Tôi là một sinh viên hệ cao đẳng sống và học tập xa nhà. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, rất nghèo. Ngay từ nhỏ, tôi đã phải phụ giúp bố mẹ bán rau ngoài chợ. Tuy vậy, tôi vẫn được bố mẹ, anh chị lo lắng cho ăn học, có thể nói là đến nơi đến chốn (hết lớp 12). Nhưng, cũng chính vì cuộc sống vất vả, tự đi kiếm việc làm nuôi mình ăn học trong suốt hai năm qua, và những năm tuổi thơ vất vả, nên tôi đã viết nhật ký. Tôi nghĩ rằng, nhật ký là nơi để mình nói hết những nỗi buồn vì sự nhọc nhằn trong cuộc sống của bản thân. Nên, nhật ký của tôi cũng vậy, rất buồn. Không trang nào tôi không viết về những vất vả của mình và kèm theo đó là những lời than trách số phận. Tôi đã từng mong ước: Giá mà mình được sinh ra và lớn lên ở những thành phố lớn, trong gia đình giàu có thì ở độ tuổi 20, 21 này, mình sẽ không phải lo chuyện làm thêm để lấy tiền ăn học. Lúc đó, mình sẽ được hưởng thụ... Tôi cũng từng mơ ước trong nhật ký của mình: Sau này, sẽ trở thành một nhà doanh nghiệp giỏi và sẽ tạo cho mình cuộc sống an nhàn, sung sướng. Tôi cũng đã viết thư về cho gia đình để kể những vất vả của mình cho bố mẹ và các anh, các chị. Có lẽ, việc viết nhật ký của tôi sẽ không thay đổi nếu tôi không được đọc những dòng nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm và sau đó là của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Lúc đầu, khi nghe mọi người nhắc về hai cuốn sách này trên thư viện của nhà trường, tôi không mấy quan tâm. Nhưng khi thấy các bạn trong phòng mượn về và háo hức đọc, tôi cũng đã tò mò mượn đọc. Trong phòng ở của chúng tôi có tám người và bọn tôi thay nhau đọc. Những suy nghĩ của tôi cũng bắt đầu thay đổi từ đó, thay đổi theo từng chương, từng câu, từng chữ, từng hình ảnh trong hai cuốn nhật ký, nhất là của chị Ðặng Thùy Trâm.
Càng đọc những dòng nhật ký tràn đầy sức sống, niềm tin và hạnh phúc của chị Trâm, anh Thạc, tôi càng tự thấy xấu hổ, cảm thấy mình quá yếu đuối và ích kỷ trong cuộc sống. Chị Trâm, anh Thạc và biết bao liệt sĩ khác đã sống trong hoàn cảnh vô cùng gian nan và ác liệt. Các anh, các chị đã sống, làm việc khi mà cái chết luôn cận kề. Còn khó khăn và gian nan nào hơn được hoàn cảnh đó? Vậy mà các anh, các chị-những người cùng lứa tuổi 20 như tôi bây giờ, vẫn vượt qua và không chỉ vượt qua, họ còn tự xây dựng cho mình một cuộc sống lạc quan, tự tin và tràn đầy sức thanh xuân. Ðọc hai cuốn sách đó, tôi càng hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh dũng của dân tộc. Ðiều mà trước đây, tôi biết nhưng không ý thức sâu sắc được.
Thế nhưng, với tôi, quan trọng nhất, sự thay đổi lớn nhất là tôi không còn viết trong nhật ký của mình những dòng chữ kêu ca buồn chán nữa. Tôi muốn thay đổi suy nghĩ của mình và tôi sẽ thay đổi sau khi viết những ý kiến này gửi tới Diễn đàn "Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích" trên báo Ðảng.
Tôi biết mình phải bắt đầu cuộc sống có ích cho gia đình và cho xã hội từ những việc làm cụ thể mà mình có thể làm được ngay: tham gia hoạt động tình nguyện của Ðoàn thanh niên nhà trường, chăm sóc, giúp đỡ các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ; hiến máu nhân đạo; ủng hộ Quỹ vì người nghèo... Ðó là những việc mà trước đây tôi được biết, được vận động nhưng đã không muốn tham gia cho dù là một đoàn viên. Và có lẽ, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi sẽ cố gắng tiếp tục học ở một trình độ cao hơn để hoàn thiện và nâng cao vốn kiến thức của mình. Ðây cũng là một quyết tâm mà trước đây tôi chưa hề nghĩ đến.
Hồng Nhân Sinh viên TP Vinh, Nghệ An
|