng vào sự thật, là "do ai" và "vì ai", "ai chịu trách nhiệm"?

Công cuộc đổi mới đã làm thay đổi hiện thực đời sống trên nhiều mặt và cũng thay đổi nhiều cách nghĩ, cách làm. Thế nhưng cũng nhiều sản phẩm của các giai đoạn lịch sử vẫn còn tồn tại mà không có sự điều chỉnh (hộ khẩu là một ví dụ). Sản phẩm của giai đoạn lịch sử là một tất yếu. Nhưng khi giai đoạn lịch sử đã phát triển thì phải có sản phẩm mới - đó cũng là tất yếu.

Trong khá nhiều ví dụ có thể đưa ra cũng có thể nêu thêm một ví dụ nho nhỏ nữa, đó là cái loa phóng thanh của phường ở một vài thành phố, sản phẩm sót lại của một thời chiến tranh. Tác dụng của nó hiện nay rất nhỏ nhưng cái hại của nó khá nhiều, đó là nó góp thêm vào tiếng ồn vốn đã quá nhiều ở thành phố, nó áp đặt việc nghe đối với nhiều người không tự nguyện nghe và không có trách nhiệm phải nghe.
Được biết tại nhiều khu vực của các cán bộ cao cấp hệ thống loa phóng thanh kiểu này đã được dời đi vào một chỗ khá xa. Vậy cũng cần phải xem xét về sự bình đẳng trước môi trường sống giữa các công dân ở chỗ tối thiểu này.

Ý thức, tinh thần pháp luật cần được thực hiện từ những điều nhỏ mà không nhỏ như thế.