Giúp trẻ phát triển tốt thể lực và tâm lý
Các Website khác - 19/10/2005
Dưới đây là giải đáp của các bác sĩ tâm lý về chăm sóc trẻ từ 1-3 tuổi.
* Xin bác sĩ cho biết, trong độ tuổi từ 1-3, tâm lý của trẻ sẽ phát triển như thế nào? Cha mẹ cần phải làm gì?

- BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, chuyên viên tâm lý trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh): Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu phát triển tâm lý vận động và "chất dinh dưỡng" cần thiết cho trẻ là tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ. Có thể tạm chia giai đoạn này thành bốn thời điểm:

- Dưới 4 tháng tuổi: Trẻ tiếp xúc tốt qua ánh mắt và rất dễ bị kích thích bởi những tiếng động lớn, những cử động đột xuất của người chăm sóc. Do vậy, cha mẹ cần tránh tiếng động lớn hoặc cử động đột xuất mà nên nhẹ nhàng và vuốt ve trẻ. Thường xuyên nhìn vào mắt trẻ, cười với trẻ và cho trẻ nghe nhạc.

- Từ 5-12 tháng tuổi: Trẻ có thể biết soi gương để nhận biết gương mặt mình. Trẻ cũng nhận được người thân và sợ người lạ. Trẻ bắt đầu học nói và học được ý nghĩa của hành động, điệu bộ và âm thanh quen thuộc. Cha mẹ nên cho trẻ chơi trên sàn nhà có trải thảm, với đồ chơi an toàn (không có góc nhọn và không quá nhỏ) và giám sát trẻ từ xa. Khi trẻ chơi, nên khuyến khích trẻ sờ, đập và làm rơi những đồ vật để trẻ hiểu được âm thanh chung quanh. Dạy cho trẻ biết tên của đồ vật và những người trong gia đình.

- Từ 12-24 tháng tuổi: Trẻ đã thích nhìn sách và nghe kể chuyện, thích tự ăn, hiểu được các lệnh đơn giản; biết gọi được tên người và đồ vật; biết chơi chung với những đứa trẻ khác và biết sợ nguy hiểm. Lúc này cha mẹ nên đáp ứng các ý thích của trẻ, không nên hù dọa trẻ. Nên khuyến khích và khen ngợi khi trẻ làm tốt một việc gì đó. Nên cho trẻ chơi những đồ vật có thể chất thành đống hoặc bỏ vào vật chứa rồi lấy ra. Cũng nên đặt cho trẻ những câu hỏi đơn giản, lắng nghe và trả lời khi trẻ cố gắng nói.

- Từ 24-36 tháng tuổi: Trẻ đã biết bộc lộ tình cảm của mình và thường nói "không", đôi khi giận dữ; biết tự hào về hành động của bản thân; biết tưởng tượng và chơi những trò chơi "giả bộ"; biết xác định các thành phần trên cơ thể của mình. Lúc này, cha mẹ nên trấn an trẻ khi trẻ cảm thấy sợ; khen ngợi trẻ khi trẻ làm việc tốt. Khi trẻ nổi giận thì cần bình tĩnh, không la hét hay đánh đập trẻ.

- Ứng xử của cha mẹ và người lớn thế nào khi trẻ chán ăn và phản ứng lại người lớn?

Bác sĩ tâm lý trẻ em Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh): Đã có một nghiên cứu cho thấy cùng chế độ dinh dưỡng như nhau; nhưng những đứa trẻ ở cô nhi viện lại kém phát triển hơn những đứa trẻ có cha mẹ chăm sóc. Điều này cho thấy, tình yêu thương rất quan trọng với trẻ.

Đó là chưa nói đến kiểu cho ăn "tra tấn" của người mẹ, không những làm cho trẻ chán ăn, mà còn khiến cho trẻ sợ hãi, ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển thể chất và tâm lý của trẻ.

Nếu gia đình hòa thuận, thì phản ứng "ngậm" hoặc "trớ" khi ăn có thể là do trẻ bị rối loạn ăn uống hoặc đó là cách trẻ phản ứng lại khi gia đình có thêm thành viên mới (chẳng hạn mẹ có thêm em bé), nên trẻ muốn mẹ quan tâm, chăm sóc mình nhiều hơn.

Đừng bắt ép trẻ ăn mà hãy để trẻ tập ăn nhiều loại thức ăn theo sở thích và sự hứng thú của trẻ.

* Có cách nào giúp cháu vượt qua giai đoạn đầu đi nhà trẻ không?

BS Quỳnh Tương: Phần lớn số trẻ lần đầu đi nhà trẻ đều khóc nhiều... vì chưa được cha mẹ chuẩn bị tốt về tâm lý, trẻ sợ bị bỏ rơi... Ở những nước phát triển, thời gian đầu tiên trẻ rời gia đình đến ứng nhà trường thường khuyến khích cha mẹ ở lại trường học chơi với con trong vài giờ, để trẻ quen dần với môi trường mới. Điều trẻ sợ nhất là cảm giác không an toàn nên cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý, đừng hù dọa trẻ là "con hư mẹ sẽ gửi đi nhà trẻ", mà phải giải thích cho trẻ hiểu "đi nhà trẻ trẻ sẽ được gặp gỡ nhiều bạn bè, được vui đùa với các bạn...".

Không ít trẻ, do sợ nhà trẻ mà tâm tính thay đổi: khi thì nhút nhát, khi lại hung hãn. Đây là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Rất có thể cháu đã bị "trêu chọc" nên phản kháng lại bằng sự hung dữ. Bạn cần hiểu con mình đang gặp khó khăn, cần thông cảm và động viên, giải thích, trấn an trẻ.

Cần phải xây dựng sự tự tin cho trẻ bằng cách tập dần cho trẻ có tính tự lập, đầu tiên là tự ăn uống, tự mặc quần áo... Vừa lắng nghe trẻ, vừa học cùng với trẻ... và trả lời những điều trẻ hỏi, khen ngợi những việc trẻ làm tốt. Sự khen thưởng, động viên kịp thời của cha mẹ sẽ làm cho trẻ thấy tự tin hơn.

Theo Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh