20 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia
Các Website khác - 23/02/2006
Qua 20 năm hoạt động, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã đạt những kết quả to lớn, góp phần đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản tới mỗi người, gia đình, cộng đồng trên mọi miền đất nước.
Công tác này có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật của trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận là điểm sáng về công tác TCMR trong các nước đang phát triển.

Tất cả các xã, phường có TCMR

Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Năm từ năm 1981 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF). Sau một thời gian thí điểm và mở rộng diện triển khai, đến năm 1985, chương trình được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước.

Năm 1990, mục tiêu phổ cập tiêm chủng cho tất cả trẻ em dưới một tuổi được hoàn thành, với 87% số trẻ trẻ em dưới một tuổi trong cả nước được tiêm chủng đầy đủ sáu loại kháng nguyên: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

Ngay từ những ngày đầu, mặc dù còn nhiều khó khăn vaccine, vật tư cũng như đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm nhưng Việt Nam có những định hướng và kế hoạch đúng đắn, ngành y tế có những cố gắng vượt bậc cho nên dịch vụ TCMR từng bước được mở rộng một cách vững chắc trong cả nước.

Ðến năm 1990 chỉ còn gần 400 xã chưa triển khai TCMR. Tuy nhiên đây lại là những xã rất khó khăn, khó tiếp cận do thiếu điều kiện giao thông, điện, cơ sở y tế, mặt khác lại là vùng sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số thiếu sự tiếp cận dịch vụ y tế. Thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, nhất là sự kết hợp của Bộ đội Biên phòng, chương trình đã từng bước xóa xã "trắng" về tiêm chủng.

Ðến năm 1995, nhờ sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng và ngành y tế tỉnh Lai Châu, tám xã trắng cuối cùng của huyện Mường Tè đã được triển khai dịch vụ TCMR. Ðến nay, dịch vụ TCMR được triển khai ở 100% số xã, phường trong cả nước.

Do điều kiện thực tế, mỗi địa phương lựa chọn một hình thức tiêm chủng phù hợp. Nhưng thường tập trung vào hai hình thức: tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng định kỳ. Với tiêm chủng thường xuyên, mỗi tỉnh, huyện lựa chọn từ một đến ba ngày cố định hằng tháng để triển khai, riêng với những loại vaccine cần tiêm sớm ngay sau khi sinh thì kết hợp các cơ sở điều trị, nhà hộ sinh để trẻ có thể được tiêm ngay vaccine BCG, viêm gan B mũi một. Với hình thức này, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ tiêm chủng cao hơn đồng thời tiết kiệm được vaccine, vật tư tiêm chủng cũng như nhân lực.

Còn đối với những vùng khó khăn thường áp dụng hình thức tiêm định kỳ, nghĩa là vào một số tháng nhất định tổ chức tiêm các loại vaccine trong chương trình cho trẻ em dưới một tuổi và phụ nữ có thai. Ðây là hình thức tiêm chủng đối phó với các khó khăn của các vùng khó khăn để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, hình thức này ngày càng được thay thế bằng hình thức tiêm thường xuyên để nâng cao chất lượng dịch vụ TCMR (đến năm 2004 chỉ còn 4% số xã áp dụng hình thức tiêm định kỳ). Ngoài ra, hình thức tiêm chủng chiến dịch, là hình thức tiêm đồng loạt cho một lượng đối tượng lớn, phạm vi rộng trong thời gian ngắn. Hình thức này được áp dụng cho chiến dịch để thanh toán bại liệt, loại trừ sởi...

Những con số ấn tượng

Cùng với việc mở rộng địa bàn, Chương trình TCMR cũng ngày càng phấn đấu nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Ðược sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và nỗ lực của ngành y tế, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đạt và luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi đạt hơn 90%. Trong khi đó, mục tiêu này được Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu các nước đạt được vào năm 2000.

Nhờ tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine cho trẻ em dưới một tuổi được duy trì hơn 90% liên tục trong nhiều năm là tiền đề quan trọng để nước ta thanh toán các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh ho gà, sởi, bạch hầu... ở trẻ em.

Theo thống kê của Chương trình TCMR quốc gia: đến nay bệnh ho gà còn 0,47 trường hợp/100 nghìn dân, giảm 183 lần; bệnh bạch hầu còn 0,06 trường hợp/100 nghìn dân giảm 82 lần; bệnh Sởi còn 0,26 trường hợp/100 nghìn dân, giảm 573 lần, đồng thời Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2010. Nổi bật nhất là năm 2000, Việt Nam chính thức công bố đã thanh toán được bệnh bại liệt. Và trong năm năm qua, Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục triển khai các hoạt động để bảo vệ thành quả đã đạt được. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được uống đủ ba liều vaccine; hằng năm tổ chức hai vòng chiến dịch uống vaccine bổ sung cho trẻ dưới năm tuổi vùng có nguy cơ cao; luôn dự trữ từ ba đến năm triệu liều vaccine bại liệt để đối phó nhanh khi có ca virus bại liệt hoang dại xâm nhập; đẩy mạnh hoạt động giám sát.

Năm 2005, cũng đánh dấu một bước tiến mới của công tác TCMR đó là Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn loại trừ được uốn ván sơ sinh của Tổ chức Y tế thế giới, đây là bước tiến quan trọng để hạ thấp số trẻ sinh ra bị chết hoặc những di chứng.

PGS, TS Ðỗ Sỹ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia cho biết: Tuy đã đạt những kết quả quan trọng nhưng thời gian tới, TCMR vẫn là chương trình ưu tiên quốc gia. Chương trình phấn đấu duy trì tỷ lệ trẻ em được tiêm đầy đủ sáu loại vaccine đạt hơn 90%; tiếp tục nâng cao chất lượng tiêm chủng tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đạt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2010. Từng bước đưa thêm những loại vaccine mới vào chương trình, như năm 2006 đưa vaccine viêm gan B (vaccine thứ bảy) để tiêm cho trẻ em dưới một tuổi; từng bước triển khai tiêm vaccine Rubella, quai bị, tả, thương hàn tại các vùng có nguy cơ cao...

TRUNG HIẾU