Cầu vượt dùng ngắm cảnh, hầm chui để hẹn hò
Các Website khác - 03/09/2008

 

Cầu vượt trước Bệnh viện Ung Bướu “ế” vì người đi bộ vẫn thích chen giữa dòng xe cộ. Ảnh: T.Thạnh
Người dân chưa quen sử dụng cầu vượt, hầm chui trong khi cách thiết kế chưa tạo thuận lợi cho người qua đường

Theo thống kê trong những tháng đầu năm 2008, người đi bộ là đối tượng gây tai nạn giao thông đứng thứ 3 sau xe gắn máy và xe tải (gồm 47 vụ, làm 36 người chết, 16 người bị thương). Nguyên nhân chủ yếu là do lưu thông không đúng phần đường của mình. Trong khi đó, hầu hết cầu vượt được xây dựng để tránh tai nạn chưa được sử dụng đúng chức năng, chưa phát huy hiệu quả trong việc “xóa điểm đen” như mục tiêu đề ra.

Cầu vượt để che nắng, ngủ

Cầu vượt Văn Thánh dự kiến được xây dựng để phục vụ cho đối tượng đến chợ Văn Thánh qua đường. Nhưng mấy năm qua, chợ này chỉ buôn bán cầm chừng, chờ đầu tư xây dựng mới nên cầu cũng hoạt động... cầm chừng. Một bác chạy xe ôm ở cầu vượt Văn Thánh “khen”: “Cầu này ít người đi nhưng ban ngày dạ cầu làm nơi tránh nắng cho cánh xe ôm tụi tui, đêm thì có chỗ ngủ cho mấy người lang thang và say xỉn, đỡ lắm à!”. Cầu vượt trước Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) thì lại đông vui vào lúc chiều tắt nắng, vì có nhiều người lên cầu để... ngắm cảnh. Trong khi đường Nơ Trang Long là một trong những điểm đen về giao thông vì lượng xe qua lại dày đặc, nhất là đoạn hai bên cầu vượt. Thế nhưng hầu hết những người qua đường ở khu vực này đều không dùng cầu vượt, ngay cả các y bác sĩ cũng chốc chốc lại cầm hồ sơ “tả xung hữu đột” giữa dòng xe cộ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại cầu vượt trước Bệnh viện Từ Dũ (quận 1). Mặc dù đã được trang bị hệ thống che mưa nắng, lại nối từ trong nội bộ bệnh viện như “mời gọi” nhưng người ra vào bệnh viện vẫn không sử dụng cầu vượt mà chen giữa dòng xe cộ, lúc cao điểm lại gây kẹt xe. Quan sát tại cầu vượt nội bộ Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cả buổi sáng, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người qua cầu nhưng mục đích không phải để qua bên kia đường mà lên cầu... để chụp hình. Cách cầu vượt này khoảng 10 m, một phụ nữ đang băng qua đường, khi được hỏi vì sao không dùng cầu vượt, chị trợn mắt: “Ủa, tiện đâu đi đó, có khùng không lại phải mất thêm một đoạn!”.

Nhảy qua dải phân cách

Đến hầm chui Tân Tạo, một lần nữa, chúng tôi được chứng kiến tâm lý “tiện” của người đi bộ. Kinh phí và diện tích đầu tư hầm chui gấp 4-5 lần so với cầu vượt nhưng hiệu quả sử dụng của hầm chui Tân Tạo không khá gì hơn. Dù là giờ cao điểm, chỉ có công nhân hai công ty đối diện hầm sử dụng hầm chui, còn lại vẫn chọn cách nhảy qua dải phân cách giữa làn xe tải nối đuôi đang lao nhanh. Một nữ công nhân kể: “Buổi tối càng không dám đi vào hầm chui, vì ở đó toàn mấy “cặp” hẹn hò không à!”. Thực ra, không đợi đến đêm mà cả ban ngày, nhiều người dùng hầm chui làm nơi “hò hẹn” vì sự vắng vẻ của công trình bạc tỉ này.

Kiến trúc sư Trương Xuân Trương, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, cho rằng cầu vượt chưa phát huy hết chức năng, phần lớn là do ý thức giao thông của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống đường song hành chưa có sự phù hợp về vị trí và thiết kế. Như cầu vượt trước Bệnh viện Ung Bướu, chủ yếu người sử dụng là bệnh nhân nên họ ngại leo. Vả lại, thiết kế bậc thang cao, không tạo cảm giác thoải mái cho người đi. Mặt khác, đa số cầu vượt của ta còn rất xấu và mất vệ sinh nên không thu hút được người sử dụng.

Sẽ xây thêm cầu vượt

Theo Quyết định 3117/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện công tác kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông năm 2008 trên địa bàn TPHCM, một số cầu vượt sẽ được xây dựng thêm. Cụ thể, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ xây cầu vượt tại nút giao Ngã tư Ga. Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTVT) xây cầu vượt tại nhà thờ Lạc Quan g- đường Trường Chinh. Ban Quản lý đại lộ Đông Tây và môi trường nước sẽ xây dựng một số cầu vượt trong khuôn khổ dự án đại lộ Đông Tây. Theo Phòng Quản lý giao thông Sở GTVT, kinh phí cho mỗi cầu vượt khoảng từ 4- 5 tỉ đồng.

Ít người sử dụng đèn dành cho người đi bộ

Với mục đích bảo đảm an toàn cho người đi bộ, TPHCM đã lắp đặt nhiều hệ thống “đèn dành cho người đi bộ tự điều khiển” ở các khu vực đông người qua đường như trước cửa Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nguyễn Trãi, ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ, các KCX–KCN, một số nơi trên đường Lê Hồng Phong... Tuy nhiên, theo Phòng Quản lý giao thông Sở GTVT, người dân vẫn chưa quen sử dụng, thậm chí có người còn không biết là có loại đèn này. Mỗi khi muốn qua đường thì canh xe rồi băng qua đường cho... tiện, khỏi phải chờ đợi. Hơn nữa, khi tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ bật sáng, người điều khiển phương tiện giao thông cũng không nhường đường hay giảm tốc độ khiến người đi bộ ngại sử dụng. Ở khu trung tâm TP, người sử dụng tín hiệu đèn này hầu hết là người nước ngoài.

A.Nguyệt

Thu Sương