(VietNamNet) - Một số hộ dân nhà G03, Khu đô thị Ciputra phản ánh, hàng tháng họ buộc phải đóng khoản tiền khổng lồ để "nuôi" dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, điện nước chung, gửi xe và một số dịch vụ công cộng khác.
Người dân ở đây cho biết, theo thông báo của Ciputra, tháng 8/2005 họ được yêu cầu đóng từ 350 - 420.000 đồng/tháng/hộ chung cư và 1 triệu đồng/tháng/hộ biệt thự (chủ yếu cho các dịch vụ: bảo vệ, vệ sinh, điện nước các khu vực công cộng...) và đây là mức phí được tính từ ngày họ nhận căn hộ (tháng 8/2005).
Mức phí này được tính đồng hạng theo m2, mỗi m2 được tính 2.544 đồng.
Hầu hết các hộ dân Ciputra cho rằng tính như vậy là chưa hợp lý bởi các tính này không phân biệt hộ nhiều hay ít người.
Phí dịch vụ công cộng ở Ciputra không chỉ có vậy. Nếu tính cả khoản phí gửi xe ôtô 500.000 đồng/tháng và khoảng 7 triệu đồng/người/năm cho việc sử dụng các dịch vụ khác như phòng tập thể dục, bể bơi... thì bình quân mỗi năm một gia đình 4 người sống trong khu đô thị này sẽ phải đóng 40 triệu đồng các loại phí.
Các hộ dân cho rằng, Ciputra tập trung khai thác những khách hàng là người thuê nhà, thời gian định cư không lâu dài nên được cơ quan chi trả các khoản phí liên quan đến sinh hoạt. Trong khi đa số hộ dân ở đây (cả Việt Nam và người nước ngoài) lại thuê nhà bằng tiền túi, nên rất bức xúc với mức phí "trên trời" này là đương nhiên.
Một hộ dân người Singapore đang sống tại đây phàn nàn: Phí dịch vụ ở Ciputra cao gấp gần 2 lần mức phí phải đóng tại các khu chung cư có cùng các loại dịch vụ của nước họ.
So sánh mức phí tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (được coi là "cùng hạng"), các hộ dân Ciputra khẳng định rẻ hơn nhiều, với mức sàn khoảng 158.000 đồng/tháng/hộ cho 7 khoản: điện nước cho khu vực công cộng, tiền lương và hành chính phí cho các nhân viên quản lý khu phố, phụ cấp cho thành viên Ban tự quản, bảo vệ, thu gom rác, bảo dưỡng sửa chữa, duy trì cảnh quan môi trường.
Ở một số khu phải đóng phí cao hơn của Phú Mỹ Hưng, người sử dụng cũng không phải trả tiền cho các dịch vụ như bể bơi, phòng tập thể dục, gửi ô tô...
Tại Hà Nội, một số khu đô thị quy mô không bằng Ciputra nhưng được coi là sạch sẽ và an ninh tốt như Trung Hòa - Nhân Chính, làng quốc tế Thăng Long, Linh Đàm..., mức phí sàn hàng tháng chỉ khoảng 30.000 đồng với hạ tầng và dịch vụ ''tử tế hơn''.
Phí cao, lợi ích thấp?
![]() |
Một khu đô thị được đánh giá chất lượng cao tại Hà Nội |
Một người dân phản ánh, vệ sinh môi trường cũng kém, an ninh trật tự không bảo đảm, nhân viên bảo vệ không chuyên nghiệp... Điển hình là khu G6, rác phế thải nằm ngay phía trước. Một số cư dân người nước ngoài ở khu G6 - G15 thường xuyên bị nhiều tốp thợ xây dựng (đang tạm trú trong các khu nhà, chờ bàn giao công trình) chọc ghẹo.
Tình trạng mất trộm giày dép cũng không hiếm. Từng xảy ra sự việc một nhân viên cắt cỏ đã lấy cắp 30 triệu của một người Đức tại nhà D2-12. Người ngoài thì liên tục vào tập thể dục, vui chơi tự do gây mất trật tự. Nhân viên bảo vệ cũng thiếu thân thiện. ''Một số nhân viên bảo vệ trông như Hitle, chẳng có vẻ là người được chúng tôi trả tiền thuê''- một giáo viên thuê nhà tại G03 nói.
Trước phản ứng quyết liệt của các hộ khi nhận được biểu giá của Ciputra, vào tháng 8/2005, Ciputra đã họp với khoảng 50 hộ đang ở đó, tuyên bố dừng chưa thu phí quản lý, hứa sẽ đưa ra mức phí quản lý mới có nhiều lợ ích hơn cho các hộ gia đình trong giai đoạn phát triển đầu của dự án'.
Nhưng thực tế, theo phản ảnh của người dân, Ciputra vẫn áp dụng cách tính phí dịch vụ như cũ và truy thu đối với tất cả các hộ đã bàn giao nhà trước đó.
Các hộ dân cho rằng, Ciputra là một khu dân cư trong đó người dân là chủ sở hữu nhà và căn hộ, Ciputra không phải là chủ sở hữu của đô thị như khách sạn hay khu đầu tư cho thuê để được tự quyết về giá thuê hay giá dịch vụ. Họ (các chủ sở hữu căn hộ, đại diện thuê nhà-NV) mới có quyền quyết định lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, tiêu chuẩn dịch vụ và mức phí đóng góp. Mức phí này phải được hạch toán độc lâp, công khai và phù hợp với quy chế điều hành KĐT mới do luật pháp Việt Nam quy định.
Theo đó, người dân ở đây đề nghị thành lập Ban đại diện cho cư dân tham gia quản lý Khu đô thị. Đồng thời, Ciputra giảm mức phí quản lý hàng tháng cho phù hợp với mặt bằng chung các khu đô thị tại thành phố lớn. ''Chúng tôi sẵn sàng trả khoản phí quản lý hàng tháng nếu đó là mức hợp lý đối với đại đa số người dân Việt Nam''- đại diện các hộ dân ở Ciputra kiến nghị.
Sáng mai (24/2), Đại diện Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long sẽ làm việc với phóng viên VietNamNet để trả lời phản ánhcủa các hộ dân khu đô thị Ciputra.
K.M
Bạn nghĩ sao về chuyện này?
▪ 20 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (23/02/2006)
▪ Điều trị tật khúc xạ học đường như thế nào? (23/02/2006)
▪ Tâm huyết với những vấn đề của đất nước (23/02/2006)
▪ Xây dựng Ðảng ta thật vững mạnh (23/02/2006)
▪ Hãy chấp nhận luật chơi (23/02/2006)
▪ Kon Tum: Khởi công thuỷ lợi Đak Krông (23/02/2006)
▪ Tây Ban Nha giúp Việt Nam nâng cấp ngành điện (23/02/2006)
▪ Hơn 100 học sinh ở Gia Lai bị ngộ độc thức ăn (23/02/2006)
▪ Đổ hàng nghìn tấn rác ra đường Láng - Hòa Lạc (23/02/2006)
▪ Truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (23/02/2006)