![]() |
Người dân thường xuyên hứng chịu cảnh tắc đường. Ảnh: Anh Tuấn |
Chỉ vài tuyến phố cấm xe đi lại phục vụ đại hội nào đó, thế là cả chục nghìn người tắc nghẹn giữa đường trong suốt 2-3 giờ. Một cơn mưa bất thần vào giờ tan ca, Hà Nội lại tái diễn cảnh chen lấn. Chưa bao giờ tình trạng tắc đường của thành phố lại diễn ra với nhịp độ cấp tập như thời gian gần đây.
Nhiều công chức ở Hà Nội đã không còn hối hả về nhà sau giờ làm việc mà có thói quen nán lại cơ quan để chờ hết tắc đường. Chị Minh Anh, Văn phòng Asia, cho rằng, ngồi chờ đợi ở văn phòng còn hơn phải "đứng đường". "Tuyến Cát Linh - Giảng Võ về nhà tôi chiều nào cũng bị ùn tắc. Có hôm tôi phải lang thang ở những siêu thị, cửa hàng cả giờ để chờ đường thông", chị Anh bức xúc.
Theo Sở Giao thông công chính Hà Nội, trong tháng 9 có thêm 6.500 xe máy và gần 1.000 ôtô đăng ký mới, tăng 322 xe máy so với tháng trước. Tính tổng số trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1,5 triệu xe máy, 160.000 ôtô. Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó phòng quản lý giao thông đô thị, Sở Giao thông công chính, cho rằng, chưa kể lượng phương tiện ra vào thành phố hằng ngày thì số xe lưu hành quá cao so với hạ tầng của thành phố nên ùn tắc dễ xảy ra.
Theo ông Phó phòng quản lý giao thông đô thị, với lượng phương tiện tăng nhanh như hiện nay khi hạ tầng không thay đổi thì 2-3 năm nữa không thể đi lại được. "Người dân sẽ phải đối mặt với tình trạng ùn tắc lâu dài, trong khi chờ thành phố xây dựng hệ thống hạ tầng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, hoặc các phương tiện vận tải như tàu điện, xe buýt nhanh...", ông Khôi nói.
Bên cạnh đó, do trên địa bàn đang xây dựng nhiều công trình lớn như cầu vượt Ngã Tư Sở, hầm đi bộ Ngã Tư Vọng, cầu Vĩnh Tuy, Trung tâm hội nghị quốc gia... nên ô tô đã bị cấm đi qua khu vực này. "Phương tiện bị bóp chỗ này thì phình chỗ kia nên đã gây ùn tắc tại nhiều điểm", ông Khôi dẫn giải.
Tổ chức giao thông nhiều bất cập
Kể từ khi tuyến đường Lê Duẩn (đoạn gần ngã tư Khâm Thiên) từ đường một chiều trở thành đường hai chiều thì giao thông theo hướng ga Hà Nội đến Khâm Thiên liên tục tắc nghẽn, ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Nguyên nhân là phương tiện trên tuyến này vốn đã đông nay chỉ được chạy trên 2/3 mặt đường. Theo lý giải của Sở Giao thông Hà Nội, cách phân luồng này để giảm tải cho đường Yết Kiêu. Song kết quả là Yết Kiêu vẫn ùn ứ không kém trước đây. Bởi người điều khiển phương tiện trên tuyến này không sang đường Lê Duẩn vì họ lo ngại tai nạn tiềm ẩn tại nhiều điểm giao cắt
Đường Nguyễn Trãi vốn có mặt đường khá rộng, đảm bảo cho phương tiện đi lại dễ dàng. Song từ khi có 7 nút đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt thì tình trạng ùn tắc ở tuyến này diễn ra nghiêm trọng. Bởi lượng phương tiện theo đường trục Nguyễn Trãi - Hà Đông lớn gấp nhiều lần so với số xe từ đường nhánh, thường phải chờ đợi lâu mới qua khỏi nút giao thông. Hiện phần lớn các nút này đã phải để chế độ đèn nhấp nháy vàng để các phương tiện được đi tự do.
Nút giao trước chợ Long Biên luôn là một điểm nóng về ùn tắc và mất trật tự công cộng, song chưa có phương án phân luồng thích hợp. Theo ông Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 1, nếu để xe con từ Yên Phụ đi theo đường Hàng Than ra Quán Thánh thì sẽ giảm xe đi vào nút Long Biên, tránh ùn tắc cho nút này. "Chúng tôi đã kiến nghị Sở Giao thông công chính nhiều lần song vẫn chưa điều chỉnh", ông Tòng bức xúc.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Khôi, Phó phòng quản lý giao thông đô thị, Sở giao thông công chính, sẽ điều chỉnh thời lượng các nút đèn tín hiệu tại đường Nguyễn Trãi theo hướng ưu tiên các phương tiện ở trục chính. Đồng thời sẽ điều chỉnh ngay hệ thống đèn tín hiệu ở nút giao với Khương Đình, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Quý Đức. Tuy nhiên với các điểm nóng khác như nút Khâm Thiên, Long Biên... thì đơn vị này cần... thời gian để nghiên cứu.
Ý thức của người tham gia giao thông chưa cải thiện
Theo nhiều chuyên gia giao thông, trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng lớn, mà hệ thống hạ tầng chưa đủ đáp ứng, thì việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân được coi là giải pháp ưu tiên số một. Tuy nhiên, tình trạng người dân vi phạm các quy định về đèn tín hiệu, đường dành riêng, lấn làn đường, đi ẩu không tôn trọng luật vẫn xảy ra thường xuyên.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó ban thanh tra giao thông, khi bị tắc đường, người điều khiển xe thường chen lấn xô đẩy, cố lấn làn đường chứ không nhường đường. Nếu người dân chấp hành nghiêm chính thì tình hình ùn tắc sẽ cải thiện hơn. Khi có dấu hiệu ùn ứ, người đi xe càng vi phạm vì họ biết cảnh sát hay thanh tra không thể xử phạt. Vì nếu phạt tại chỗ càng gây ùn tắc.
"Hiện tượng lòng đường, hè phố bị lấn chiếm sử dụng làm giảm khả năng lưu thông của người và các phương tiện, là những nguyên nhân gây ùn tắc, gây khó khăn cho việc khôi phục trật tự giao thông", ông Mạnh than thở.
Đoàn Loan
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Trắng da với mỹ phẩm thiên nhiên (25/10/2005)
▪ Sàng lọc tế bào phát hiện sớm viêm và ung thư tử cung (25/10/2005)
▪ Tạo điều kiện để sinh viên đang du học cống hiến cho Tổ quốc (25/10/2005)
▪ Miền trung: quốc lộ đang trở thành bờ đê (25/10/2005)
▪ Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (25/10/2005)
▪ Mua biển đăng ký xe máy mất cắp ở chợ Giời (25/10/2005)
▪ Dừng ngay chăn nuôi, buôn bán gia cầm trong nội thành (25/10/2005)
▪ “Mỹ nhân ngư” ở Phú Quốc đang bị lạm sát (25/10/2005)
▪ "Theo" gà vượt trạm kiểm dịch (25/10/2005)