Làm đường quên lo thoát nước
QL 1A kể từ khi được cải tạo, nâng cấp có cốt nền vốn đã cao, nay ngành giao thông lại làm con lươn bê-tông cao gần mét, lại xếp liền nhau kín mít, làm cho nước lũ đã khó thoát nay càng bí hơn.
Trong báo cáo tình hình thiệt hại do lũ lụt mới đây, hầu hết các tỉnh miền trung đều đề cập sự nguy hiểm và thiệt hại do tình trạng ứ nước trên hành lang phía tây QL 1A và đường sắt bắc-nam, đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng thêm cống thoát nước, mở rộng khẩu độ thông thủy qua cả hai tuyến giao thông đường sắt lẫn đường bộ, cải tạo hệ thống cầu cống thoát nước trên trục giao thông huyết mạch bắc-nam và các tuyến đường ngang, tỉnh lộ để giảm nhẹ thiên tai.
QL 1A (đường cao tốc) đi qua huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có đường tránh Vĩnh Điện và Câu Lâu. Xã Điện Phương là địa phương đường này chạy qua nhiều nhất. Ông Nguyễn Phụ, nhà ở dưới đường tránh Câu Lâu nói: “Khi chưa có đường mới, mưa lũ ngập cũng lo nhưng không lo bằng nay. Từ khi có đường cao tốc, mùa lụt có bốn mức nước tạo nên một lòng chảo nước ở dưới đường. Năm ngoái, lụt làm dân dưới đường lo trối chết, bởi chưa chi nước đã ngập. Nước rút, cát sạn lấn vào đến nhà bếp. Lý do là nước và đất theo đường cống chạy vào nhà”.
Một cán bộ có chuyên môn trong việc này cho rằng: Mở đường cao tốc qua khu dân cư tại miền trung là điều phải tính toán kỹ, nếu không vô cùng nguy hiểm. Vì dân phía dưới nếu có lũ lớn là nguy ngay. Mở rồi, không tính đến chuyện phân lũ. Làm cho xong đường là rút quân, mặc khi nước lên ngập nhà dân(?) Đường qua Quảng Nam như thế là quá cao. Hãy học kinh nghiệm người Pháp: Đường sắt họ làm ở ta vừa tránh lũ vừa trở thành đập tràn. Còn ta làm đường, cứ cao là nhất, ít nghĩ đến chuyện ứ đọng rồi tạo sức ép lớn. Đường tránh phía Đông thành phố Quảng Ngãi cũng như thế. Nó đã trở thành đập chắn toàn bộ nước trong thành phố không cho thoát, nên mưa to là hầu hết các tuyến đường nội thành trở thành sông.
Quốc lộ thành đê bao giữ nước
Trong trận lũ vừa qua, nhiều khu vực dân cư ở Quảng Trị đã phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề, nhất là các xã ven sông Hiếu và ven sông Bến Hải. So với trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 11-1999, trận lũ trong 2 ngày 8, 9-10-2005 diễn ra nhanh hơn và diện ngập lụt cũng rộng hơn.
Nguyên nhân được xác định là do một số tuyến quốc lộ mới xây dựng đã biến thành đê bao. Cụ thể là dự án nâng cấp nhánh Đông tuyến đường Hồ Chí Minh và xây dựng QL 9 kéo dài. Những tuyến đường này được tôn quá cao, lại thiếu hệ thống cầu và cống thoát nước nên vô tình đã biến thành những tuyến đê bao kiên cố ngăn giữa khu vực ven sông và vùng nội đồng khiến cho lũ diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.
Ông Hoàng Giáo, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, cho biết: Do tác động trực tiếp của tuyến đường Hồ Chí Minh nên xã Cam Tuyền và thôn Duy Viên của thị trấn Cam Lộ là những nơi đầu tiên bị ngập lụt và cũng là nơi nước lũ rút muộn hơn những địa bàn khác.
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với hàng nghìn hộ dân sống ven sông Hiếu thuộc các xã Cam Thủy và Cam Hiếu. Tuyến QL 9 vừa mới xây dựng dài gần 10 km, nhiều đoạn nền đường cao hơn nóc nhà của dân nhưng chỉ có ba cây cầu thoát lũ quy mô nhỏ, thành ra con đường vô tình trở thành con đê ngăn lũ giữa khu vực ven sông Hiếu và vùng khu vực nội đồng. Trong khi hầu hết dân cư nằm về phía Bắc QL 9 không bị ảnh hưởng thì hàng nghìn hộ dân sống ven sông Hiếu nhà cửa đều bị ngập sâu từ 1 đến 3 mét.
Không chỉ gây ngập lụt đối với các khu dân cư, tình trạng đường quốc lộ biến thành đê bao còn khiến dòng nước lũ trở nên hung dữ, tàn phá nhiều công trình giao thông quan trọng. Cầu treo Bến Tắt xây dựng năm 1972 trên đường Hồ Chí Minh bị cuốn trôi là hậu quả từ quá trình nâng cấp nhánh Đông đường Hồ Chí Minh mà khâu thiết kế đã không hề tính đến yếu tố phân lũ. Dòng nước lũ khủng khiếp không chỉ “nuốt chửng” cây cầu mà còn làm sập khoảng 100 mét tường bao quanh Nghĩa trang Trường Sơn, trực tiếp đe dọa đến cây cầu mới được xây dựng ngay tại khu vực bến Tắt. Từ thực trạng trên, để giảm nhẹ thiệt hại, ở mỗi địa phương khi quy hoạch các khu dân cư, xây dựng các công trình giao thông đều phải tính toán đến hệ thống các công trình thoát lũ.
|