Bố tôi nói: Con nên nhớ, không giàu có không có nghĩa là không có ích. Công việc mà các con đang làm hằng ngày dù không cao sang nhưng rất có giá trị.
Tôi và một số người bạn của mình là những thanh niên nông thôn ở một vùng quê của đồng bằng sông Hồng, thu nhập chính từ nghề nông. Sau khi học hết lớp 12, chúng tôi cùng nhau thi vào Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với mong muốn trở thành nhà báo, nhà văn, nhà xã hội học. Thế nhưng, đều không đỗ đạt, và vì hoàn cảnh gia đình, chúng tôi không thể tiếp tục theo đuổi "nghiệp" thi cử. Chúng tôi ở nhà làm nông nghiệp và một số nghề phụ khác của quê hương, vì vậy không giàu có, không rủng rỉnh tiền tiêu nhưng có cuộc sống gia đình ổn định, có ti vi mầu, có xe máy. Và, chúng tôi đã sống như vậy gần sáu năm nay.
Trong số bạn bè cũng không đỗ đại học năm đó có Hoàng Tuấn, sau đó đã đi học nghề sửa chữa ô-tô, xe máy rồi vào miền nam lập nghiệp. Trước Tết vừa rồi, sau sáu năm xa quê, Tuấn mới về thăm nhà. Trông cậu ấy khác hẳn bọn tôi bởi những bộ quần áo hợp thời trang, đẹp mắt, điện thoại di động đắt tiền (ngang với chiếc xe máy của tôi đang đi) và còn mang theo cả xe máy trị giá hơn 30 triệu đồng (gấp năm lần trị giá xe máy của chúng tôi) từ trong nam về quê để đi chơi Tết và sau đó tặng lại bố mẹ. Nhóm bạn bè chúng tôi gặp nhau cùng hàn huyên tâm sự. Trong buổi nói chuyện, có lẽ, do thấy chúng tôi vẫn "quê mùa" như gần bảy năm về trước, Tuấn nói:
- Các cậu bảo thủ thế. Cứ "ôm" mãi vùng quê nghèo thế này à? Phải vươn lên, phải "ra" xã hội thì mới trưởng thành được. Theo mình, các cậu phải học, phải tìm những việc làm mà xã hội hiện đại đang cần để từ đó làm giàu. Cứ ở mãi quê thì sợ không vươn lên được đâu. Tuổi trẻ bọn mình phải khẳng định được giá trị chứ! Bây giờ thu nhập của cả gia đình các cậu một năm giỏi lắm được hơn 20 triệu. Số tiền đấy một mình tớ chỉ kiếm trong ba, bốn tháng thôi...
Chúng tôi thấy Tuấn nói có lý. So với chúng tôi, Tuấn hơn hẳn mọi thứ. Về bản thân, Tuấn đẹp trai và đàng hoàng hơn. Gia đình Tuấn cũng có nhiều vật dụng đắt tiền và "xịn" hơn gia đình chúng tôi. Rõ ràng, Tuấn có ích hơn chúng tôi.
Sau buổi nói chuyện đó, tôi băn khoăn rất nhiều: Có lẽ Tuấn nói đúng. Cần phải tìm cách nào đó để thoát khỏi lao động "thuần nông" để có cơ hội vươn lên làm giàu...
Thấy tôi tự dưng buồn và luôn suy nghĩ. Bố tôi, một cán bộ Ðảng ủy xã đã về hưu, hỏi han. Tôi kể lại cuộc trò chuyện với Tuấn. Bố tôi không nói gì. Nhưng ngày hôm sau, ông đưa về cho tôi ba tờ báo Nhân Dân và bảo tôi đọc ba bài viết ở Diễn đàn: Tuổi trẻ sống đẹp - sống có ích. Sau khi tôi đọc xong, ông nói:
- Mỗi người có sự lựa chọn riêng của mình, và sự lựa chọn đó sẽ đúng đắn khi phù hợp với bản thân. Sống có ích không phải chỉ là việc đem lại hay làm ra những lợi ích kinh tế lớn mà còn rất cần bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Cậu Tuấn là một thanh niên có ích với gia đình, bố công nhận điều đó. Nhưng con và những người bạn của con như Minh, Hải, Bình cũng đang là những thanh niên nông thôn có ích. Các con đã gánh vác công việc của gia đình sáu năm nay, biết tiết kiệm để tự mua sắm vật dụng phù hợp hoàn cảnh của mình. Các con rời ghế nhà trường nhưng không rời bỏ quê hương mà đang góp phần xây dựng quê hương bởi quê hương ta sẽ vẫn lấy nông nghiệp là chính. Ðúng là các con không có thu nhập cao như Tuấn, nhưng các con đang làm chủ những sào ruộng xanh tươi, làm chủ hàng nghìn m2 vườn cây ăn quả, làm chủ đàn gia súc, gia cầm hàng trăm con, còn cả những ao cá nữa... Ðó chính là tài sản đặc trưng, tài sản không thể thiếu được ở quê hương này. Con nên nhớ, không giàu có không có nghĩa là không có ích. Công việc mà các con đang làm hằng ngày dù không cao sang nhưng rất có giá trị. Nghe bố tôi nói, tôi như trút được gánh nặng. Tôi đọc lại một lần nữa những bài viết đăng trên báo Ðảng và thấy rằng, sống có ích thật đa dạng. Tôi cầm ba tờ báo đưa cho những người bạn nông thôn của mình và nói lại những ý kiến của bố tôi. Cũng giống như tôi, các bạn ấy rất vui.
Tôi muốn nói với Hoàng Tuấn những ý kiến của bố tôi và khẳng định: Dù chúng tôi chỉ sống ở nông thôn, nhưng cũng như Tuấn, chúng tôi đang là những người sống có ích.
THANH TUYÊN (Thái Bình)
|