Cần khẳng định rằng, nội dung báo cáo liên quan Việt Nam không có gì mới, vẫn chứa đựng những luận điệu vu cáo trắng trợn đã được đề cập trong nhiều bản báo cáo trước đây, cố tình làm ngơ trước thực tế. Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn trọng các quyền chính trị của người dân, tạo điều kiện để người dân tự do bày tỏ quan điểm của mình, sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Người dân ngày càng tham gia tích cực vào quá trình quản lý xã hội, thể hiện ý chí và nguyện vọng trước những sự kiện trọng đại của đất nước. Ðặc biệt, trong những ngày tiến tới Ðại hội lần thứ X của Ðảng Cộng sản Việt Nam, hàng triệu người Việt Nam thuộc mọi thành phần, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đã hồ hởi tham gia ý kiến, bày tỏ quan điểm đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội. Sự kiện này đã trở thành một sinh hoạt chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo con tim, khối óc của người dân Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn thi hành chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để hoạt động. Các công trình thờ tự tôn giáo đã và đang được quan tâm tu bổ và xây mới. Nhiều chùa chiền, nhà thờ, thánh thất... bị bom Mỹ phá hủy trong chiến tranh, nay cũng được khôi phục. Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng rãi, mọi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc thuộc các hệ phái được thực hiện bình thường. Hàng chục triệu đồng bào theo đạo phấn khởi, tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vừa là tín đồ, vừa là những công dân yêu nước. Với những gì mắt thấy tai nghe trong những năm ở Hà Nội, cựu Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam P.Peterson khẳng định: "Nếu dùng thước đo là sự tiến bộ, có sự so sánh với 10 năm trước đây chẳng hạn, rõ ràng là Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng qua từng năm. Các tôn giáo đều được công nhận ở Việt Nam, những người theo đạo đều được tự do đến nhà thờ, chùa chiền, được tự do hành lễ.
Rồi việc Việt Nam nối lại quan hệ với Tòa thánh Vatican...". Hòa thượng Thích Pháp Châu, trụ trì chùa Việt Nam tại quận Cam, bang California (Mỹ) khẳng định tôn giáo ở Việt Nam đã phát triển rất đều đặn trong những năm qua. Các giáo phái, tôn giáo đều được sinh hoạt tự do,rộng rãi đúng như trong quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Hòa thượng cho biết: "Trong hơn mười năm qua, tôi đã đi rất nhiều chùa từ bắc vào nam, gặp rất nhiều tăng ni, phật tử và tôi thấy các chùa, nhà thờ được trùng tu tái thiết rất nhiều, cả ở miền bắc, miền trung, miền nam, Tây Nguyên, cả chùa của người Việt Nam gốc Cam-pu-chia. Ðặc biệt, riêng Phật giáo đã được Chính phủ cho phép thành lập tới ba Viện cao cấp Phật học, năm Viện cao đẳng và hàng chục trường dạy cơ bản trên toàn quốc; tăng ni, phật tử đi chùa thoải mái, kinh dịch xuất bản rất nhiều".
Sự thật về bảo đảm tự do chính trị, nhân quyền, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là không thể chối cãi. Tại Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử về sắc tộc, không có ai bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, vì lý do tôn giáo. Pháp luật chỉ trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để hoạt động phạm pháp, cố tình đi ngược lại tinh thần "tốt đời đẹp đạo" mà các tôn giáo chân chính ở Việt Nam hướng tới.
Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước cải thiện đáng kể. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận "phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi" và "tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm". Việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những nhận xét, thiếu khách quan và sai trái về tình hình nhân quyền Việt Nam là đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận đó, ảnh hưởng xấu đến những tiến triển tích cực gần đây trong quan hệ hai nước. Chúng ta bác bỏ những luận điệu sai trái và phi lý; yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ có cái nhìn khách quan về vấn đề tôn giáo, nhân quyền Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ hai nước theo tinh thần những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
|