- Ông có thể cho biết nội dung và mục đích của dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú (KV) và ung thư cổ tử cung (KCTC)”?
Thạc sĩ Trần Đăng Khoa: Theo kế hoạch, dự án sẽ kéo dài trong hai năm (2005-2006) và được chia làm ba giai đoạn với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Đầu tiên chúng tôi sẽ tiến hành điều tra cơ bản số lượng phụ nữ trong độ tuổi có nguy cơ cao về mắc các bệnh nêu trên tại 232 xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp đó toàn bộ cán bộ y tế cấp quận, huyện sẽ được tập huấn để cùng phối hợp với cán bộ y tế của Viện U bướu Hà Nội trong việc khám, phát hiện sớm ung thư. Dự kiến, sau điều tra cơ bản sẽ có khoảng 10.000 phụ nữ tại 40 xã, phường được khám bệnh miễn phí theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên.
Qua dự án này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp chị em nâng cao khả năng nhận biết sớm bệnh KV và KCTC đồng thời đào tạo được một đội ngũ cán bộ y tế cấp cơ sở có đủ trình độ phát hiện căn bệnh này, góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Hỏi: Có một nghịch lý là song song với những tiến bộ của y học, tỷ lệ KV, KCTC ở phụ nữ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?
Trả lời: Đúng là so với một vài năm trước đây số bệnh nhân mắc KV và KCTC tăng lên đáng kể. Theo thống kê của các bệnh viện tại Hà Nội, giai đoạn 1996-1999 tỷ lệ KV ở nữ là 17,4/100.000 người; KCTC là 6/100.000 người nhưng đến năm 2000 tỷ lệ KV đã tăng lên 20,7/100.000 người, KCTC là 17,3/100.000 người. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu về số bệnh nhân mắc bệnh KV và KCTC. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như ô nhiễm môi trường sống; người dân lạm dụng các loại hóa chất trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, ăn nhiều mỡ động vật...
Hỏi: - KV, KCTC thường gặp ở nhóm đối tượng nào ? Có dấu hiệu đặc biệt để nhận biết hai căn bệnh này không?
Trả lời:Theo thống kê của chúng tôi, phụ nữ trong độ tuổi từ 41 - 60 có nguy cơ cao mắc bệnh KV và KCTC. KV thường rơi vào những trường hợp lấy chồng và sinh con muộn, lạm dụng các loại thuốc tránh thai. Riêng KCTC thì nguyên nhân hàng đầu lại do vi rút Herpes gây ra, ngoài ra lập gia đình sớm, sinh đẻ nhiều, thiếu điều kiện vệ sinh cá nhân... cũng là những yếu tố dẫn đến KCTC ở phụ nữ. Điều nguy hiểm là ở giai đoạn sớm, triệu chứng lâm sàng của hai căn bệnh này rất ít, không đặc trưng nên bệnh nhân thường chủ quan, khi đến các cơ sở y tế thì bệnh đã nặng.
Hỏi: - Vậy cần phải làm gì để phát hiện sớm và phòng ngừa KV, KCTC có hiệu quả?
Trả lời: Phát hiện sớm các triệu chứng ung thư sẽ quyết định 80% thành công của quá trình chữa bệnh. Mặc dù KCTC là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm nhưng với tiến bộ của khoa học, căn bệnh này có thể sớm được phát hiện (giai đoạn 0) bằng việc thử tế bào âm đạo và hiệu quả điều trị rất cao. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 0 và được điều trị đúng, bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn, nếu ở giai đoạn 3, kết quả cũng đạt từ 30 - 50%. Riêng với KV, nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn I thì kết quả đạt đến 90% nhưng ở giai đoạn 4 (di căn) thì kết quả sẽ rất hạn chế. Do các triệu chứng lâm sàng của hai căn bệnh này không rõ ràng nên lời khuyên tốt nhất là chị em phụ nữ hãy tạo thói quen đến các cơ sở y tế khám bệnh định kỳ để được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và kịp thời phát hiện bệnh.
Xin cảm ơn ông!
|