Đối mặt "vua đòi tiền mãi lộ" trên QL.70
Các Website khác - 19/10/2005

Để giúp chúng tôi thấy tận mắt cách thu tiền mãi lộ của CSGT, các lái xe đã giúp nhóm phóng viên chúng tôi cải trang thành các phụ xe tải đường dài. Nhập vai khá tốt, chúng tôi đã có hàng loạt cuộc đối thoại tay đôi với các vị "vua đòi tiền mãi lộ" trên tuyến đường QL 70 và QL 2. 

Soạn: AM 590148 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đưa tiền mãi lộ cho CSGT

Lúc 2h ngày 2.10, xe chúng tôi gặp chiếc xe CSGT màu đen mang biển số 21C1819 tại km33 từ hướng Yên Bái lên Lào Cai. Chẳng hề thấy tổ tuần tra đứng ra đường theo đội hình như quy định, chỉ có hai người mặc cảnh phục CSGT ngồi trong ôtô nháy đèn tín hiệu trên nóc xe.

Nhìn chiếc ôtô liên tục bật rồi tắt đèn pha, đồng nghiệp bên đài truyền hình điều khiển chiếc camera thốt lên với chúng tôi: "Mấy ông này biết đối phó với máy quay phim của anh em mình đấy, các bác phải cẩn thận và càng kéo dài được thời gian tiếp cận càng tốt".

Kẹp tờ polymer 100.000đ vào tờ giấy trắng, tôi tiến về chiếc xe CSGT. Tổ tuần tra có hai người, ngồi ở vị trí lái xe là Thoại. Tôi đến bên cửa xe đưa tờ giấy kẹp tiền cho anh ta. Không thèm nhìn lại, anh ta hất hàm hỏi:

- Xe chở gì, làm bao nhiêu?

- Vẫn như mọi khi, 5 "lít" - tôi trả lời.

- Thế này mà là 5 "lít" à? Vừa nói, ông ta vừa lật tờ giấy cho tôi thấy tờ polymer 100.000đ mà tôi kẹp bên trong. Giả bộ bất ngờ, tôi thốt lên:

- Ôi em nhầm, trong xe tối quá cầm tờ polymer 100 cứ ngỡ là tờ 500,  để em đổi lại. Tôi móc ví lấy tờ 500.000đ đưa qua cửa xe, vừa trả lại tôi tờ 100.000đ. Thoại vừa nói với tôi:

- Chú làm ăn cho cẩn thận, đừng để anh phải đuổi theo. Mọi điều đã diễn ra đúng kịch bản mà chúng tôi sắp đặt!

Chiếc xe thứ hai chở cánh nhà báo vào đến vị trí chiếc xe 21C1819 đang làm luật. Kịch bản lần này chuẩn bị "rườm rà" hơn, chúng tôi chỉ đưa 300.000đ - loại tiền có mệnh giá 50.000đ - kẹp vào tờ hoá đơn hàng. Mọi thao tác nhận tiền vẫn diễn ra như xe trước. Vừa lật giở giấy tờ đếm tiền, Thoại quát: "Hàng của ai đây?". Nghe thấy chúng tôi nói tên chủ hàng, ông này quát to:

- Các ông làm ăn thế hả, chủ hàng bảo tôi là một tờ cơ mà. Các ông cứ ăn bớt của tôi. Bỏ đi, lấy tờ đẹp (tiếng lóng chỉ tờ 500.000đ) ra đây. Ông lên xe lấy tờ đẹp giả (trả) ra đây.

- Xe cháu hôm nay bó phanh hỏng mất đôi lốp, cho cháu xin. Thấy chúng tôi xin xỏ, ông ta dằn giọng:

- Ông thấy mấy xe nó đang xếp hàng dài ra đây này. Tôi nói với ông, chủ hàng trước lúc đi nó đã gọi cho tôi bảo là một tờ đẹp. Chúng tôi móc túi thêm 200.000đ cho đủ số tiền 500.000đ, nhưng ông này vẫn không chịu và bảo:

- Mấy tờ này không đúng. Nếu không phải, tôi không bao giờ nhận thế này. Ô! Ô! Ô!, các ông phải biết là khi chúng tôi về chúng tôi sẽ lại bị hỏi là thế tờ đẹp ấy đâu. Các ông cứ đưa tờ đẹp đây, 3 xe là 3 tờ, 5 xe là 5 tờ. Tôi không có nói sai một câu nào. Các anh sao lại cứ xé của chúng tôi ra. Dù có các đồng này nhưng về chúng nó hỏi thế đâu mất một tờ? Các ông phải biết như thế chứ. Chúng tôi không lấy loại tiền này.

- Nhưng chúng cháu không còn loại tờ 500.000đ nữa, chú thông cảm. Chúng tôi lại xin xỏ. Nghe vậy, ông này gắt:

- Nếu thế các ông mang giấy tờ xe ra đây. Trước thái độ cứng rắn và cương quyết "kén" tiền như thế, chúng tôi quay về xe lấy tờ 500.000đ nộp. Cầm được tờ tiền đúng ý, ông ta dịu giọng:

- Tờ này không bao giờ sai. Không ông nào được thay đổi tờ tiền này. Việc này có phải việc của các ông Đ... đâu. Nếu ngày mai các ông không đi đường này nữa, thì tôi cho các ông qua. Nhưng nếu còn đi thì cứ phải một tờ đẹp.

Suốt tuyến đường về hôm đó và nhiều chuyến đi tiếp theo, chúng tôi đã nhiều lần kiểm chứng được những điều phản ánh về nạn mãi lộ trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai. Có lần ngồi trên chiếc xe không chở hàng qua thành phố Việt Trì, chúng tôi cũng bị lôi xuống đe nẹt giam xe. Sau một hồi đe doạ, họ ra giá "đưa 50.000đ mới được đi". Theo phản ánh của các lái xe, đêm ngày 16.10 - khi loạt bài điều tra này lên khuôn, thì CSGT tuyến Hà Nội - Lào Cai vẫn thu tiền mãi lộ như mọi khi. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho biết:

- Chúng tôi cũng như anh em lái xe đã theo dõi rất kỹ các bài báo của Lao Động phản ánh chuyện cảnh sát giao thông (CSGT) thu tiền "mãi lộ" vừa qua. Các anh em lái xe đều rất bức xúc đối với chuyện bị thu tiền mãi lộ. Đây là vấn đề các DN của chúng tôi khó nói, khó kêu trước việc một số anh em CSGT lạm dụng chức quyền, lạm dụng các quy định của Nhà nước đã có những hành động tiêu cực, như báo chí đã dũng cảm phanh phui.

Tôi cho rằng, các bài báo Lao Động đã nêu được một phần câu chuyện tiêu cực mà anh em lái xe đang phải chịu đựng. Nếu các nhà báo đi sâu vào anh em lái xe, vào các DN vận tải, thì còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn thêm. Nhưng các bài báo vừa qua đã rất thẳng thắn, có chứng cứ thuyết phục giúp các ngành chức năng kiểm tra những vụ việc tiêu cực trên các tuyến đường quốc lộ.

Nhiều thành viên của hiệp hội, chủ doanh nghiệp ôtô bức xúc phản ánh với chúng tôi chuyện mãi lộ, nhưng lại lo lắng: "Nói ra những điều tiêu cực mà đến tai các lực lượng có thẩm quyền thì anh em ở dưới sẽ bị khó khăn".

-
Nhưng tại sao anh em lái xe lại cứ phải chịu nộp mãi lộ, thưa ông?

- Để giải quyết được nạn mãi lộ, tôi cho rằng cần phải được giải quyết từ gốc của vấn đề. Đó là phải thay đổi mục tiêu xử lý vi phạm hành chính đối với anh em lái xe, nên đưa yêu cầu giáo dục đặt lên hàng đầu chứ không nên đưa mục tiêu trừng trị, săn đuổi lái xe "làm trọng" như hiện nay. Được như thế, anh em CSGT sẽ đỡ có chuyện lợi dụng quy định nhà nước để gây phiền hà cho lái xe.

Trong các quy định nhà nước, CSGT được giao quyền quá lớn, điều này tạo điều kiện cho những người xấu lạm dụng quyền hành để gây ra những chuyện tiêu cực với lái xe - đòi tiền mãi lộ như báo chí nêu. Điển hình là việc CSGT được đình chỉ quyền lao động của anh em lái xe vĩnh viễn hoặc có thời hạn. Điều này lái xe nào cũng sợ bởi bị giam xe, bị thu giữ bằng lái cũng đồng nghĩa với việc bị tước quyền làm việc.

Nếu việc xử lý lái xe vi phạm được giao cho một cơ quan trung gian là toà án thì quyền lợi của lái xe bớt bị đe doạ hơn. Qua đó, giảm bớt áp lực nặng nề của CSGT đối với anh em lái xe.

Thực tế việc giữ xe, bấm lỗ bằng lái chưa nhiều, nhưng các hình phạt này đã bị lợi dụng để đe doạ anh em lái xe. Nếu các quy định xử lý phù hợp và đúng pháp luật, sẽ giúp những người thi hành công vụ đỡ lợi dụng để thu tiền mãi lộ lái xe.

-
Nhưng các lái xe vẫn đang chở hàng quá tải, chất lượng xe không đạt tiêu chuẩn quy định..., đây chính là "cớ" để CSGT thu tiền mãi lộ? YÁ kiến của ông về điều này?

- Chúng tôi cũng đang bức xúc về chất lượng đội ngũ lái xe hiện nay. Trong cơ chế cạnh tranh thị trường mà giá cước vận tải đang ở giai đoạn thấp, nên anh em đã dùng biện pháp quá tải để bù đắp chi phí, để có tiền mãi lộ là một việc làm sai lầm, bởi cách làm đó sẽ phá phương tiện và mất an toàn.

Chúng tôi không đồng tình việc này và đã thường xuyên khuyến cáo các lái xe không được làm điều này. Nhưng rất tiếc, các DN không phải là thành viên hiệp hội này vẫn chở quá tải để hạ giá cước cạnh tranh. Những sai phạm này đã là nguồn cơn phát sinh các tiêu cực ở trên đường, điều này chúng tôi không tán thành. Vấn đề này các nhà báo cũng nên phê phán và pháp luật phải xử lý nghiêm.

- Xin cảm ơn ông.

Kiểm điểm cán bộ bị nêu tên

Sau báo đưa tin, Công an tỉnh Yên Bái đã có công văn nêu rõ: Công an tỉnh đã xác minh, rút số cán bộ, chiến sĩ Đội tuần tra kiểm soát giao thông QL 70 về Công an tỉnh để báo cáo tường trình những vấn đề có liên quan. Những cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến thông tin báo chí đưa đã dừng làm chuyên môn, để tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. 

(Theo Lao Động)