Bệnh cườm mắt
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện toàn cầu có khoảng 50 triệu người bị mù do nhiều căn bệnh khác nhau (đến năm 2020 số người mù trên thế giới sẽ tăng nhanh đến 100 triệu người). Tại Việt Nam, theo các công trình nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù hai mắt hiện nay chiếm 0,63% dân số toàn quốc (riêng đối với người trên 50 tuổi ước tính 4,76%).
Bệnh này còn gọi là đục thủy tinh thể, cườm khô, trái với bệnh tăng nhãn áp được gọi là cườm nước. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù hiện nay, chủ yếu gặp ở người già trên 50 tuổi.
Theo thống kê của Viện mắt Trung ương thì tỷ lệ bị đục thủy tinh thể ở người cao tuổi từ 65-74 tuổi là 50%, và người già trên 74 tuổi là 70%. Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nếu không được điều trị và phẫu thuật kịp thời sẽ bị mù lòa. Bệnh đa số là do tuổi già (90%) vì chuyển hóa trong cơ thể suy yếu.
Ngoài ra còn có thể do các nguyên nhân khác như biến chứng của tiểu đường, viêm nhiễm ở mắt, bị cườm nước, bị chấn thương hoặc các bệnh bẩm sinh gây cườm ở trẻ nhỏ.
Một số yếu tố khác cũng gây cườm như thiếu dinh dưỡng, do ảnh hưởng của các tia sáng (như tia cực tím...), thuốc lá, rượu, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Đây là tình trạng mờ dần một thấu kính nằm bên trong mắt (thủy tinh thể). Người bệnh thấy mắt bị mờ dần, không đau, không nhức, không đỏ, và cũng không nhìn thấy rõ hơn khi thử và đeo kính. Đến lúc mờ nhiều, đồng tử trong mắt sẽ đổi màu, có thể màu trắng hoặc đen nâu. Đôi khi người bệnh cảm thấy bị chói mắt khi ra nắng, nhìn hình đôi.
Khi tình trạng đục thủy tinh thể đang tiến triển, thị lực chưa giảm nhiều (cườm còn nhỏ) thì chỉ cần nhỏ thuốc và theo dõi định kỳ. Khi người bệnh cảm thấy thị giác đã bị kém và mắt bị chóa nhiều vì cườm, và đeo kính không giúp làm rõ hơn, khiến những việc như lái xe, làm việc, đọc sách trở thành khó khăn thì phẫu thuật là cách tốt nhất. Trước đây, đối với đục thủy tinh thể, phẫu thuật gây nhiều khó khăn do có thể để lại nhiều biến chứng hậu phẫu: chảy máu, nhiễm trùng, vết mổ lâu lành... Nhưng nay, với phương tiện máy móc hiện đại phương pháp mổ PHACO có độ an toàn cao giúp hồi phục thị lực nhanh hơn và có thể thực hiện khi cườm vừa chớm.
Cườm nước
Cườm nước, hay glaucom là nguyên nhân gây mù lòa thứ nhì sau bệnh mắt cườm, là tình trạng khi về già các tế bào ở trong mắt bị lão hóa, mất tính đàn hồi, không co kéo hoặc bị bít nên thủy dịch ở trong mắt ứ đọng, không thoát ra ngoài mắt được làm tăng áp suất trong mắt và làm hủy hoại thần kinh mắt, gây mù lòa.
Trong trường hợp cấp tính, người bệnh đau nhức mắt dữ dội kèm nhức nửa đầu cùng bên, mờ mắt hay có thể kèm nôn ói, phải nhập viện cấp cứu do tình trạng tăng nhãn áp đột ngột.
Trong trường hợp mãn tính, triệu chứng bệnh rất âm thầm, đôi khi không có triệu chứng gì cho đến khi thị lực giảm. Đây là một lý do khiến cho người bệnh chỉ đến khám khi bệnh đã nặng. Vì vậy, người trên 45 tuổi nên kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Khi đầu dây thần kinh mắt bị tổn thương, không có cách nào giúp hồi phục sự hư hại đó. Do vậy, điều trị cườm nước chỉ là điều trị bảo tồn giữ lại phần dây thần kinh chưa bị hư, không để tổn thương tiến triển nhiều hơn. Việc điều trị có thể bằng thuốc, laser, hoặc bằng phẫu thuật. Đây là bệnh nặng, cần phải điều trị và theo dõi suốt đời. Hiện nay, các bệnh như cườm nước sẽ được phát hiện sớm nhờ kết hợp đo nhãn áp cùng biện pháp làm thị trường bằng máy đo tự động kỹ thuật số.
Thoái hóa điểm vàng tuổi già
Căn bệnh AMD này là nguyên nhân chính gây mù lòa ở những người trên 50 tuổi. Nếu bị thương tổn một mắt, gần nửa số bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh tương tự ở mắt thứ hai. Điều nguy hiểm là có đến 82% bệnh nhân không được phát hiện bệnh kịp thời.
Thoái hóa điểm vàng là một rối loạn chính của điểm vàng (là nơi giúp nhìn rõ nét sự vật), gây mất thị lực trung tâm. Bệnh gây tổn thương phần võng mạc trung tâm nên người bệnh có thể thấy hình ảnh mình đang nhìn chăm chú bị biến dạng hoặc rất mờ trong khi đó vùng chung quanh vẫn thấy; hoặc khi nhìn vào một tấm bảng có kẻ những ô vuông sẽ thấy các ô vuông bị méo.
Bệnh tiến triển theo sự lão hóa của cơ thể. Các yếu tố khác như hút thuốc lá, áp dụng chế độ ăn nhiều mỡ, béo phì, cao huyết áp cũng có thể là nguy cơ sinh bệnh… Nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới. Bệnh này không gây đau nhức nhưng diễn tiến bệnh có thể tạo ra những tổn thương xuất huyết, dưới điểm vàng cần được theo dõi bằng chụp huỳnh quang. Điều trị bằng laser, thuốc chống oxy hóa, vitamin, kẽm… có thể giúp giữ lại hoặc đôi khi cải thiện thị lực.
|