Sẽ cấp visa tự động cho toàn bộ hàng dệt may đi Mỹ
Các Website khác - 24/10/2005

Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp vừa ban hành Thông tư hướng dẫn xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ năm 2006. Theo đó, toàn bộ 38 Cat (bao gồm gồm 13 Cat đôi và 12 Cat đơn) sẽ được cấp visa tự động từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2006, cho đến khi đạt tỷ lệ thực hiện 70% tổng nguồn.

Việc cấp visa tự động sẽ bắt đầu tiến hành vào ngày 1/1 năm sau. Ảnh: T.V

Trong thời gian được cấp visa tự động, mặt hàng nào có tỷ lệ thực hiện đạt 70% tổng số lượng hạn ngạch chủng loại đó của năm 2006, Liên Bộ sẽ tiến hành phân giao hạn ngạch căn cứ trên cơ sở thành tích xuất khẩu các tháng đầu năm 2006 và nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp cho thời gian tiếp theo.

Đến thời điểm 30/6/2006, các Cat. chưa đạt tỷ lệ thực hiện 70% sẽ tiếp tục được cấp visa tự động. Trường hợp cần thiết, Liên Bộ có thể sẽ thông báo việc điều hành tiếp theo của Cat. đã đạt gần 90% tổng số lượng hạn ngạch Cat. đó của năm 2006.

Điều kiện được cấp visa tự động là doanh nghiệp phải đảm bảo có sở hữu hợp pháp tối thiểu 100 máy may công nghiệp (loại máy 1 kim và 2 kim) đang hoạt động ở tình trạng tốt. Số lượng máy móc thiết bị tối thiểu nêu trên phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh sở hữu hợp pháp. Đối với chủng loại hàng không dùng máy may công nghiệp để sản xuất thì doanh nghiệp phải có sở hữu đủ lượng máy móc thiết bị, nhà xưởng phù hợp với yêu cầu sản xuất chủng loại sản phẩm dệt may đăng ký xuất khẩu đó. Số lượng máy đi thuê (không phải thuê mua tài chính) không được tính là sở hữu của doanh nghiệp.

Khi có nhu cầu xuất khẩu chủng loại hàng quản lý bằng hạn ngạch, doanh nghiệp mới (chưa có thành tích xuất khẩu chủng loại hàng có hạn ngạch vào thị trường Mỹ) cần có văn bản đề nghị Sở Thương mại và Du lịch tại địa phương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành và sẽ được xem xét được tham gia thực hiện hạn ngạch sau khi Ban điều hành quota dệt may nhận được báo cáo của Đoàn kiểm tra.

Về chế độ ký quỹ, bảo lãnh thực hiện hạn ngạch, doanh nghiệp có thể tự nguyện đăng ký đối với tất cả các chủng loại mặt hàng để được bảo đảm số lượng hạn ngạch sẽ được sử dụng trong năm 2006. Trường hợp số lượng đăng ký ký quỹ, bảo lãnh vượt nguồn hạn ngạch, Liên Bộ sẽ xem xét ưu tiên đảm bảo giao hạn ngạch cho các thương nhân có thành tích xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2005 và hợp đồng ký với khách hàng lớn Mỹ.

Về việc kiểm tra xác định năng lực sản xuất, xuất khẩu của thương nhân, chống gian lận thương mại, Liên Bộ có thể kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra năng lực sản xuất của thương nhân, kiểm tra nghi vấn hàng chuyển tải... Doanh nghiệp chuyển tải bất hợp pháp hàng hoá, làm và sử dụng Visa giả, C/O giả, giả mạo hồ sơ sẽ bị thu hồi hết hạn ngạch, không phân giao tiếp bất cứ hạn ngạch nào, không cấp Visa tự động và chuyển hồ sơ sang cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Doanh nghiệp khai không đúng nội dung đơn xin hạn ngạch, đơn xin Visa, lẩn tránh việc kiểm soát hạn ngạch của Liên Bộ bị thu hồi hết hạn ngạch, không phân hạn ngạch bổ sung, không cấp Visa tự động. Doanh nghiệp khai sai năng lực sản xuất, sai kim ngạch xuất khẩu để được giao hạn ngạch bổ sung sẽ thu hồi phần hạn ngạch được cấp do khai báo sai và phạt 30% hạn ngạch theo tiêu chuẩn được cấp.

Trường hợp doanh nghiệp khai sai năng lực sản xuất sẽ bị phạt tương ứng với phần khai sai trên tổng lượng hạn ngạch được cấp. Cụ thể, khai sai dưới 10% lượng máy móc thiết bị thì bị cảnh cáo, không cấp hạn ngạch bổ sung, phát triển. Khai sai từ 10% trở lên sẽ bị phạt tỷ lệ tương đương lượng hạn ngạch trên tổng lượng hạn ngạch được cấp của cả năm, năm trước đó trừ vào năm hiện hành.

Nếu thương nhân chỉ thực hiện Visa tự động, không thực hiện hạn ngạch phân giao, khi bị phạt không bị đình chỉ việc cấp Visa tự động thì Liên Bộ sẽ dự kiến số lượng phạt trừ. Riêng các chủng loại hàng tạm ngừng cấp Visa tự động để phân giao hạn ngạch hoặc khi thương nhân đăng ký chủng loại khác đang phân giao hạn ngạch sẽ bị trừ vào số lượng tiêu chuẩn dự kiến được phân giao.

Theo chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) Lê Quốc Ân, dù giá xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ có giảm khoảng 3,6% so với năm 2004 nhưng VN hiện vẫn là một trong số ít các nước có đơn hàng thực hiện ở đẳng cấp cao.

Ông Ân phân tích, bình quân giá xuất khẩu (tính trên m2) mỗi sản phẩm dệt may xuất sang thị trường Mỹ của VN hiện khoảng 3 USD/m2, cao gấp đôi so với Trung Quốc. Tuy nhiên, giá cao không có nghĩa là chúng ta kém lợi thế cạnh tranh. Mà trong một số chủng loại mã hàng, đẳng cấp của VN được khách hàng Mỹ đánh giá cao hơn Trung Quốc nên được giá cao hơn.

(Theo Vneconomy, Tuổi Trẻ, Người Lao Động)