Ghép tạng - có thể và không thể
Các Website khác - 10/09/2005
Ghép tạng - có thể và không thể
Hồng Hạnh

Chuyện ghép tạng ở nước ta đang còn như việc thần kỳ, không chỉ đòi hỏi tốn kém nhiều tiền của, công sức mà yêu cầu kỹ thuật rất cao do đó mỗi ca ghép tạng ở ta hiện nay đều có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Các thầy thuốc Việt Nam (VN) chưa làm được vì không mấy khi họ được làm, nên không "quen tay".

GS Lê Thế Trung - Chủ tịch Hiệp hội Ghép tạng VN - cho biết, hơn 12 năm qua, VN mới được ghép 160 ca thận và 2 ca gan - trung bình 13 ca/năm (ở Hàn Quốc là 1.000 ca/năm). Được biết, 10 năm qua có 300 người VN ra nước ngoài ghép tạng, với chi phí một ca trung bình là trên 450 triệu đồng VN (khoảng 30.000USD), đắt gấp 10 lần ở trong nước. Trong khi đó ở trong nước đang có khoảng 5 đến 6 ngàn người VN chờ được ghép thận và 1.500 người chờ được ghép gan.

Nhu cầu lớn như vậy, nhưng tại sao việc phát triển kỹ thuật ghép tạng của VN lại chưa được quan tâm dẫn tới chậm, khiến mỗi năm ta phải mất một khoản ngoại tệ chảy ra nước ngoài?

Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý cho Dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người các tỉnh phía bắc (6.9.2005), theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng: "Kỹ thuật ghép tạng ở VN có những bước đi đầu không hề muộn, bởi chúng ta đã thực hiện ghép tạng từ năm 1990.

Nhưng sự tiến triển thì lại quá chậm. Bởi vì chúng ra chưa có hành lang pháp lý về lấy tạng". Ý kiến của vị đại diện Bộ Y tế là hoàn toàn chính xác, tiếc rằng không phải không có lỗi của ngành y tế và Bộ Y tế do đã không trình Quốc hội sớm hơn. Trong 1-2 năm gần đây Bộ Y tế mới trình Quốc hội về vấn đề này.

Nếu Bộ Y tế trình Quốc hội về Pháp lệnh hiến, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người ngay từ năm 1990, thì bây giờ chúng ta hẳn đã có ngân hàng dự trữ mô tạng.

Chúng ta có đội ngũ y bác sĩ có trình độ ngang với các nước trong khu vực. Các tỉnh phía bắc có 3 cơ sở ghép thận và 2 cơ sở ghép gan. TPHCM có 4 cơ sở ghép thận, dự kiến tháng 10 tới sẽ thực hiện ghép gan... Như thế là nhân lực và vật lực VN đủ để phát triển kỹ thuật ghép tạng. Thế nhưng cái thiếu lại là hành lang pháp lý. Một số giáo sư, bác sĩ phàn nàn rằng, đã 10 lần lấy ý kiến cho dự thảo của pháp lệnh nói trên, nhưng vẫn chưa xong!

Pháp luật không từ trên trời rơi xuống, mà do các ngành, các bộ xây dựng rồi trình lên Quốc hội, mới có thể ra đời được. Nhưng "quá trình" đó cứ kéo dài mãi, thì biết đến bao giờ người bệnh VN mới được hưởng thụ thành quả kỹ thuật cao của thế giới?