Cán bộ, công chức có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nhưng thực trạng thế nào, nếu làm một cuộc điều tra nhỏ sẽ cho chúng ta hiểu rõ về các vị “đầy tớ” hưởng lương từ ngân sách.
|
Buổi sáng, họ cần mẫn đến đúng giờ, nhưng 30 phút sau sẽ thấy số đông trong quán phở, cà phê. |
Đông nhưng không mạnh
Nhiều cuộc kiểm tra, thăm và làm việc của cấp trên đối với cấp dưới cho thấy bất cứ ngành, cấp nào cũng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt được những thành tựu quan trọng; một số khuyết điểm nhỏ là do nguyên nhân khách quan; những khó khăn kiến nghị với cấp trên tập trung vào việc bổ sung kinh phí và tăng biên chế. Người viết bài này chỉ đề cập đến việc "thiếu biên chế", còn việc "thiếu kinh phí" sẽ trình bày tại một bài khác.
Sao lại xin tăng biên chế? Số lượng cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính, sự nghiệp thiếu chăng? Hay khối lượng công việc quá tải? Hoặc cán bộ, công chức có ý thức làm việc bằng hai (200%) nay đã mệt mỏi nên cần bổ sung biên chế để đưa khối lượng công việc về mức 100% cho đúng với Luật Lao động???
Thưa không! Số lượng cán bộ, công chức của chúng ta với tỷ lệ dân số chắc chắn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hãy thống kê một ngày làm việc của cán bộ, công chức sẽ có câu trả lời.
Trong nhiều cơ quan, những người đang hưởng lương từ ngân sách không "xài" hết 8 giờ vàng ngọc. Tôi đã quan sát tại nhiều nơi và tạm ước họ mới sử dụng khoảng 1/4 thời gian cho công việc (xin chưa nói đến chất lượng công việc). Vậy 3/4 thời gian còn lại họ làm gì?
Buổi sáng. Họ cần mẫn đến đúng giờ, nhưng 30 phút sau sẽ thấy số đông trong quán phở, cà phê. Thời gian ngồi tại cơ quan, họ chăm chú trước computer, thương họ vất vả quá, nhưng đang chơi game đấy, có người tỷ mẩn đánh máy thời khoá biểu cho con. Cơ quan nào nối mạng Internet hoặc Intranet thì đó là những cuộc chiến hào hùng trên mặt trận chat, sharing cho nhau những bài thơ bất hủ tự sáng tác, game online và đặc biệt hơn là tỏ tình... rất mừng là qua đó có nhiều đôi thành vợ, thành chồng.
Sôi nổi nhất vẫn là trò chuyện. Trò chuyện trực tuyến, trò chuyện qua điện thoại cứ là thoải mái. Nội dung chủ yếu về: gia đình, thời trang, cặp bồ, đánh ghen, thăng giáng chức tước, tai nạn giao thông, các vụ án hình sự, nói xấu đồng nghiệp sau lưng... ít thấy bàn về chuyên môn, nghiệp vụ hay thời sự trong và ngoài nước.
Đan xen vào những việc bận bịu đó là ăn. Thôi thì mùa nào thức đó, lý do thì vô tận: nào là mới nghỉ phép, đi công tác về, lên lương, lên chức, con được đi học, vợ mới sinh con trai, thắng thua do cá độ bóng đá... Đến một số cơ quan trong giờ làm việc sẽ không còn lạ nếu trên bàn làm việc là trái cây, bánh kẹo, bia rượu, cá mực được bày ngổn ngang, hổ lốn.
Công việc nội trợ của chị em tô điểm thêm vẻ bận rộn của cơ quan, góp phần làm đẹp hình ảnh "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Sau khi “lượn” qua chợ một vòng vì đi chợ buổi sáng thực phẩm mới tươi, công việc chế biến thực phẩm được thực hiện tại trụ sở, đây cũng là dịp trao đổi về kinh nghiệm nội trợ.
Học tập cũng được bố trí trong giờ làm việc. Thật đáng khen cho cán bộ, công chức của nước ta có tinh thần hiếu học. Những người đang theo học các trường tại chức như lý luận chính trị, sau đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các lớp tin học, ngoại ngữ... được dịp biến trụ sở thành trường học: nào là fotocopy, đánh máy tiểu luận, thiết kế "phao", sưu tầm tư liệu. Về mặt nào đó, theo tôi việc này còn tạm chấp nhận được để đạt "chuẩn hoá" cán bộ.
Buổi trưa. Nếu không về nhà thì từng tốp kéo nhau ra quán nhậu, thiếu bia rượu là không được (có lẽ để tạo hưng phấn làm việc buổi chiều). Thương hơn nữa là một số người sau khi ăn xong sẽ ngủ trưa trên bàn, ghế hoặc rải chiếu ngủ trên nền nhà trụ sở.
Buổi chiều. Cơ bản như buổi sáng, nhưng có lẽ để chống lại không khí làm việc uể oải có chiều hướng tăng lên, do vậy những diễn biến như buổi sáng cũng tăng dần về tần suất. Không thể thiếu thể thao trong 30 phút cuối giờ (có nơi còn tích cực giành hẳn 1 giờ cuối ngày). Thôi thì tenis, cầu lông, bóng bàn... cán bộ, công chức của ta được dịp thể hiện đúng tinh thần "khỏe để phục vụ Tổ quốc".
Để khỏi bị ngộ nhận là người thừa, không biết làm việc gì, trong 1/4 thời gian còn lại họ mải miết đối phó bằng những nội dung nghiên cứu, những đề xuất, những dự thảo qua loa. Chỉ khổ cho thủ trưởng nào tâm huyết và có năng lực, ký hay duyệt thì không được, sửa chữa hay làm lại thì đụng vào tự ái của họ.
Những cán bộ, công chức đó rất ngại đi cơ sở, nếu phải đi công tác cơ sở thì như cưỡi ngựa xem hoa, gây tốn kém cho cơ sở, thậm chí vòi vĩnh, kết thúc chuyến công tác không đề xuất được nội dung gì.
Không phải ở tất cả cơ quan đều có cán bộ, công chức tích cực thực hiện thời gian biểu như trên, tôi cũng thành thật xin lỗi số ít người có năng lực, tâm huyết, làm việc hiệu quả, thiếu cả thời gian, vô hình chung đã cáng đáng giùm công việc cho những người khác theo thói quen của thủ trưởng là ai làm được việc thì cứ giao nhiều. Số ít người này rất khổ, vì công việc è cổ, không tham gia thời gian biểu như mọi người thì sẽ bị coi như kẻ khác loài, nếu bỏ phiếu để quy hoạch, giới thiệu vào đảng, bổ nhiệm thì khó đạt phiếu cao. Ở một số nơi những người này còn bị đơn tố cáo nặc danh, mạo danh.
Nguyên nhân không tìm cũng thấy
Đổ cho kỷ cương, kỷ luật bị buông lỏng thì quá dễ, đó là cơ chế, là hệ thống, là quá độ. Nhưng theo tôi, cần khẳng định ngay đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Những vị thủ trưởng đó thường không biết làm việc nên đã chuyển nội dung công việc nghiêm túc sang những việc đời thường để thư giãn, để được lòng số nhân viên kém cỏi mà họ đã tuyển dụng bằng phương thức không đàng hoàng. Hiệu quả công việc đến đâu họ không cần biết, nhưng chắc chắn cuối năm bình xét thể nào họ cũng tranh hết các danh hiệu thi đua, thậm chí họ sẽ nhận được những lời nhận xét tuyệt vời như “đồng chí thủ trưởng ấy có lối sống bình dị, là trung tâm đoàn kết, có tác phong quần chúng…”.
Có bạn sẽ thắc mắc: vậy thủ trưởng cấp trên của thủ trưởng đó sẽ đánh giá thế nào về hiệu quả công việc, năng lực, phẩm chất của cấp dưới? Nếu thế thì may quá, nhưng không xảy ra đâu vì cấp trên cũng vậy mà, hoặc giả cấp trên là người có đức tài cũng không có quyền thay đổi gì ở dưới. Chỉ khổ cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp, ngày đêm vắt óc lo lắng, bàn tính vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh nhưng nhiều cơ quan cấp dưới cứ đủng đỉnh, không cần biết con thuyền đất nước đi về đâu.
Giải pháp đã bàn nhiều rồi, nhưng…
Câu nói quen thuộc “Thủ trưởng nào, phong trào đó” đã thành nhàm. Chủ trương và giải pháp sống còn được xác định là bố trí đúng cán bộ lãnh đạo có đức, có tài được nhắc tới quá nhiều. Nhưng ai bố trí? Như đồng chí Nguyễn Trung (Tổ nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Đại sứ VN tại Thailand, Australia) đã viết mà tôi rất tâm đắc “Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng”, bản thân tôi cũng đã viết một bài trên diễn đàn trong đó nhấn mạnh “Người sử dụng được người tài trước hết phải là người hiền tài”.
Những giải pháp như tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, kiểm tra công vụ, khuyến khích thi đua khen thưởng, công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ, phê bình và tự phê bình… hãy cứ tiếp tục. Nhưng chỉ khi nào người tài được sử dụng, được bố trí vào những vị trí có ý nghĩa quyết định thì kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính sự nghiệp mới được khắc phục. Tuyệt đối hóa 8 giờ vàng ngọc là duy ý chí, nhưng không thể khoanh tay nhìn thực trạng trên, dù muộn còn hơn không làm, nhân dân và Tổ quốc đang ngóng chờ lời giải đáp từ Đại hội X.
Ý kiến của bạn?
▪ Một bệnh nhân nhi có năm quả thận (13/03/2006)
▪ Chống tham nhũng: Cuộc chiến đầy khó khăn (13/03/2006)
▪ Hải quan lúng túng áp giá tính thuế hàng quà biếu (13/03/2006)
▪ Chơi trang sức đá (13/03/2006)
▪ Áp thấp nhiệt đới suy yếu (13/03/2006)
▪ Buýt nhanh BRT giã từ ước mơ dạo quanh hồ Hoàn Kiếm! (13/03/2006)
▪ Mô hình "năng suất xanh" và môi trường ở Hải Dương (13/03/2006)
▪ Năm du lịch, những thành công bước đầu của du lịch Nghệ An (13/03/2006)
▪ Tiến độ thi công công trình đường Cát Linh - La Thành quá chậm (13/03/2006)
▪ Không giàu không có nghĩa là không có ích (13/03/2006)