Trong cuộc sống sôi động muôn vẻ hằng ngày của nhân dân ta, dù thời chiến hay thời bình, đây đó thường xuất hiện điển hình. Trong chiến tranh, điển hình là nơi thể hiện cao độ sự đọ sức, đọ trí quyết liệt giữa ta và địch mà ta vẫn trụ vững và giành được phần thắng. Trong hòa bình xây dựng, điển hình là nơi có nhiều lao động sáng tạo, đấu tranh không khoan nhượng với lối làm ăn trì trệ, bảo thủ, quan liêu, tham nhũng; đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, hình thành dần nền nếp quản lý khoa học, minh bạch, tôn trọng ý dân, thực hiện đúng đường lối, chính sách, luật pháp của Ðảng và Nhà nước. Nói tóm lại nơi điển hình là cái tiên tiến thắng cái lạc hậu; cái tích cực thắng cái tiêu cực; cái tốt thắng cái xấu. Và xét cho cùng, có những điển hình xuất hiện là chuyện bình thường, phù hợp quy luật phát triển của cuộc sống, của đất nước.
Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày ra số đầu 11-3, báo Nhân Dân luôn cử cán bộ, phóng viên đến với điển hình. Chẳng hạn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu vực Vĩnh Linh là một trong những điển hình của cả nước về ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Tại vùng đất nhỏ nhoi, nóng bỏng này, trong tám năm từ 1965 đến 1973, báo Nhân Dân đã lần lượt cử đến đây, ngoài phóng viên thường trú cắm chốt tại chỗ, hơn ba chục cán bộ từ cấp Phó Tổng Biên tập, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban, Phó ban các ban chuyên đề và nam nữ phóng viên đến đây tìm hiểu, học tập, viết tin, bài tuyên truyền, cổ vũ.
Phóng viên cấp cao Văn Sơn đến tuyến lửa Vĩnh Linh giữa mùa hè đầu tiên nóng bỏng, không quản lạ lẫm địa hình, tập quán sinh hoạt, lăn xả vào thực tế cuộc sống chiến đấu và sản xuất ở đây, đã được nhiều người dân Vĩnh Linh quen và gọi với cái tên thân mật: "Nhà báo quần đùi". Vì lúc đó, ngoài cái nắng gay gắt và gió Lào khô khốc, ở tuyến lửa này ngày càng nóng rát bởi bom đạn của giặc Mỹ ném từ máy bay xuống, đạn đại bác Mỹ bắn từ ngoài tàu biển vào, bắn từ bên bờ nam sông Bến Hải sang, nhà báo Văn Sơn luôn phải mặc quần soóc - tiếng địa phương gọi là quần đùi - cho đỡ nóng. Và chính sự xông xáo, lăn lộn, không ngại gian khổ đó, Văn Sơn đã phát hiện nắm bắt được cái "hồn", cái cốt lõi của ý chí quật cường của quân và dân Vĩnh Linh viết nên nhiều bài, trong đó có bài báo nổi tiếng Gan góc Vĩnh Linh được dư luận bạn đọc tán thưởng. Vì bài báo đó đã góp phần cổ vũ, lôi cuốn, khẳng định từ đầu quân và dân Vĩnh Linh quyết trụ vững và thực tế đã đứng vững suốt những năm chiến đấu ác liệt.
Tại điển hình này, Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của Ðoàn ta ở Hội nghị Paris cũng đã đến. Tranh thủ giữa lúc Hội nghị Paris tạm ngừng họp, đồng chí Nguyễn Thành Lê "bay" về Hà Nội, mới ở nhà với vợ con được vài ngày, đã lên xe u-oát, vượt hàng trăm hố bom trên tuyến đường khu 4, đi một mạch từ Tòa soạn ở 71 Hàng Trống, Hà Nội vào tận xã Vĩnh Thạch, nơi có địa đạo Vĩnh Mốc nổi tiếng. Ðến đây, nhà báo và là nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê đến xem hố bom lớn nhất, sâu nhất mà giặc Mỹ đã ném xuống đất lửa Vĩnh Linh, tranh thủ thời gian tiếp xúc với nhiều dân quân, bộ đội trực chiến và cả những chiến sĩ "ngày bắc, đêm nam" để nắm thêm thực tế cuộc tiếp sức thần kỳ của hậu phương lớn miền bắc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cho đảo Cồn Cỏ anh hùng, cho Trị Thiên khu 5 bất khuất, cho cả tiền tuyến lớn miền nam kiên cường.
Trước khi lên đường ra Hà Nội để trở lại với Hội nghị Paris, nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê đã nói cảm nghĩ của mình trước các đại biểu đại diện khu ủy và nhân dân Vĩnh Linh ở trong nhà hầm rộng bằng hai gian nhà với đại ý như sau: "Ðến được đây càng hiểu thêm nhiều điều mới về sức mạnh của nhân dân; càng tin thêm ý chí và sự kiên trì đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc ta, càng có cơ sở lời lẽ vững vàng trong đấu tranh ngoại giao; càng kiên quyết hơn "đập lại" những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của địch..." và đồng chí đã chỉ đạo, gợi ý cho phóng viên thường trú báo Nhân Dân ở lại đây viết tiếp những điển hình của điển hình, như bài: Vĩnh Linh, phòng tuyến nhân dân; Vĩnh Linh, đảng bộ thép, v.v.
Trong thời bình, khi nghe tin công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình xuất hiện một số nhân tố mới trong quản lý lao động, tổ chức thi công, nhà báo Hồng Hà lúc đó là Ủy viên Ban Biên tập kiêm Trưởng ban Công nghiệp, liền cử thêm một phóng viên đi đến xem sao. Sau khi khóa sổ ma-két số báo ngày mai, ăn xong bát mì ca ba, hai thầy trò tức tốc ra ga Hàng Cỏ, Hà Nội lên tàu hỏa đi đến Ninh Bình vừa lúc công trường bắt tay vào làm việc buổi sáng. Sau hai ngày đêm cùng làm việc, ăn ở với công nhân trong những mái nhà lán dựng tạm, thầy đã chỉ đạo trò viết kịp thời bài phóng sự điều tra với cái tít Ngang tầm núi Cánh Diều. Bài báo nói lên quyết tâm khắc phục khó khăn của công trường gồm hơn ba nghìn công nhân mà phần đông là bộ đội mới chuyển ngành, đã bảo đảm được chất lượng, tiến độ thi công, trong đó việc xây dựng ống khói nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đứng ngang tầm núi Cánh Diều ở gần đó; kịp thời giới thiệu cho nhiều công trường khác vận dụng, rút kinh nghiệm.
Khi đất nước bắt đầu vào công cuộc đổi mới, tại nhà hầm bên cạnh gốc đa của tòa soạn báo Nhân Dân, có một cuộc họp giao ban sáng thứ năm hằng tuần. Sau khi Ban lưu thông phân phối trình dự kiến kế hoạch bài xã luận cho tuần sau, đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng hỏi lại ngay: "Ban lưu thông phân phối đã đến tìm hiểu tình hình mới nổi lên trong công tác huy động lương thực ở Hải Phòng chưa?". Khi được trả lời là chưa, Tổng Biên tập Hoàng Tùng quyết định cử ngay Phó Tổng Biên tập Thép Mới cùng với Phó Trưởng ban Lưu thông phân phối đi xuống Hải Phòng tìm hiểu thực tế xem sao rồi hãy viết xã luận như dự kiến. Thế là hai thầy trò ăn cơm trưa xong ở bếp tập thể chị Sáu, lên xe U-oát đi cấp tốc xuống Hải Phòng. Sau hai ngày hai đêm tìm hiểu thực tế công tác huy động lương thực ở thành phố Cảng này, nhận thấy rằng chưa phải là điển hình thực sự bằng nhờ kết quả sản xuất và huy động tại chỗ, mà là nhờ yếu tố Hải Phòng tự ý nâng giá mua thóc lên so với các tỉnh lân cận, cho nên thóc ở các tỉnh lân cận "chạy" vào các chợ ở Hải Phòng mà có.
Bằng tìm hiểu thực tế đó, hai thầy trò về lại tòa soạn đề xuất với Tổng Biên tập Hoàng Tùng không dùng bài xã luận Cải tiến công tác huy động lương thực như đã dự kiến, mà thay vào đó là bài xã luận Cải tiến công tác lưu thông phân phối mà hai thầy trò vừa phác thảo xong. Tổng Biên tập chấp nhận. Bài xã luận được đăng kịp theo kế hoạch, dư luận bạn đọc và nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, gọi điện thoại đến hoan nghênh có tư duy mới.
Những chuyến đến với điển hình của đồng nghiệp báo Nhân Dân nhiều lắm. Chỉ xin kể một số trường hợp trên mà tôi đã được tham gia tác nghiệp, chứng kiến. Rõ ràng những chuyến đến như vậy của đồng nghiệp báo Nhân Dân thật sự là đi đến nơi đến chốn, không một chút "quan báo", ngại khó, kênh kiệu, lợi dụng mà trái lại làm việc hết mình, hòa đồng ăn ở cùng bà con nơi đến, kịp thời viết tin, bài gửi về tòa soạn để cổ vũ, tuyên truyền vì lợi ích chung. Có thể nói đây là một trong những truyền thống của báo Nhân Dân.
|