Đánh giá tại phiên họp UBTVQH sáng nay (21/11) về kết quả kỳ họp thứ 4 của QH, Trưởng ban công tác ĐB Phạm Minh Tuyên cho rằng, thành công lớn nhất là những vấn đề đại biểu QH nêu ra đã được Chính phủ điều chỉnh, chẳng hạn hoãn thí điểm bầu chủ tịch xã và chuyển số tiền dự kiến hỗ trợ các tập đoàn kinh tế sang cho xóa đói, giảm nghèo. Trước đó, tổng hợp ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho biết, nhiều ĐBQH tán thành với những cải tiến như không đọc báo cáo, chất vấn theo nhóm vấn đề... khiến thời gian họp rút gọn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Chưa làm rõ trách nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình thẳng thắn, nghị quyết sau phiên chất vấn vẫn chung chung. Như nghị quyết hiện nay, tác dụng giám sát chỉ có mức độ. Ông Bình phân tích, cách chất vấn của ĐB cũng khiến QH khó phân định trách nhiệm bộ trưởng. Thay vì hỏi sâu các vấn đề thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, hầu như đại biểu vẫn quen hỏi để biết. "Đại biểu cứ lặp đi lặp lại: Vấn đề này bộ trưởng đã biết chưa? Biết thì định làm thế nào? Sắp tới có giải quyết không? Hỏi thế thì Thủ tướng và bộ trưởng cũng trả lời cho đại biểu biết thôi", ông Bình nói. Tương tự, nhiều nội dung giám sát chuyên đề, chẳng hạn năm qua QH tiến hành giám sát sâu về đầu tư xây dựng cơ bản đã đi trúng vấn đề nóng nhưng nội dung lại chưa sâu, thiếu tính phản biện và không đề xuất được giải pháp. Đặc biệt, do chưa quy được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức nên hiệu quả của chuyên đề này không đi đến đâu. Quay lại chuyện chất vấn, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, đi theo nhóm vấn đề nên khó làm rõ trách nhiệm, các bộ đùn đẩy nhau. Chuyện lúa gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi bộ nói một kiểu, phải đến lúc Thủ tướng giải trình thì vấn đề mới rõ. "Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán trong quan điểm của Chính phủ", ông Hiển nói. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải thích, các thành viên Chính phủ đều sẽ xác định rõ trách nhiệm trong từng vấn đề. "Chủ tọa điều hành phải kiên quyết hơn" ĐBQH hoan nghênh việc các ý kiến đề xuất đã được Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh. Ảnh: Trí Dũng Cùng với một số điều chỉnh khác như dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách theo giá dầu thô... việc tạm dừng này cho thấy ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, tiếng nói của ĐB có trọng lượng nhất định chứ không đơn giản là chỉ đọc các tờ trình của Chính phủ rồi "bấm nút". Trong kiến nghị gửi tới UBTVQH, các ĐB đều cho rằng việc thí điểm bầu chủ tịch xã là vấn đề liên quan đến thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy nhưng Chính phủ gửi đề án đến ĐB quá muộn, nội dung sơ sài thiếu cơ sở khoa học và thiếu thuyết phục. Phần giải trình thêm sau đó của Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn lại hầu như không đủ thuyết phục. "Rõ ràng, những góp ý của ĐBQH về đề án này đã được tiếp thu để điều chỉnh", Trưởng ban công tác ĐB Phạm Minh Tuyên nói. ĐBQH cũng đề nghị QH nghiên cứu kỹ quy trình xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng để những ý kiến phản ánh của ĐB đến được với Chính phủ. ĐB cũng băn khoăn chuyện nhiều vấn đề tồn tại qua các kỳ họp như giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bất cập cải cách hành chính... chưa được xem xét dứt điểm. Đặc biệt, đến nay, QH vẫn chưa có điều kiện để biểu quyết phân bổ ngân sách nhà nước một cách thực chất hơn do các thông tin về tài chính, ngân sách quốc gia còn hạn chế. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng kiến nghị, QH nên thay đổi tư duy bình quân chủ nghĩa cho các nội dung. Bởi, trong khi Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật Quốc tịch... do nội dung phức tạp nên nhiều đại biểu muốn góp ý nhưng không đủ thời gian. Nhiều dự án luật khác như Luật Lý lịch tư pháp và Luật Bồi thường nhà nước... hầu như ngay ĐB cũng không biết góp ý thế nào. Dù được Chủ tịch QH đánh giá là "thành công", nhưng các ĐBQH đã gửi nhiều đề xuất cụ thể nhằm cải tiến hơn nữa các kỳ họp QH sau như "chủ tọa điều hành phải kiên quyết hơn", trang bị máy tính và tăng cường gửi tài liệu qua e -mail. Ngoài ra, QH sẽ xem xét các vấn đề quan trọng khác như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; các báo cáo khác về kinh tế xã hội, viện kiểm sát, tòa án... Kỳ họp dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5/5/2009 đến hết ngày 9/6/2009.
|
▪ 3 năm, bạo hành trường học tăng 13 lần (21/11/2008)
▪ Bi kịch bỗng dưng thành tỷ phú (21/11/2008)
▪ Ninh Bình: Gần 2.000 người nhiễm HIV/AIDS (21/11/2008)
▪ 'Không có ép buộc nào cấm sinh con thứ 3' (21/11/2008)
▪ Ngày mai, công bố kết quả kiểm nghiệm rau Trung Quốc (20/11/2008)
▪ Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Venezuela (20/11/2008)
▪ 17 cô giáo suốt 10 năm sống cùng nhiễm độc chì (20/11/2008)
▪ Làm cho quan hệ đạo đời tốt đẹp mãi (20/11/2008)
▪ Chống tham nhũng: Thủ tướng yêu cầu không chủ quan (19/11/2008)
▪ Khu dân cư náo loạn vì khí độc (19/11/2008)