Chiều 9/9, Tổng Công ty Cấp nước TP HCM đã có buổi lấy ý kiến các nhà khoa học trong lĩnh vực trên để tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý nước máy nhiễm bẩn. Theo Tổng Công ty Cấp nước, nguyên nhân gây nước bẩn là do cặn lắng lâu ngày.Một đoạn ống nước 300 mm bị cặn lắng và kết tủa.
Theo Tổng Công ty Cấp nước TP HCM, có 3 nguyên nhân làm nước máy tại 4 quận 10, 11, Tân Bình và Tân Phú bị đục. Thứ nhất có 3 nguồn nước hoạt động nên gây xáo trộn dòng chảy, tạo nên sung trong lòng ống. Thứ 2, hệ thống ống dẫn đã cũ và áp lực nước yếu nên đóng cặn nhanh. Nguyên nhân cuối cùng và là nguyên nhân chính là do măng gan kết tủa trong ống, khi hoà vào nước thành màu như cà phê.
Ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn, khẳng định, nước bẩn không phải bị nước từ bên ngoài rò rỉ vào. Nguyên nhân chính vẫn là đường ống quá cũ, trong quá trình chảy lâu ngày bị lắng cặn, sắt và măng gan kết tủa trong lòng ống. Khi có nguồn nước từ nhà máy Tân Hiệp và Hóc Môn nên áp lực nước mạnh hơn, xảy ra bong tróc cặn lắng bên trong ống dẫn nên nước bị đục.
Sau khi đường ống được súc xả, nước của các hộ dân ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình vẫn có màu vàng. (ảnh chụp sáng 9/9). |
Phòng kỹ thuật của công ty cho biết trong, thời gian qua, nhiều người dân ở các quận 10, 11, Tân Bình, Tân Phú phản ánh nước máy mà họ đang sử dụng bị nhiễm bẩn, có màu vàng đục, thậm chí màu đen của cà phê và bốc mùi hôi như nước cống. Công ty đã cử người xuống lấy mẫu nước tại các khu vực trên và đem đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nồng độ các chất hoá học vẫn trong phạm vi cho phép (nhỏ hơn 0,5 mg/lít), chất lượng nước vẫn bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, do không có định kỳ súc rửa đường ống nên có tình trạng đóng cặn dày vài cm. Hậu quả nước có màu vàng và đen từ nguyên nhân trên là ngoài tầm kiểm soát.
Ông Vũ Hải, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước - Môi trường TP HCM, cho rằng, phải tìm đúng nguyên nhân vì sao nước máy bẩn. Theo ông Hải, nguyên nhân là do quá trình phân phối và mạng lưới cung cấp có vấn đề. Nếu là cặn lơ lửng trong nước thì phải xem lại vì không thể xả vài lần mà vẫn còn. Phải khảo sát cụ thể thì mới đưa ra quyết định chính xác được. Ngay cả việc tồn tại của các giếng ngầm cũng cần phải xem xét lại vì hàm lượng măng gan ở các giếng này là rất cao.
Ông Lê Long, nguyên giám đốc Sở giao thông công chính TP HCM, cũng cho rằng, phải cương quyết loại bỏ những giếng nước ngầm và nguồn nước không đạt yêu cầu, kể cả việc đóng cửa các nhà máy nước nếu không đủ chất lượng. Việc súc xả hiện nay là chưa có phương pháp đúng và tiêu chí cụ thể thì nước sẽ đục trở lại. Chỉ tiêu súc rửa đường ống đến 10/9 là không thể sạch hết.
Theo ghi nhận của VnExpress trong buổi sáng 9/9, những khu vực được súc xả tối hôm trước, nước đã bớt đục nhưng vẫn có màu vàng. Hộ bà Mai Thị Kết ở 9/11C Bùi Thị Xuân, phường 2, Tân Bình cho biết, trong ngày 8/9 nước vẫn đục ngầu nhưng đến sáng 9/9 đã trong hơn. Tuy nhiên, theo bà Kết, trước đây chi nhánh cấp nước đã xả vài lần rồi nhưng nước chỉ trong được vài ngày, sau đó lại đục tiếp. Tại khu chung cư Bàu Cát, người dân cũng phản ánh có tình trạng trong vài ngày sau khi xả, nước lại đục.
Ông Võ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cấp nước, cho biết, đến chiều 9/9, 98% nước ở khu vực 4 quận trên đã trong trở lại. Tuy nhiên theo một số người dân, đây mới chỉ là trong tạm thời, chưa thể khẳng định sẽ hoàn toàn đạt yêu cầu.
Việt Hoà
▪ Bùng cháy trái tim - khát vọng VN! (10/09/2005)
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ 11 nghìn căn hộ cho người có thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh (09/09/2005)
▪ "Việt Nam - con đường thức tỉnh tôi" (09/09/2005)
▪ Nghịch lý... đỗ xe (09/09/2005)
▪ Tăng bốn bậc, Việt Nam được xem là một thành công tiêu biểu (09/09/2005)
▪ Không pháo hoa (09/09/2005)
▪ Chuẩn bị khởi công dự án đường Kim Liên - Ô chợ Dừa (09/09/2005)
▪ Khởi công cầu dây văng Phú Mỹ lớn nhất VN (09/09/2005)
▪ Ông thợ cạo viết văn (09/09/2005)