Mô hình "năng suất xanh" và môi trường ở Hải Dương
Các Website khác - 13/03/2006
Những cơ sở áp dụng "năng suất xanh" ở tỉnh Hải Dương đã đổi mới công nghệ, phương pháp sản xuất vừa nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.
Làng nghề "năng suất xanh" thôn Mạn Ðê phát triển chủ yếu là sản xuất hành, tỏi khô rồi đem bán trong nước và xuất khẩu. Trước đây, công đoạn chế biến đều bằng phương pháp thủ công, các loại phế thải không được thu gom, đổ ra ngoài đê, xuống cống rãnh làm ứ tắc, ô nhiễm môi trường. Các nhà môi trường, cán bộ chuyển giao công nghệ của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh giúp người dân Mạn Ðê đổi mới phương tiện kỹ thuật sấy hành, tỏi, sử dụng lò có ít khói, không gây ô nhiễm, vỏ tỏi được thu gom mang ra đồng đốt lấy tro làm phân bón.

Từ khi chương trình "năng suất xanh" do Trung tâm năng suất xanh Việt Nam hỗ trợ thành công, tình hình ô nhiễm môi trường đã giảm. Đường thôn sạch sẽ, không khí trong lành. Thôn Mạn Ðê tổ chức đội thu gom rác tự nguyện gồm năm người một tuần quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm hai lần, ao hồ được nạo vét, cống rãnh khơi thông. Dân thôn Mạn Ðê tự nguyện đóng góp mỗi hộ 500 - 1.000 đồng, dành lương tháng 60 nghìn đồng/ tháng cho người dọn dẹp. Ðoàn thanh niên của xã cũng tổ chức đi thu gom rác, vệ sinh đường làng, cống rãnh.

Từ khi có mô hình năng suất xanh, trong thôn không có người nghèo, đời sống người dân ngày càng cải thiện, sức khỏe cũng được tăng lên rất nhiều, không còn bị mắc các bệnh đường hô hấp như trước đây nữa. Nhiều phương tiện sản xuất được đổi mới, với các loại máy như máy xén, vò, xay, lò sấy thay thế công cụ thủ công cũ trước đây. Mỗi gia đình trong thôn bây giờ một ngày sản xuất khoảng 1 - 2 tạ hành, tỏi khô, thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 1,5 triệu đồng.

Ông Lê Công Hiền, chủ tịch xã Nam Trung cho biết: "Chính quyền xã tạo điều kiện bằng chủ trương, Nghị quyết để dân thực hiện. Chương trình năng suất xanh mang lại lợi ích về xử lý rác, nước thải, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất cây trồng, sản xuất phát triển kinh tế. Nhân dân trong thôn được thông tin tuyên truyền về khoa học kỹ thuật, từ đó họ hiểu ra và áp dụng thực hiện".

Ðể giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thôn Mạn Ðê còn đề ra "Quy ước Bảo vệ môi trường" gồm 13 Ðiều, bốn chương rõ ràng về hành vi, vi phạm, quy định thưởng phạt phân minh... Tại Tại doanh nghiệp sản xuất gạch Tâm Ðắc, áp dụng mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng mang lại lợi ích kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, giám đốc Lương Hữu Hiếu cho rằng, so với lò gạch thủ công trước đây, đầu tư cho lò gạch kiểu này gấp ba lần lò thủ công nhưng thu hồi vốn nhanh vì đốt được gạch quanh năm, số lượng gạch ra nhiều, chỉ hai năm là hoàn đủ vốn. Mô hình lò này nên phổ biến cho người dân, doanh nghiệp vì mức độ đầu tư không nhiều lắm, lợi ích kinh tế cao. Mấy năm gần đây, việc sản xuất gạch ồ ạt bằng các lò thủ công diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh Hải Dương làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp địa phương; gây tình trạng mất trật tự, đoàn kết ở các thôn xóm và khiếu kiện ở cấp chính quyền địa phương. Trước tình hình đó, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh chuyển giao mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng vào sản xuất. Ðến nay, toàn tỉnh xây dựng và vận hành 37 cặp lò, ngoài ra tỉnh còn chuyển giao công nghệ xây dựng và vận hành mười lò cho các tỉnh Thái Nguyên, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Ông Hà Bạch Ðằng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết: "Mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng đưa vào áp dụng sẽ giảm thiểu đáng kể khói bụi, những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Khi đốt, nhiên liệu được tiết kiệm triệt để, giảm 30 - 40% than đốt so với lò gạch thủ công; cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần. Lò đốt quanh năm, gần như không ảnh hưởng mấy đến khu dân cư quanh vùng". Sản xuất bằng lò gạch liên tục kiểu đứng đã giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường khu sản xuất vùng lân cận, không ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp của người dân. Nhờ mô hình này mà Trung tâm Ứng dụng thiết bị khoa học thuộc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giải thưởng Môi trường năm 2005.

Ðến thôn Văn Khai, xã Cẩm Văn, nơi trước đây nhiều hộ gia đình làm nghề giết mổ trâu bò làm ảnh hưởng đến môi trường của thôn. Người dân trong thôn hành nghề bằng phương pháp thủ công, không được vệ sinh sạch sẽ, phế thải đổ hết ra cống, sông ngòi gây mùi rất khó chịu. Ðến nay, các hộ giết mổ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương chuyển giao, hỗ trợ đã làm hầm biogas, chất thải được thu gom vào, sau đó phân hủy rồi dùng làm phân bón. Khí trong hầm sử dụng làm ga đun, nấu trong sinh hoạt.

Phó Chủ tịch xã Cẩm Văn Nguyễn Công Hùng cho biết: "Ðầu tư làm hầm biogas hết khoảng 5-10 triệu đồng có thể chứa 10 - 15m3 chất thải. Từ ngày có hầm, những hộ gia đình giết mổ sạch sẽ hơn rất nhiều. Các hộ giết mổ được quy tụ lại, chất thải, nước thải khi giết mổ cho xuống xử lý ngay. Hằng tháng, chính quyền xã đều thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm". Hiện nay thôn có 58 hộ có hầm biogas trong tổng số 1.200 hộ dân, thời gian tới, chính quyền xã sẽ đầu tư làm sao 100% số hộ gia đình trong thôn sử dụng hầm biogas.

Trong công tác quản lý môi trường, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân vệ sinh sạch sẽ nơi giết mổ, yêu cầu các hộ dân làm nghề phải xây dựng hầm khí biogas. Xã đưa ra các quy ước và đấu tranh phê phán những hộ gây ô nhiễm môi trường. Hộ nào cố tình gây ô nhiễm thì sẽ bị xử lý thích đáng, như: bị cảnh cáo trên loa hoặc bị UBND huyện xử phạt hành chính từ 50 đến 200 nghìn đồng, tịch thu các phương tiện giết mổ. Giờ đây, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ gia đình được nâng lên, tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn.

PHƯƠNG ÐÔNG