Đều dẫn tới thành Rôm
Các Website khác - 07/06/2006

Đều dẫn tới thành Rôm
LS Lê Đức Tiết

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, khi thảo luận về dự án Luật về Luật sư đã nảy sinh hai luồng ý kiến. Một số thì cho rằng cần siết chặt hơn nữa những quy định về quy chế hành nghề của luật sư. Một số khác thì đòi hỏi phải mở rộng nhiều hơn quyền và phạm vi hành nghề của luật sư.

Hiện tượng này phản ánh đúng thực trạng đã xảy ra trong nhiều năm nay ở nước ta. Trong hoạt động tố tụng đã có nhiều phàn nàn đổ lỗi lẫn nhau xuất phát từ cả hai bên: Một bên là viên chức tiến hành tố tụng và bên kia là các luật sư.

Một số viên chức tiến hành tố tụng cho rằng, sự có mặt của luật sư trong giai đoạn điều tra đã làm cho các bị cáo thêm ngoan cố, hoặc phản cung lại những điều đã khai với cán bộ điều tra khi chưa có mặt của luật sư. Sự việc không dừng lại ở quan điểm. Có nơi, cán bộ điều tra đã tạo ra nhiều cản trở, hạn chế luật sư tiếp xúc với bị can đang bị tạm giam. Họ sợ luật sư bày cho bị cáo các mánh khoé chống lại việc điều tra. Cũng có thẩm phán nói với đương sự không nên mời luật sư vì mọi việc đều do toà quyết định.

Về phía luật sư thì nhiều người cho rằng, tình trạng "án bỏ túi" là phổ biến. Việc tranh tụng tại toà còn mang nặng tính hình thức. Luật sư nói thì cứ nói. Tuyên án là việc của toà.

Nguyên nhân của tình trạng trên đây một phần là do pháp luật về tố tụng và quy chế hành nghề luật sư còn có nhiều bất cập. Nhưng điều cốt yếu là do quan điểm, nhận thức về nghề luật sư trong đảng viên, viên chức, nhân dân còn có nhiều lệch lạc. Cốt lõi của những quan điểm, nhận thức sai lệch về nghề luật sư thể hiện ở chỗ họ coi luật sư với điều tra viên, công tố viên, thẩm phán là những đối thủ kẻ thắng, người thua của nhau, luôn chống đối lẫn nhau.

Nghề luật sư ra đời là do nhu cầu của xã hội đã phát triển đến giai đoạn cao của nền văn minh. Đó là vì mục đích bảo vệ công bằng, công lý, khi công bằng, công lý cần thiết cho con người hơn thức ăn, nước uống. Phát triển quyền con người, bảo vệ công lý là mục tiêu chung của hoạt động của những cơ quan, cán bộ tiến hành tố tụng và luật sư. Họ không phải là đối thủ của nhau. Biện luận và phản biện luận, chứng minh khẳng định và chứng minh phủ định không phải là sự chống đối thù địch nhau. Đó là những cách xem xét sự vật, hiện tượng theo những góc độ khác nhau, bằng những con đường và cách tiếp cận vấn đề một cách khác nhau theo phép biện chứng để đạt tới mục đích chung là tìm ra sự thật, để đạt được công bằng và công lý.

"Mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm" là câu nói của dân chúng vào thiên kỷ thứ III, thứ V trước công nguyên, khi thành Rôm - kinh đô của La Mã - trở thành trung tâm văn hoá bậc nhất của nhân loại. Mọi trí tuệ siêu phàm của các nước đều bị thu hút về đây. Câu nói đó trở thành câu ngạn ngữ thể hiện ý nghĩa là phải bằng nhiều con đường để đi tới mục đích chung. Thống nhất trong đa dạng là câu nói có ý nghĩa tương tự.