Vô sinh: Nhanh chân xin trứng bạn bè
Các Website khác - 03/09/2008
 Mỗi người chỉ được hiến trứng một lần. Hiến trứng không đơn giản như như hiến tinh trùng.

Có con bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người cho là một nhu cầu có thật, rất cao. Tuy nhiên, mỗi tháng Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) chỉ có thể thực hiện từ 10 đến 15 ca do ít người tự nguyện cho trứng” - bác sĩ Lê Tấn Cảnh - Trưởng phòng Nam khoa khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết như vậy.

Hãy mạnh dạn xin trứng

Trong suy nghĩ của nhiều người, vô sinh phần lớn là do phía nam. Nhưng thực tế, nguyên nhân đến từ cả hai, vợ và chồng với tỷ lệ ngang nhau. Các nguyên nhân do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng khoảng 25%-40%, do cả vợ và chồng khoảng 10% và không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 10%.

Theo bác sĩ Lê Tấn Cảnh, một trong những nguyên nhân khiến người phụ nữ không thể có con từ trứng của mình là do bị suy buồng trứng (nguyên phát hoặc thứ phát). Suy buồng trứng đôi khi hoàn toàn không có trứng hoặc có trứng nhưng không đạt số lượng lẫn chất lượng nên không thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Thêm một nguyên nhân khiến người phụ nữ không thể có con là nếu cả hai buồng trứng bị cắt bỏ do bị ung thư hoặc u nang. Cũng không ít trường hợp người phụ nữ có trứng nhưng khả năng thụ tinh quá kém nên không thể có con.

Bác sĩ Phùng Huy Tuân - Trưởng đơn vị IVF (thụ tinh ống nghiệm) Bệnh viện Vạn Hạnh cho biết: “Thật ra tình hình trứng không quá thiếu hụt. Ăn thua ở chỗ những người phụ nữ không đủ bản lĩnh để vượt qua cú sốc, dẹp bỏ tự ái và xin trứng mà thôi”.

Nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ xử lý trứng của người cho trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. (Ảnh: Trần Ngọc)

Thông thường, sau khi bị “tuyên án” không còn khả năng sinh sản do suy buồng trứng, tâm lý chung của nhiều phụ nữ là không thể chấp nhận được sự thật ấy. Họ vẫn kiên quyết thử lại một lần nữa. Nhưng bác sĩ Tuân khuyên: “Khi bác sĩ nói người phụ nữ cần đi xin trứng tức là đã hết đường, chị ấy không còn khả năng mang thai tự nhiên. Mỗi lần thử lại chi phí lên đến 50-60 triệu đồng. Nếu chịu xin trứng ngay từ đầu, chi phí ấy có thể giảm gần phân nửa, mà người phụ nữ cũng đỡ vất vả hơn”.

Trứng không thể trữ đông

Lý giải vì sao có ngân hàng tinh trùng nhưng không thể lập ngân hàng trứng, bác sĩ Cảnh phân tích: “Tinh trùng sau khi rã đông vẫn có thể đảm bảo số lượng và chất lượng. Riêng trứng không thể trữ lạnh bởi khi rã đông chất lượng quá kém, tỷ lệ thụ tinh và có thai rất thấp nên tốt nhất phải sử dụng tươi. Trường hợp bất khả kháng buộc phải trữ trứng chỉ xảy ra khi ngay thời điểm trứng người cho kích thích đã ra nhưng chồng người nhận đột nhiên không thể lấy tinh trùng thì buộc phải trữ đông số trứng này, đến khi chồng người nhận lấy được tinh trùng”.

Hiến trứng: Nhiều trở ngại

Theo bác sĩ Tuấn, quá trình kích thích buồng trứng của người hiến trứng khá phức tạp, tốn kém và người hiến có thể gặp một số biến chứng như chóng mặt, xuất huyết... Đó có thể là lý do khiến chị em phụ nữ còn ngại ngùng với việc hiến tặng trứng. “Ngoài anh chị em, bạn bè, người thân, không mấy ai tự nguyện đi hiến trứng. Chừng nào người ta coi hiến trứng như một việc làm bình thường, một nghĩa cử cao cả như hiến máu thì may ra người hiến trứng mới có tâm lý thoải mái hơn” - bác sĩ Tuấn nói.

Coi chừng “cò” trứng!

Theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học và thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, người cho và nhận trứng phải thực hiện các cam kết trên nguyên tắc tự nguyện cho và nhận trứng. Cán bộ, nhân viên y tế không đóng vai trò trung gian mà chỉ là người trực tiếp điều trị. Quy định này sẽ ngăn chặn khả năng nhân viên y tế kiêm luôn cò mồi, gây nhũng nhiễu cho cả phía người xin, cho trứng lẫn bệnh viện.

Tuy nhiên, nó lại gây khó khăn cho nhiều người tự nguyện hiến trứng. Nhiều người muốn hiến trứng nhưng không biết tìm người cần xin trứng ở đâu. Còn người có nhu cầu xin trứng cũng không biết kiếm đâu ra người cho trứng.

Không thể nhờ bệnh viện làm trung gian tiếp nhận, lại không đủ tự tin mở miệng xin trứng, đây chính là kẽ hở cho “cò” hoạt động. Tuy nhiên, bác sĩ Tuân khuyến cáo: “Chị em hãy xin trứng từ chính người thân, bạn bè của mình, tránh qua môi giới. Vì những người phụ nữ ấy có thể đã hiến trứng nhiều lần, lượng trứng tốt suy giảm, khả năng thụ thai thấp hơn mà chi phí phải trả lại cao hơn.

Quan trọng hơn, nhiều phụ nữ sinh con nhờ nguồn trứng từ một người cho thì xác xuất hôn nhân cùng huyết thống ở thế hệ con cái sau này sẽ cao hơn”. Theo quy định, một người chỉ cho trứng một lần. Tuy nhiên, trên thực tế họ có thể cho nhiều lần ở nhiều chỗ khác nhau, các bệnh viện không thể kiểm soát được.

Tiêu chuẩn người cho trứng: Tuổi 18-35; đã có gia đình và có ít nhất một con bình thường khỏe mạnh, con nhỏ nhất lớn hơn 12 tháng; không mắc bệnh lý nội ngoại khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý di truyền nào; test HBsAg, HIV, BW âm tính; xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng bình thường; không có tiền căn phẫu thuật trên buồng trứng; không có khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang; không đang cho con bú; không đang sử dụng thuốc nội tiết tránh thai.

Theo Yên Thảo - Trần Ngọc
phapluattphcm