Tính đến hết tháng 9, 12 xã phường cơ bản cấp xong sổ đỏ là phường Phan Chu Trinh, Hàng Buồm, Tràng Tiền, Hàng Trống, Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm); Kim Giang (quận Thanh Xuân); Văn Đức, Kim Lan (huyện Gia Lâm); Duyên Hà, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); Đại Mạch (huyện Đông Anh) và thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Với các quận huyện, Đông Anh được giao 13.545 trường hợp đã cấp được 91,36%, Ba Đình cũng đạt tỷ lệ tương tự với trên 2.200 trường hợp, Đống Đa cấp được 4.800 sổ đạt 81,82% kế hoạch, còn Cầu Giấy do chỉ tiêu giao là 426 trường hợp nên đã cấp đạt 199,53%, cao nhất thành phố.
Một số quận, huyện tiến độ chậm là Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, trong đó Hoàng Mai mới cấp đạt 37,87%. Điều này cho thấy tiến độ cấp sổ đỏ của Hà Nội là không đồng đều. Có thể thấy, trong khi nơi này tự tin hoàn thành kế hoạch của thành phố thì nơi kia rất có thể sẽ phá hỏng thành tích mà thành phố đang cố gắng đạt được.
Tốc độ cấp sổ đỏ của Hà Nội đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều sau khi UBND TP đưa ra sáu giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ và sau đó là chủ trương chuyển thẳng sổ đỏ cho dân. Sáu biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ được thành phố đưa ra và áp dụng từ đầu tháng 6-2005, khi đó toàn thành phố mới cấp được trên 13.300 GCN, đạt xấp xỉ 10%. Chủ trương chuyển thẳng sổ đỏ cho dân đã triệt tiêu khâu quyết định trả sổ đỏ hay không của phường, xã, thị trấn, một khâu vốn dễ phát sinh tiêu cựu và xảy ra hiện tượng găm sổ để nhũng nhiễu người dân. Theo chủ trương này, người dân chỉ cần đến văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện để lấy sổ đỏ mà không cần phải qua phường, xã như trước kia. Tuy nhiên đóng góp của chủ trương này đối với tiến độ cấp sổ đỏ không thật sự lớn vì không phải quận, huyện nào cũng có văn phòng đăng ký đất đai, còn các quận huyện đã có văn phòng thì lại được đánh giá là vẫn còn rất non trẻ. Trong khi đó, một trong sáu biện pháp được UBND đưa ra đã góp phần tăng nhanh khối lượng sổ được cấp là: Đối với các trường hợp người dân chưa có khả năng thực hiện ngay nghĩa vụ tài chính thì UBND quận, huyện vẫn tổ chức xét duyệt bình thường. Các trường hợp này được tính vào chỉ tiêu cấp GCN quyền sử dụng đất của năm 2005.
Với những biện pháp mang tính “đột phá” như vậy, chỉ trong bốn tháng, toàn thành phố đã cấp được hơn 46.000 sổ đỏ. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng con số gần 90% mà Hà Nội đạt được như đã nói ở phần đầu là của tổng số hồ sơ đăng ký. Sổ đỏ cấp được trên toàn thành phố sau chín tháng mới đạt 61,15% so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong ba tháng còn lại theo kế hoạch Hà Nội phải cấp 73.178 trường hợp. Như vậy muốn hoàn thành kế hoạch năm 2005. Hà Nội sẽ phải lập một kỳ tích mới, gấp đôi “kỳ tích” trước. Đó là chưa kể 20.943 trường hợp khon đủ điều kiện cấp sổ đỏ đã được công bố công khai. Có thể vào tuần tới Thủ tướng sẽ ký Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định về đất đai, trong đó có thể sẽ cho phép nợ nghĩa vụ tài chính khi cấp GCN quyền sử dụng đất.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn: Bên cạnh những mặt rất đáng khen của công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, tuy không nhiều nhưng tác động mạnh là những biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà ở một số cán bộ, nhân viên làm công tác cấp GCN. Ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: Tôi đề nghị những trường hợp không đủ điểu kiện cấp GCN, cần rà soát một lần nữa đặc biệt là các hộ gia đình và cá nhân, gạn lọc lần cuối để đừng bỏ sót quyền lợi của người dân. Vấn đề hiện nay của chúng ta là còn những trường hợp chắc chắn không thể cấp GCN được thì quản lý thế nào? Đề nghị Hà Nội tư duy ra các giải pháp từ đó tổng kết để Trung ương có thể đưa vào văn bản pháp luật.
|
|