Đác Nông phát triển y tế cơ sở
Các Website khác - 11/03/2006
Là địa phương trọng điểm của Tây Nguyên về bệnh sốt rét, Đác Nông đã ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đưa bác sĩ về tuyến xã. Hiện nay 100% số trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ.
Bác sĩ về buôn làng

Khi được phân công về công tác tại trạm y tế xã Ðắk R Tíh, huyện Ðác Rlấp (tỉnh Ðác Nông), bác sĩ Ðiểu Krép vui vẻ nhận lời ngay. Ðắk R Tíh là xã có hơn 80% số dân là người dân tộc M Nông. Anh về đây có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà con mình tốt hơn, được nói chuyện với bà con bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Từ ngày có bác sĩ Ðiểu Krép, Trạm y tế xã Ðắc R Tíh đón bà con đến khám, chữa bệnh ngày càng đông. Bác sĩ Ðiểu Krép không ngại đường xa đến từng thôn, buôn khám chữa bệnh, vận động bà con biết cách phòng dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh.

Ðiều làm bác sĩ Ðiểu Krép thấy vui nhất là khi ốm đau, bà con đều đến trạm y tế khám, chữa bệnh, không cúng bái, bắt tà ma hay dùng lá rừng chữa bệnh như trước. Hằng năm, Trạm y tế xã Ðắk R Tíh do bác sĩ Ðiểu Krép phụ trách khám, chữa bệnh cho gần mười nghìn lượt người bệnh là bà con dân tộc thiểu số.

Chị Thị Piưh, dân tộc M Nông, ở xã Ðắk R Tíh cho biết: Gia đình mình và bà con trong xã khi đau ốm được bác sĩ Ðiểu Krép chữa khỏi bệnh, mình vui lắm, cảm ơn bác sĩ nhiều.

Già làng Y Lai, buôn PiNao, xã Ðạo Nghĩ, huyện Ðác Rlấp nói: "Từ ngày có cái trạm y tế và bác sĩ về, các thầy cúng trong buôn thất nghiệp hết. Bây giờ có bệnh, bà con đều đến trạm y tế xã nhờ bác sĩ khám, chữa bệnh. Cái bụng già làng và bà con vui lắm". Theo già làng Y Lai, ngày trước bà con dân tộc vùng này bị bệnh sốt rét rất nhiều, có nhiều người chết bệnh này, có bệnh bà con chỉ biết nhờ thầy cúng hay vào rừng hái lá chữa bệnh. Hai năm nay, không có bà con nào trong buôn chết do bệnh sốt rét, bà con còn biết ăn ở hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe.

Nhờ làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân từ tuyến cơ sở mà ngành y tế Ðác Nông khống chế có hiệu quả các loại bệnh dịch, đặc biệt là bệnh sốt rét và sốt xuất huyết; năm 2003, tỉnh Ðác Nông nằm trong vùng sốt rét lưu hành, hàng chục nghìn người bị mắc bệnh sốt rét và hàng chục người bị chết do bệnh sốt rét gây ra. Ðến năm 2005, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh sốt rét giảm hơn 80%. Ngành y tế tỉnh Ðác Nông cũng khám và chữa bệnh miễn phí cho gần 500 nghìn lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số, tổng kinh phí phục vụ khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số lên đến 14,4 tỷ đồng.

Đầu tư cho y tế cơ sở

Từ năm 2005 đến 2010, tỉnh Ðác Nông thực hiện đề án "Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường bác sĩ về tận thôn buôn, xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và buôn, làng văn hóa sức khỏe" tổng kinh phí đầu tư của chương trình gần 50 tỷ đồng. Hai năm qua, kể từ khi thành lập tỉnh, hoạt động trong điều kiện còn hết sức khó khăn; cán bộ và đội ngũ y bác sĩ ngành y tế của tỉnh tận tâm, tận lực với công việc, chăm lo tốt sức khỏe cho đồng bào. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đầy đủ như phòng, chống sốt rét và tiêm chủng mở rộng. Công tác khám, chữa bệnh có nhiều cố gắng, nhất là khám, chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Tỉnh Ðác Nông quyết định đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 500 giường, có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ có tay nghề giỏi, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân địa phương.

Ðược biết, thời gian tới, tỉnh tăng cường đào tạo cán bộ y tế sau đại học, bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ tuyến xã; nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, nhất là các bệnh dịch đang lưu hành và các dịch bệnh mới phát sinh. Mặt khác, Ðác Nông triển khai có chất lượng và hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chủ yếu là các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số. Ðẩy mạnh xã hội hóa ngành y tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

TRẦN HỮU HIẾU