Là một đảng viên, với ý thức xây dựng Ðảng, tôi xin có năm kiến nghị kính gửi Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X.
Bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại mà nhân dân ta đã làm nên dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng ta đang phải đối mặt với hai vấn đề có ý nghĩa sống còn:
Một là, phải làm sao Ðảng thật trong sạch.
Hai là, phải xây dựng Ðảng thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng và lý luận.
Tôi xin nêu một số ý kiến liên quan vấn đề thứ hai, có ý kiến chỉ mới nêu để rộng đường suy nghĩ và tiếp tục nghiên cứu.
I - Ðã đến lúc tất cả phải được đặt lên bàn nghị sự
Ngay từ năm 1927 chuẩn bị thành lập Ðảng, trong cuốn Ðường kách mệnh, Bác Hồ đặt vấn đề cách mệnh trước hết phải có cái gì? Người chỉ rõ: "Trước hết phải có đảng cách mệnh" và "Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy".
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 75 năm qua chứng minh Ðảng ta thực sự là một Ðảng mác-xít Lê-nin nít vững mạnh.
Trên chính trường Việt Nam, Ðảng ta có thế mạnh tuyệt đối từ bề dày lịch sử và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng dẫn dắt dân tộc ta làm nên bao chiến công kỳ tích đổi đời suốt quá trình hơn hai phần ba thế kỷ. Ðảng ta mạnh vì đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trước đây, hiện nay và cả trong tương lai không gì thay thế được. Bởi ở nước ta không có đất cho một đường lối chính trị nào khác tốt hơn khả dĩ được nhân dân chấp nhận ngoài đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khách quan lịch sử mà nói, một đường lối khác, chẳng hạn đường lối xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc vẫn không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc ta đi con đường tư bản hoang dã tồi tệ nhất, cuối cùng không tránh khỏi trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc, phản động, thực dân mới kiểu mới.
Trong khi khẳng định những chỗ mạnh cơ bản của Ðảng ta, chúng ta vẫn không quên những mặt còn yếu trong đó có mặt tiềm ẩn nguy cơ không thể xem thường. Tôi cho rằng sự thiếu nhất trí trong Ðảng là một trong số mặt yếu đó. Tình trạng thiếu nhất trí từng được nhiều văn kiện Ðảng trước đây nói đến và ngay trong các dự thảo lần đầu báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới cũng như các Văn kiện khác chuẩn bị cho Ðại hội X cũng nêu lên hàng loạt những vấn đề còn có quan điểm khác nhau. Tuy vậy, thiếu nhất trí thực chất là ở chỗ nào, quan điểm khác nhau ra sao, căn nguyên của sự thiếu nhất trí ở đâu, thì chưa bao giờ được đặt ra phân tích mổ xẻ đến nơi. Nay đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Ðại hội X nhìn thẳng vào sự thật này vì đã đến lúc không thể nào tránh né. Cần lưu ý những lời cảnh báo hết sức sáng suốt của V.I.Lênin: "Những mâu thuẫn nhỏ và những bất đồng nhỏ thường gây ra những mâu thuẫn và bất đồng lớn, khi mà người ta cứ khư khư giữ cái sai lầm nhỏ và cứ ra sức không chịu sửa chữa nó; hoặc khi những người phạm sai lầm lớn cứ chĩa mũi nhọn vào sai lầm nhỏ của một người hoặc một số người khác. Những sự bất đồng và chia rẽ thường bao giờ cũng phát triển như vậy" (Lênin, Toàn tập, tập 42, tr.289). Lênin còn nói: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ "nếu" này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ" (tập 42, tr.311).
Cần thống nhất khẳng định: Sự thiếu nhất trí trong Ðảng ta hiện nay chủ yếu là trên mặt nhận thức. Là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn, trước hết là mấy vấn đề then chốt sau đây:
- Sau thảm họa sụp đổ ở Liên Xô, Ðông Âu, chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? Hoặc: hãy thôi nói chủ nghĩa xã hội, thôi nói chủ nghĩa Mác - Lênin, mà cứ làm sao cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là được rồi?
- Bản chất Ðảng có gì thay đổi? Có nên giữ như lâu nay: "Ðảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc" hay nên thay bằng công thức mới: "Ðảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc".
- Về đảng viên có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Ðảng hay không?
Rất tiếc mấy tháng vừa rồi tại Ðại hội Ðảng các cấp từ cơ sở đến tỉnh, thành phố, đến đại hội Ðảng các cơ quan Trung ương, các vấn đề rất ít được đặt ra để thảo luận, tranh luận. Tôi cho đó là một hạn chế lớn không đáng có. Ngoài việc sau này vẫn phải hướng dẫn thảo luận, tranh luận trong các tổ chức Ðảng để quán triệt nghị quyết, tôi đề nghị Trung ương cho ra một tờ nội san, lưu hành có hạn chế trong Ðảng, có thể đặt tên là "Tranh luận" để đăng những bài có quan điểm khác nhau mà không thể đăng công khai. Ðể bảo đảm chặt chẽ, có thể quy định trong tôn chỉ mục đích nội san là tất cả bài vở đều không được chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị và đường lối cơ bản của Ðảng, mặc dù có thể cho phép có những phê phán riêng rẽ về những luận điểm cụ thể này hay khác, chủ trương cụ thể này hay khác, không phải là đường lối và nguyên lý cơ bản. Việc ra nội san Tranh luận đã đến lúc chín muồi vì những quan điểm khác nhau trong Ðảng nay đã bộc lộ công khai hay nửa công khai bằng phát ngôn và phát tán tài liệu rất có hại vì nó làm phân tâm, phân tán tư tưởng nghiêm trọng trong Ðảng và trong xã hội.
II - Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn
Sau thảm họa sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu, một số đồng chí đâm hoang mang, dao động, nhiều đồng chí suy giảm niềm tin lý tưởng, một số quay ngoắt quan điểm, cá biệt có đồng chí thậm chí tuyên bố "chia tay ý thức hệ", sám hối, trở cờ. Phải thấy suy giảm niềm tin XHCN là vấn đề lớn nhất phải giải quyết trong đời sống tư tưởng của Ðảng hiện nay.
Một số cán bộ, thậm chí trung cao cấp, xem ra có gì mặc cảm, ngượng ngùng khi phải nói đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin. Hình như họ sợ mang tiếng giáo điều, bảo thủ, không đổi mới, có lẽ theo họ đổi mới là phải từ bỏ CNXH, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin! Khi không thể không nói chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin, họ nói, nhưng thực ra trong bụng không tin. Có người, do trình độ nhận thức hạn chế đi đến cho rằng thôi khỏi nói chủ nghĩa hay lý tưởng trừu tượng, xa xôi, cứ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là được. Cũng có người không phải do trình độ thấp, thật ra họ dùng lập luận đó để lảng tránh vấn đề, để ngụy biện... Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội X nhận định "Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH vẫn chưa được khắc phục". Nên thêm "thậm chí còn có chiều hướng tăng thêm".
Vậy là, phải đặt thẳng vấn đề: Ðảng ta, đất nước ta có đi con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Không vòng vo, lấp lửng, tránh né, mà phải trả lời dứt khoát, rõ ràng. Ðừng như ai đó trả lời theo kiểu "Có nhưng là xã hội chủ nghĩa đổi mới". Ðổi mới, đương nhiên rồi, nhưng không nên chơi trò ngụy biện, đánh tráo khái niệm.
Tất nhiên, trả lời có hay không, phải có lập luận rõ ràng và rốt cuộc vấn đề không phải chỉ ở chỗ nói mà làm, là hành động thực tế. Anh nói "định hướng xã hội chủ nghĩa" nhưng trong thực tế phủ nhận hoặc coi nhẹ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước thì lời nói của anh là giả dối, vô giá trị, là nói một đằng làm một nẻo, không ít người hay dùng thủ thuật này. Anh nói Nhà nước chủ đạo chứ không phải kinh tế Nhà nước chủ đạo. Nói thế thật ra là nói để mà nói, bởi không có thực lực kinh tế làm chỗ dựa thì Nhà nước lấy gì để chủ đạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hay cứ buông tất cả nền kinh tế cho "bàn tay vô hình" của lực lượng thị trường, thì ta khác gì tư bản, khác gì chủ nghĩa tự do mới? Cần nhắc lại "Quan điểm chỉ đạo" trong Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX tháng 9 năm 2001 và đề nghị nghiêm túc xem lại trên từng điểm, từng điểm ta đã làm gì cho kinh tế nhà nước? làm đến đâu? làm hết mức chưa? kết quả ra sao? hay làm thì ít mà chê bai, phê phán thì nhiều? hiện trạng kinh tế nhà nước so với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 3 như thế nào? kết luận rút ra: Nghị quyết sai hay ta không thực hiện, hoặc thực hiện nửa vời, thiếu tin tưởng, thiếu quyết tâm? Thái độ đối với nghị quyết Ðảng phải minh bạch, có nguyên tắc, không thể tùy tiện, tự do chủ nghĩa.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX viết:
"Kinh tế nhà nước có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Doanh nghiệp nhà nước... phải không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế". Tôi thấy giữa Nghị quyết rất đúng, rất hay như vậy với việc làm của chúng ta, với cả suy nghĩ của một số đồng chí xem ra xa nhau quá chừng, thậm chí dường như nói để mà nói hoặc tệ hơn: Nghị quyết một đằng làm một nẻo, ngược hẳn, đến mức có đồng chí nói kinh tế tư nhân là động lực, là nền tảng của nền kinh tế, của hội nhập thế giới.
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng đang lắm vấn đề mà nguyên nhân làm chậm có thể có nhiều, phải chăng chỉ do mấy tay giám đốc ngoan cố sợ mất ghế và mất đặc quyền đặc lợi? Ðiều đáng ngại nhất là nếu ta chịu sức ép ngày càng tăng phải tư nhân hóa của IMF, WB và các nhà tài trợ quốc tế họp hằng năm, thậm chí hằng tháng, chịu sức ép phải làm nhanh để vào WTO, rồi cổ phần hóa thiếu tính toán kỹ, như thế chẳng bao lâu nữa tư nhân hóa hết, vậy là không làm đúng Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX: "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không được biến thành tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước".
Vấn đề kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn là đại vấn đề, cực kỳ hóc búa, còn phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ, đừng tưởng mấy cuộc hội thảo trước đây thế là xong. Tôi nghĩ rằng khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XHCN" là một bước tiến của Đảng ta trong quá trình tìm tòi, đổi mới lý luận, nhưng chưa nên vội coi đây là "mô hình kinh tế tổng quát", khi nó đang là một phác thảo, một thử nghiệm, chưa được định hình trong cuộc sống thực tế và có sự vận động một cách tất nhiên, tự nhiên. Nền kinh tế thị trường nước ta đang rất sơ khai, còn ngổn ngang, bề bộn, đầy những rủi ro, bất trắc.
Thật ra, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là công thức rút gọn từ công thức đầy đủ được ghi trong Cương lĩnh 1991 như sau: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước". Phải chăng công thức rút gọn không muốn dùng khái niệm "nhiều thành phần" và muốn tránh cách diễn đạt "vận hành theo cơ chế thị trường", vì cho rằng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã là thuộc tính vốn có trong tự thân kinh tế, còn gọi là "cơ chế thị trường" thì dường như nó là nhân tố chủ quan từ nhà nước đưa vào, muốn vận dụng hay không vận dụng cũng được. Tôi cho rằng công thức cũ tuy dài một chút nhưng chặt chẽ hơn, đầy đủ ý nghĩa hơn; công thức mới dùng cũng được, nhưng phải hiểu đúng và cần thấy nó còn ẩn chứa những điều chưa rõ. Đúng là có vấn đề ở chỗ khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XHCN" phải chăng tự thân nó đã hàm nghĩa sự thống nhất hữu cơ, bên trong giữa định hướng XHCN với kinh tế thị trường, sự thống nhất tự nhiên giữa tính chất XHCN và thuộc tính thị trường, chứ không phải như hai mảnh ghép vào nhau? Đó là then chốt, cốt lõi của vấn đề, tranh luận đã nhiều nhưng xem ra, trong sâu xa, vẫn chưa thật nhất trí, đề nghị nghiên cứu tiếp để vấn đề được triệt để sáng tỏ. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi gần đây với khái niệm "xã hội hóa", xuất hiện khuynh hướng tư nhân hóa tràn lan, thương mại hóa, thị trường hóa nhiều sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, truyền thông, v.v... Nên chú ý rằng ngay một số đảng xã hội dân chủ cũng chỉ nói: kinh tế thị trường - đồng ý! Nhưng xã hội thị trường - không!
Là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng không nhất thiết bao giờ và trong văn cảnh nào cũng phải nói định hướng XHCN; có điều rất nhiều người, chẳng hiểu dụng ý hay vô tình, đã cắt béng cái cụm từ bổ ngữ "định hướng XHCN", mà luôn luôn, ngay cả những khi không thể thiếu nó, chỉ cứ "kinh tế thị trường", "kinh tế thị trường". Điều này phải chăng khách quan nói lên rằng kinh tế thị trường tự nó không cần bổ ngữ hay tính từ và đối với một số người thì thực sự họ chẳng cần định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy, đây vẫn là một trong những vấn đề lý luận mấu chốt và hóc búa nhất, chưa được làm sáng tỏ đầy đủ và triệt để, rất cần được tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, đến nơi.
Tính phức tạp của vấn đề càng tăng thêm khi đặt nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mà có đồng chí hình dung sai rằng sẽ tiến đến một thị trường thế giới thống nhất, nhất thể hóa, cả trong các thể chế, cả trong tổ chức vận hành, trong đó những nền kinh tế thị trường hiện đại và hiện đại nhất ở những nước phát triển cao giữ vai trò là kiểu mẫu, là động lực, là đầu tàu. Hội nhập như thế thực ra là hòa tan, còn đâu nền kinh tế độc lập tự chủ, nói gì đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, còn đâu chủ quyền quốc gia dân tộc, nói gì đến con đường XHCN đã lựa chọn. Đó là hệ quả lôgic của một quan điểm lý luận đơn giản, trừu tượng, không thấy tính hai mặt vừa tích cực vừa tiêu cực của toàn cầu hóa; không thấy toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới là những quá trình đầy mâu thuẫn phức tạp, ngày càng phức tạp và không chỉ trên mặt kinh tế.
Đảng ta, đất nước ta còn tiếp tục con đường XHCN nữa hay không trước hết phải giải quyết sự chưa nhất trí ở những vấn đề nêu trên. Kết thúc phần này chỉ xin nói thêm về định nghĩa tính chất thời đại. Có đồng chí cho rằng định nghĩa "thời đại chúng ta là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917", đã lỗi thời, không đúng nữa, không dùng được nữa. Tôi cho rằng quan điểm như thế là một bước lùi về lập trường cơ bản, xuất phát. Bởi nếu như vậy thì sự nghiệp cách mạng, con đường XHCN mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn không còn cơ sở quy luật lịch sử nữa, vậy ta đi con đường nào đây? Đương nhiên, nếu chỉ khẳng định con đường dài thời đại thì chưa đủ, còn phải tính đến những đặc điểm cụ thể của thế giới trong từng giai đoạn để có những bước đi thực tế.
III - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng
Vấn đề đặt ra là có nên giữ như Điều lệ hiện hành quy định: "Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc", hay nên sửa đổi lại như Dự thảo Điều lệ mới: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc".
Tôi cho rằng công thức sửa đổi ấy có ba nhược điểm:
Một là, hiểu khái niệm "đội tiên phong" chung chung, chưa trúng vào điểm cốt lõi.
Hai là, do đó khiến bản chất (tính chất) giai cấp của Đảng bị nhạt nhòa, bị loãng đi, dễ khiến người ta hiểu ra rằng Đảng ta là Đảng của nhiều giai cấp. Đảng toàn dân, điều mà xưa nay chưa bao giờ và chưa ở đâu có Đảng chính trị như vậy.
Ba là, sẽ gặp lúng túng khi giải thích thế nào là "đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc".
Mấu chốt vấn đề, theo tôi, là ở chỗ phải hiểu đúng khái niệm "đội tiên phong". "Đội tiên phong" là xét về lý luận, đường lối chính trị, hệ tư tưởng. Theo Lê-nin: "Chỉ đảng nào có lý luận tiền phong mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong". Nói Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân là căn cứ trên các tiêu chí đó. Đảng ta sở dĩ được nhân dân lao động và cả dân tộc nhận là Đảng của chính mình và một lòng theo Đảng vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong về lý luận, đường lối chính trị, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - một giai cấp cách mạng nhất, lợi ích của giai cấp này phù hợp hoàn toàn với lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích cả dân tộc; nó là giai cấp không thể giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng toàn xã hội. Tính triệt để cách mạng ấy có được là do điều kiện tồn tại và vị trí khách quan của giai cấp công nhân trong phương thức sản xuất xã hội quy định. Thử hỏi ở nước ta có giai cấp nào khác có được tính cách mạng triệt để như vậy để đóng vai trò tiền phong, có lý luận cách mạng tiền phong, chính trị tiền phong, hệ tư tưởng tiền phong? Thử hỏi ngoài giai cấp công nhân, còn có giai cấp nào khác trong nhân dân lao động, trong dân tộc có đội tiên phong cách mạng của mình? Chẳng lẽ có hai "đội tiên phong"? Hoặc chẳng lẽ Đảng ta có hai bản chất, hay hai tầng bản chất, một của giai cấp công nhân, một của nhân dân lao động và cả dân tộc. Nhưng nếu vấn đề lại chỉ là và chính là đội tiên phong của giai cấp công nhân, như vậy thì hà tất phải thêm vế "đồng thời...", cái vế này chỉ làm rối thêm nhận thức, làm nhạt đi bản chất giai cấp công nhân của Đảng, dễ dẫn đến cách hiểu sai lầm Đảng ta là Đảng của nhiều giai cấp, Đảng toàn dân!
Có lập luận cho rằng đặc điểm cách mạng nước ta là Đảng ta ra đời từ phong trào công nhân và phong trào yêu nước, sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta đã là người lãnh đạo của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, vì vậy, phải bổ sung điều khoản trong Điều lệ về tính chất Đảng sao cho vừa có tính giai cấp vừa có tính dân tộc để phản ánh đầy đủ "bản chất vốn có của Đảng từ ngày thành lập đến nay" (trang 4-5 Báo cáo dự thảo Điều lệ Đảng). Vậy hãy đặt lại vấn đề: Thử hỏi suốt 75 năm qua định nghĩa về tính chất Đảng trong Điều lệ hiện hành có gì gây hại mà nay phải sửa đổi?
Nhân bàn về bản chất giai cấp của Đảng, xin được nói rộng ra một chút về vấn đề lập trường, quan điểm giai cấp nói chung. Trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có hiện tượng thiếu vững vàng về lập trường, quan điểm giai cấp. Trước đây có lúc chúng ta phạm sai lầm "tả" khuynh, quá nhấn về giai cấp, về đấu tranh giai cấp và đã phải trả giá đắt. Ngày nay, không ít đồng chí lại phạm sai lầm chuyển từ cực nọ sang cực kia, đến chỗ xem nhẹ vấn đề giai cấp, đi đến phủ nhận ngay cả sự tồn tại của các giai cấp, của đấu tranh giai cấp. Có lập luận rằng xã hội ta hiện nay không còn giai cấp, chỉ còn các tầng lớp và nhóm xã hội; rằng không còn cơ sở để phân chia các thành phần kinh tế bởi tất cả đều đã hỗn hợp, đan xen, do đó cơ sở kinh tế để phân định giai cấp cũng không còn.
Xét về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô, tôi cho rằng đó là sự xa rời, từ bỏ lập trường quan điểm mác-xít về giai cấp trong đường lối cải tổ, là sự thay thế vào đó bằng cái gọi là "tư duy chính trị mới", thực chất là hệ tư tưởng tư sản, là đường lối thỏa hiệp, đầu hàng chủ nghĩa đế quốc, giúp chúng không đánh mà thắng. Đảng ta không thể không đặc biệt chú ý suy ngẫm từ bài học chết người đó. Đảng ta đã và đang cố gắng giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc. Yếu tố dân tộc là một sức mạnh kỳ diệu trong truyền thống lịch sử và trong cách mạng nước ta, nếu coi nhẹ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng. Nhưng có quan điểm cho rằng ở ta giữa giai cấp và dân tộc thì phải coi trọng lập trường dân tộc hơn; quan điểm đó ít nhất là phiến diện. Chỉ trên lập trường giai cấp công nhân, quan điểm và phương pháp phân tích giai cấp thật sự mác-xít Lê-nin nít chứ không giản đơn, thô thiển, cảm tính mới có thể nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, mới hiểu đầy đủ lợi ích dân tộc, sức mạnh dân tộc, mới phát huy được tối đa và đúng hướng sức mạnh dân tộc.
Có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin chú trọng giai cấp, tư tưởng Hồ Chí Minh chú trọng dân tộc. Ý kiến này cũng không đúng. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đâu chỉ biết có giai cấp mà nó là học thuyết cách mạng giải phóng toàn thể những người lao động, giải phóng cả dân tộc, cả xã hội, cả loài người. Và nếu không có chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì đã không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Hồ Chí Minh sở dĩ trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh là nhờ chủ nghĩa yêu nước cao độ ở Hồ Chí Minh bắt gặp học thuyết cách mạng và khoa học nhất của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã nâng chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới về chất. Nhờ đó Hồ Chí Minh vượt qua được những hạn chế ở các chí sĩ yêu nước đương thời như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, mở ra con đường mới và giành thắng lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Cho nên, nếu đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách tách rời, hạ thấp, thậm chí đối lập lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin là - về khách quan - hạ thấp chính Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải thấy đầy đủ Hồ Chí Minh vừa là nhà mác-xít Lê-nin nít vĩ đại, người cộng sản vĩ đại, vừa là nhà yêu nước vĩ đại, không những tuyệt đối trung thành với lý tưởng yêu nước và cách mạng mà còn rất sáng tạo, đặc biệt trong việc giải quyết một vấn đề lý luận và chính trị hết sức cơ bản và phức tạp của cách mạng là mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, Người đã góp phần to lớn phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đặc biệt về lý luận cách mạng thuộc địa.
IV - Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên
Để mở đường đưa tư bản tư nhân vào Đảng, hay để cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, một con đường ngoắt ngoéo đã đi qua. Bắt đầu là "xóa", không còn nói đến thành phần kinh tế tư bản tư nhân (Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX) đưa nó hòa tan chung với kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ trong cùng khái niệm "kinh tế tư nhân". Có điều, chỉ "xóa" được nó trên văn bản chứ làm sao xóa được thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong hiện thực thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
Nay Văn kiện Dự thảo mới lại trở về với nhiều thành phần kinh tế nhưng cách trình bày còn rất dè dặt và về thực chất vẫn chưa thoát hẳn sự đánh đồng, trái với nguyên tắc giai cấp, kinh tế tư bản tư nhân với tiểu chủ và với kinh tế cá thể trong khái niệm "kinh tế tư nhân". Liên quan vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, dự thảo mới vẫn tránh nói kinh tế tư bản tư nhân mà đưa lẫn vào trong một biến báo mới: "Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô". Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là có thể làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân hết cỡ, có thể bóc lột hết cỡ mà (với những điều kiện nhất định?) có thể được làm đảng viên, như vậy có trái sờ sờ với "lẽ tự nhiên" như Bác Hồ nói không? Nhưng tại sao một chính sách mới của Đảng quan trọng như thế mà lại không nói thẳng thắn, đàng hoàng, minh bạch, thậm chí không gọi sự vật đúng tên của nó? Chỉ riêng điều đó đã là một điểm yếu căn bản của "quan điểm mới". Cần nhận thức rằng: Những điều khoản ghi trong Điều lệ Đảng - giống như các điều luật - phải rất rõ ràng, chặt chẽ, xác định, chứ không thể nói một cách mơ hồ, chung chung. Đề nghị ban soạn thảo văn kiện xem kỹ lại cả mục 2 và mục 3 trong Dự thảo Điều lệ Đảng trình bày tính chất Đảng và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân có nhiều lý lẽ chưa rõ, cả trên quan điểm lý luận.
Có người nói: "Không thể vì lý luận chưa rõ mà cản trở thực tiễn". Đặt vấn đề như vậy sẽ dẫn đến quyết định phiêu lưu. Đảng ta, một Đảng cách mạng tự giác không thể ra quyết sách theo kiểu đó.
Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, với những lý lẽ như sau:
Nói về tiêu chuẩn đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng phải thật trong sạch, mạnh mẽ. Vì vậy đảng viên cũng phải thật trong sạch, mạnh mẽ tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây:
- Không bóc lột người. Đảng chống chế độ "người bóc lột người". Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên".
........
........
(Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 7, tr.237).
Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và như thế là rõ. Đảng Cộng sản mà lại cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, kết nạp vào hàng ngũ của mình cả chủ tư bản thì thật trái với "lẽ tự nhiên". Đã là "lẽ tự nhiên" nên đáng ra không phải bàn luận, tranh luận nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị trong Điều lệ mới, bỏ mấy chữ "có lao động, không bóc lột" trong điểm 1 điều 1 chương Đảng viên. Còn điểm 2 điều 2 viết như sau: "2- Công dân Việt Nam là người lao động (trí óc và chân tay) từ 18 tuổi trở lên... đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng".
Đảng là tổ chức chính trị. Đảng viên là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Vấn đề đảng viên là vấn đề chính trị, vấn đề giai cấp chứ không phải vấn đề kinh tế, vấn đề lực lượng sản xuất. Để huy động mọi tiềm năng phát triển sản xuất và lực lượng sản xuất, điều cốt yếu là Đảng và Nhà nước phải có chính sách cơ chế thông thoáng, thích hợp; không phải cứ kết nạp một số nhà tư bản vào Đảng là giải quyết được vấn đề. Không thể từ thuyết duy lực lượng sản xuất để giải quyết vấn đề kết nạp đảng viên. Không nên giáo điều sao chép bên ngoài. Vấn đề đảng viên chính là vấn đề Đảng; phải xuất phát từ Đảng chứ không phải từ lực lượng sản xuất để nói về đảng viên; nói về đảng viên tức nói về Đảng. Không thể lược quy Đảng về lực lượng sản xuất, bởi từ lực lượng sản xuất, đến quan hệ sản xuất, từ quan hệ sản xuất đến giai cấp, từ giai cấp rồi mới đến đảng. Đảng là chính đảng, là đội tiên phong chính trị của giai cấp. Một người đảng viên, nhất là trong cách mạng XHCN, vì vậy, không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Người đảng viên cũng là công dân nhưng không phải mọi điều công dân được làm thì đảng viên cũng được làm bởi đối với đảng viên, ngoài pháp luật còn phải tuân theo Điều lệ Đảng; nếu anh cho như vậy là đảng viên không bằng công dân, là mất quyền tự do công dân, thì nào có ai bắt buộc anh vào Đảng!
Ngay điều này cũng cần nhận rõ: đảng viên phải là người lao động nhưng không phải bất kỳ người công nhân, lao động nào cũng có thể là đảng viên! Chưa nói cá nhân từng người công nhân, đến cả bản thân phong trào công nhân nếu tự phát thì nhiều lắm cũng chỉ vươn tới chủ nghĩa công đoàn mà chủ nghĩa công đoàn, theo Lê-nin, vẫn chưa ra khỏi khuôn khổ hệ tư tưởng tư sản.
Với người lao động, không bóc lột đã như vậy, thì đối với ông chủ tư bản làm sao có thể dễ dàng trở thành người cộng sản? Thật không có gì sai bằng lập luận thế này: Ta đang ở thời kỳ quá độ, vậy trong thành phần xã hội của đảng viên cũng có sự quá độ. Nói thế khác gì quan điểm cho rằng kinh tế nhiều thành phần thì chính trị tất yếu phải đa đảng và tư tưởng trong Đảng tất yếu cũng phải đa nguyên. Cũng không đúng ý kiến cho rằng thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ Đảng đã từng kết nạp cả một số địa chủ, tư sản thì tại sao bây giờ lại không thể kết nạp một số tư bản tư nhân, rằng cách mạng có giai đoạn, nguyên tắc cũng thay đổi theo giai đoạn! Ở đây cần lưu ý một thực tế quan trọng: ranh giới giác ngộ thời cách mạng dân tộc dân chủ, thời kháng chiến rất rạch ròi và rất dễ rạch ròi: một đại điền chủ, một nhà tư sản có thể từ bỏ giai cấp mình, vứt bỏ một cách dứt khoát, nhẹ nhàng và còn đầy tự hào nữa, cả cơ ngơi tài sản, điền sản của mình để đi theo kháng chiến, rồi được cách mạng giáo dục và rèn luyện trong quá trình đấu tranh gian khổ, khốc liệt, dần trở thành chiến sĩ cộng sản. Còn trong cách mạng XHCN ngày nay thì sao? Một là, những điều kiện khốc liệt như thế để tôi luyện con người đã không còn. Hai là, trong điều kiện hòa bình xây dựng thông qua kinh tế thị trường, khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận (và lợi nhuận tối đa!) làm mục tiêu, ngày đêm phải vắt óc suy nghĩ và xoay xở đủ cách (chính đáng và không chính đáng, hợp pháp và phi pháp) để đạt kỳ được mục tiêu đó (nếu không thì ông ta không là nhà tư bản), làm sao một người như thế đồng thời đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng, làm tròn nhiệm vụ một đảng viên, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân? Động cơ vào Đảng của họ làm sao có thể trong sáng được, làm sao họ có thể tự nguyện rời bỏ giai cấp mình để hy sinh tất cả cho lý tưởng cộng sản, một chế độ không có người bóc lột người. Trái lại, họ vào Đảng cốt tìm kiếm chỗ dựa quyền lực để dễ bề làm ăn, kinh doanh. Ta biết rằng thời nay quyền lực và tiền bạc, tiền bạc và quyền lực thường dễ móc nối với nhau ranh ma quỷ quái thế nào. Và thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng XHCN! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?
Đặt vấn đề có tính nguyên tắc: "Những người cộng sản khác những người vô sản khác ở chỗ nào?", C.Mác và Ph.Ắng-ghen trả lời: "Trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào" (Mác và Ắng-ghen, Toàn tập, tập 4, tr.614). So với người vô sản, người công nhân bình thường, tố chất người cộng sản đã phải cao hơn hẳn như vậy bởi đây là tố chất người công nhân giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của toàn bộ giai cấp, về lợi ích của toàn bộ phong trào, họ là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Nếu không nhận thức đến nơi như vậy, nếu hạ tiêu chuẩn đòi hỏi ở người cộng sản xuống đến mức người lao động tốt bình thường đã không đúng thì càng không thể chấp nhận sự hạ thấp tiêu chuẩn người đảng viên cộng sản xuống đến mức người tư sản chỉ có tốt bình thường. Người tư sản tốt, chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước, ra sức làm giàu một cách chân chính cho mình và cho đất nước là rất quý đối với đất nước và xã hội ta hiện nay. Đảng và nhà nước có chính sách khuyến khích điều đó. Xã hội tôn vinh những người đó. Nhưng chỉ như vậy đâu phải người đó đã đạt tiêu chuẩn đảng viên cộng sản.
Tóm lại, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đảng viên theo "lẽ tự nhiên" đơn giản và chí lý như Bác Hồ chỉ ra là một trong những điều kiện cơ bản và tiên quyết để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
V - Về độc lập tự chủ và sáng tạo trong lý luận
Đảng ta vốn có truyền thống độc lập tự chủ và sáng tạo trong đường lối - độc lập tự chủ và sáng tạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó mới có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mới đứng vững trước những sóng gió quốc tế, mới có những thành quả đổi mới 20 năm nay... Trong lịch sử, Đảng ta cũng có thời kỳ thiếu độc lập tự chủ, thiếu sáng tạo, sa vào chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn, gây tổn thất lớn. Những khuyết điểm đó đã được Đảng ta tự phê bình nghiêm khắc và đã rút ra những bài học thấm thía, nhất là ở Đại hội VI.
Giai đoạn hiện nay, tình hình càng đòi hỏi Đảng ta nâng cao hơn nữa tính độc lập tự chủ và sáng tạo trong lý luận và đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là vì: một là, thế giới diễn biến ngày càng muôn vẻ, phức tạp, khôn lường; hai là, sự nghiệp đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhiều mâu thuẫn mới xuất hiện. Ba là, phong trào cộng sản quốc tế hiện nay không có hình thức tổ chức, phối hợp đấu tranh chung; tuy vẫn coi trọng học tập kinh nghiệm của nhau, nhưng mỗi Đảng hoàn toàn độc lập tự chủ trong quyết định đường lối cách mạng mỗi nước. Những tình hình đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực tự chủ, sáng tạo trong xây dựng và phát triển đường lối trên cơ sở một hệ thống quan điểm có căn cứ khoa học vững chắc và phù hợp tình hình đặc điểm mỗi nước.
Vậy, để đẩy tới tư duy lý luận, làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì phải làm gì và làm thế nào đây? Tôi nghĩ phải tổng kết thực tiễn một cách thật sâu sắc, quy mô, cơ bản và có hệ thống con đường đất nước đã đi từ sau 1975 (chứ không chỉ 20 năm đổi mới), thậm chí chừng nào đó có thể phải ngoái lại 20 năm (1955 - 1975) xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Phải nghiên cứu kỹ những bài học 75 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và những bài học của sự "sụp đổ". Phải nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc, những kinh nghiệm của Cu-ba và các nước khác. Phải nghiên cứu rất kỹ các quá trình, xu thế lớn và triển vọng phát triển thế giới ngày nay. Cần nhận thức lại thật sâu sắc, chính xác trong tinh thần gắn chặt với thực tiễn - lịch sử, những giá trị kinh điển Mác - Lê-nin, đồng thời cần tổng kết có phê phán quá trình lịch sử nhận thức trước đây về những di sản đó. Vậy là đòi hỏi bao công trình và nỗ lực trí tuệ lớn, vô cùng phức tạp, công phu. Trên cơ sở những thành quả tổng kết đó, vạch ra những đặc điểm và điều kiện nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những quy luật hay tính quy luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; những phương hướng cơ bản trên con đường tiến lên; những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, v.v...
Ở đây, tôi muốn nêu ra một băn khoăn, trăn trở mà tôi hằng ấp ủ lâu nay, xin mạnh dạn nói ra để mọi người cho ý kiến và cùng nhau trao đổi, cùng nhau suy nghĩ.
Điều tôi băn khoăn, trăn trở ở chỗ: tư duy lý luận của chúng ta về chủ nghĩa xã hội lâu nay đã thật sự độc lập tự chủ hay chưa? đã thật sự sáng tạo trên mảnh đất Việt Nam hay chưa? Trung Quốc nói "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc". Vậy Việt Nam đã thật sự có một lý luận và đường lối của mình tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ hay chưa?
Trước hết trong lĩnh vực tư duy kinh tế, phải chăng về cơ bản và đại thể chúng ta vẫn suy nghĩ trong cái khung lý luận của Đảng bạn. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, cả đến không ít khái niệm chính trị và về Đảng nữa, chẳng hạn vấn đề Đảng của ai, ai là đảng viên, rõ ràng cũng có tình hình đó. Đành rằng, Đảng bạn rất giàu kinh nghiệm (thành công, không thành công, chưa thành công) chúng ta có thể và cần chăm chú tham khảo, học hỏi, nhưng cũng phải thấy mỗi nước có "đặc sắc" riêng.
Đương nhiên, vấn đề không phải ở sự trùng hợp hình thức trên các khái niệm sự trùng hợp ấy tự nó không có lỗi. Vấn đề là ở thực chất, nội dung của các khái niệm có phù hợp hay không, phù hợp đến mức nào với khoa học, với tình hình hoàn cảnh, vị trí và điều kiện thực tế mỗi nước. Đó là chưa nói đường lối Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam, còn Đảng bạn nói có chỗ giống, có chỗ khác ta.
Cho nên, thật sự tôi có những băn khoăn, trăn trở về cái khung các khái niệm lý luận, cho đến nay tư duy chúng ta về đại thể vẫn vận động trong đó, đã thể hiện được rõ hay chưa tính độc lập tự chủ và sáng tạo? Thêm nữa, cần chỉ ra rằng bên cạnh đó - và ở mức độ không kém nặng nề - lại còn khuynh hướng giáo điều theo phương Tây. Từ hai khuynh hướng đó gộp lại cho thấy gì? Phải chăng trong khi chủ nghĩa giáo điều cũ thời Xô-viết chưa thanh toán hết, thì chủ nghĩa giáo điều mới đang nổi lên có thể trở thành nguy cơ chính nếu chúng ta không tự vượt được chính mình. Điều nguy hiểm ở chỗ chúng ta chưa nhận thức ra cái nguy cơ chệch hướng đó, một sự chệch hướng căn bản về phương pháp lý luận, hậu quả lớn có thể chưa thấy ngay nhưng với thời gian (chắc không lâu như thời giáo điều cũ) thực tiễn sẽ cho thấy rõ.
Vậy thì có thể đề xuất điều gì mới để thoát khỏi tư duy sao chép, rập khuôn? Tôi nghĩ Đảng ta, trước hết là giới lý luận nên đặc biệt quan tâm vấn đề này. Mô hình tổng quát về CNXH và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam nói chung, căn bản đã được vạch ra ở Cương lĩnh của Đảng năm 1991. Riêng về mô hình tổng quát nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay của thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xin thử nêu một phương án như sau để chúng ta cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận:
"Đó là nền kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo, một nền kinh tế thị trường có kế hoạch, có sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức thích hợp, đồng thời thông qua chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ra sức tranh thủ những thành quả của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân".
Mô hình được phác họa như trên còn thô sơ, nhưng điều chủ yếu tôi muốn nêu ra ở đây là thử tìm xem những yếu tố gì có thể là cần thiết và tất yếu phải được tính đến khi xác định mô hình kinh tế tổng quát thay cho "mô hình tổng quát" nói quá gọn hiện nay ("nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"), vì quá gọn nên có thể ẩn chứa những nhược điểm nhất định.
Tháng 1-2006
|