“440 năm nữa các vùng đất ở Việt Nam mới được rà phá sạch bom mìn và kinh phí cần để làm được việc này mất khoảng 51 tỷ USD” - thông tin được công bố tại hội thảo về ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở VN ngày 21/11 tại TP.HCM.
6 triệu ha đất đang ô nhiễm
![]() |
Bom mìn còn sót lại vẫn là nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam |
Theo ông Cảnh, mức độ ô nhiễm đã hiển hiện ở 63/63 tỉnh thành, bao gồm cả ở trên cạn và dưới nước, với số lượng hơn 800.000 tấn bom đạn nằm rải rác.
Ô nhiễm tập trung mạnh vào đất đang canh tác và sinh hoạt khiến cho người dân đang phải gánh chịu nhiều hậu quả. Nhưng với tốc độ rà phá bom mìn 15.000- 20.000ha/năm như hiện nay thì phải mất 440 năm nữa, đất ở VN mới sạch được bom mìn.
Người đại diện cho tổ chức khắc phục bom mìn Việt Nam cho rằng, thống kê bom chùm mà Mỹ rải xuống tại VN có khoảng 16 loại với mức nguy hiểm khác nhau, tập trung ở mọi địa hình nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, đến nay về cơ bản đã giải quyết các loại bom mìn vật nổ trên mặt đất nhưng chỉ dừng lại ở các khu vực thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, còn bom đạn chùm ở độ sâu từ 0,3m-0,7m thì... chưa dọn sạch được.
62% trẻ em là nạn nhân
Đại diện tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nạn nhân của vật liệu nổ còn sót lại tại Việt Nam (VVMF), ông Chuck Searcy cho biết: Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến tháng 8/2008, đã có 7.016 trường hợp thương vong, trong đó có 2.614 người chết và 4.402 người bị thương, 31% trẻ em dưới 16 tuổi tử vong.
Ông Chuck dẫn chứng nỗi đau của nạn nhân bom đạn chùm khi vào ngày 10/7 vừa qua tại tỉnh này đã có 3 trẻ từ 12-14 tuổi ở huyện Hải Lăng đã bị bom đạn cướp đi sinh mạng khi đang chăn trâu ở sườn đồi gần nhà.
“Năm 2006 tỉnh này có 35 người tử vong, năm 2007 có 28 người và hiện đã có 4.000 người tàn tật. Số người tử vong và người tàn tật sống trong cuộc sống hòa bình vẫn là điều khiến cho chúng tôi trăn trở, đau xót”- ông này tâm sự.
Anh Đỗ Tiến Đăng ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là nạn nhân bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: Đình Na (ảnh nhỏ). |
Theo đại diện UNDP thì hệ quả nhân đạo mà bom đạn chùm gây ra rất lớn đối với Việt Nam. Từ năm 1975 đến nay đã có 104.000 người VN đã chết vì bom mìn sót lại. Ngay cả hiện nay, sau hơn 30 năm chiến tranh kết thúc vẫn còn khoảng 100 người tử vong mỗi năm. Điều đáng lo ngại là trẻ em đang chiếm 62% trong các trường hợp đó.
“Tại Quảng Bình từ tháng 5/1975 đến tháng 4/2002 đã có 857 người chết vì bom mìn hậu chiến tranh, tập trung ở các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh và Bố Trạch. Đa số nạn nhân của các trường hợp này là trẻ em và người lao động”- Phó GĐ Sở Ngoại vụ Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa- chuyên viên mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam, nước ta đã gia nhập Công ước Bom đạn chùm vào đầu năm 2008. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, bắt đầu từ năm 2003, nhóm tư vấn về bom mìn của Vương quốc Anh cũng đã triển khai giúp đỡ rà phá bom mìn tại Quảng Bình. Đây cũng là động thái cho thấy thiện chí của tổ chức này đối với nỗi đau của những nạn nhân phải chịu hậu quả của chiến tranh.
Ông Quý cho biết: “Trong 5 năm thực hiện, tổ chức này đã thu thập thông tin về độ ô nhiễm và triển khai xử lý vật liệu nổ tại 69/159 xã phường trong toàn tỉnh và làm sạch hơn 150 ha đất tại đây”.
Đại diện VVMF, ông Chuck Searcy cho biết: “Rất nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ rất quan tâm giải quyết khó khăn về bom mìn còn sót lại tại VN”. Theo ông này, đến nay ít nhất đã có 10 tổ chức nước ngoài đã chung tay với VN xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại. Theo ông Chuck Searcy thì Công ước bom đạn chùm luôn khuyến khích mạnh mẽ sự hỗ trợ đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề trong đó có Việt Nam. |
Lê Nguyễn
Theo Tiền Phong Online
▪ Một giọt máu, triệu tấm lòng (22/11/2008)
▪ Séc chính thức ngừng cấp visa cho người Việt (22/11/2008)
▪ Tin nhắn "đen" hành teen (22/11/2008)
▪ 3 năm, bạo hành trường học tăng 13 lần (21/11/2008)
▪ ĐBQH muốn chủ toạ điều hành kiên quyết hơn (21/11/2008)
▪ Bi kịch bỗng dưng thành tỷ phú (21/11/2008)
▪ Ninh Bình: Gần 2.000 người nhiễm HIV/AIDS (21/11/2008)
▪ 'Không có ép buộc nào cấm sinh con thứ 3' (21/11/2008)
▪ Ngày mai, công bố kết quả kiểm nghiệm rau Trung Quốc (20/11/2008)
▪ Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Venezuela (20/11/2008)