Một trong những thủ đoạn khá phổ biến của cán bộ địa chính cấp cơ sở là tìm mọi lý do để dây dưa, trì hoãn việc hoàn chỉnh hồ sơ cho những người có đủ điều kiện cấp "sổ đỏ". Đối với những trường hợp có vướng mắc về mốc giới, nguồn gốc nhà đất thì cán bộ địa chính gây khó dễ hoặc nếu người dân chịu đưa tiền thì sẽ được lập hồ sơ giả mạo.
Do chính sách thiếu đồng bộ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà đất còn nhiều hạn chế, cho nên nhiều năm qua, lĩnh vực quản lý đất đai ở nước ta còn nhiều vướng mắc. Tình trạng cán bộ nhà đất cửa quyền, hách dịch, tiêu cực, tham nhũng có lúc có nơi rất nghiêm trọng. Chủ trương kê khai, cấp phát Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ("sổ đỏ") được cơ quan chức năng triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước. Đây là chủ trương đúng nhằm giúp việc kiểm kê, quản lý đất đai tốt hơn. Thông qua việc cấp phát "sổ đỏ", Nhà nước nắm rõ hơn thực trạng sử dụng đất của từng địa phương, nhờ đó sẽ phát hiện những đơn vị, cá nhân sử dụng đất lãng phí, sai mục đích, các giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà đất trái pháp luật. Qua đây cũng nhằm nâng cao hơn ý thức tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài nguyên đất. Nhưng khi triển khai chủ trương này về tới các địa phương lại nảy sinh không ít biểu hiện phiền toái. Nhiều cán bộ địa chính ở cấp xã, phường lợi dụng việc kiểm kê, đo đạc diện tích nhà đất để bắt bí, vòi vĩnh người dân. Nhiều người muốn được cấp, đổi "sổ đỏ" nhanh phải chịu nộp thêm các khoản chi phí ngoài quy định có khi tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nếu ai không chịu đi "đường vòng" mà cứ nộp hồ sơ theo đúng quy trình thì phải chờ đợi rất lâu. Thực tế, xuất hiện những đường dây "chạy sổ đỏ" khép kín với giá trọn gói. Thế cho nên, mới xảy ra nghịch lý cùng ở một khu phố, ngõ xóm, người đủ điều kiện chờ mỏi cổ không được nhận "sổ đỏ", trong khi không ít trường hợp mua gian bán lận, lấn chiếm đất công lại nhanh chóng được cấp sổ đàng hoàng. Ngay tại Hà Nội, có người phải đi lại vất vả vài chục lần không được giải quyết và trường hợp hàng chục hộ dân bị cán bộ phường om giữ "sổ đỏ". Tại TP Hồ Chí Minh, có cán bộ địa chính phường bị kỷ luật vì liên quan tiêu cực khi làm "sổ đỏ". Một trong những thủ đoạn khá phổ biến của cán bộ địa chính cấp cơ sở là tìm mọi lý do để dây dưa, trì hoãn việc hoàn chỉnh hồ sơ cho những người có đủ điều kiện cấp "sổ đỏ". Đối với những trường hợp có vướng mắc về mốc giới, nguồn gốc nhà đất thì cán bộ địa chính gây khó dễ hoặc nếu người dân chịu đưa tiền thì sẽ được lập hồ sơ giả mạo. Một số trường hợp, cơ quan chức năng buộc phải quyết định hủy bỏ "sổ đỏ" cấp sai.
Thiết nghĩ, cơ quan chủ quản cần tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng nghiệp vụ và năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ địa chính cấp cơ sở. Cần thiết có thể điều tra, làm rõ những trường hợp cán bộ địa chính giàu lên bất hợp pháp để kịp thời phát hiện, xử lý tiêu cực. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng cần được cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân và ngăn chặn cán bộ làm sai.
TUẦN VŨ (Hà Nội)
|