Hễ cán bộ thôn là thuộc ... hộ nghèo
Các Website khác - 23/02/2009

Chỉ cần trong nhà vợ hoặc chồng đảm nhiệm chức danh thôn trưởng hay đơn giản chỉ là cán bộ các hội, đoàn thể... thì gia đình ấy hiển nhiên thuộc diện “hộ nghèo”.

Dù có nhà cửa đàng hoàng như thế này nhưng hộ ông T.V.T. (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn được xếp vào diện hộ nghèo - Ảnh: D.Ngọc

Điển hình cho câu chuyện bi hài này là xã Bình Định Bắc, một vùng quê nghèo phía tây của huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Nằm kế Bình Định Bắc là xã Bình Trị, nơi đây cũng xảy ra chuyện mập mờ xung quanh việc bình chọn hộ nghèo.

Đưa vào diện hộ nghèo để... trả công

Những cánh đồng lúa của xã Bình Định Bắc nằm dọc hai bên quốc lộ 14E trông xơ xác đến tội nghiệp. Gần ba năm qua, nơi đây mùa màng mất trắng liên tục, cái nghèo trở thành nỗi ám ảnh của không ít hộ dân. Đã vậy, người dân nghèo nơi đây càng thêm buồn tủi khi nghe thông tin mình đã bị loại khỏi danh sách hộ nghèo, dành chỗ cho những hộ... khá giả hơn mình.

Nhà ở thôn Đồng Dương, nằm ngay trung tâm xã, từ lâu hộ gia đình bà N.T.N. được xếp vào diện ổn định về kinh tế. Tiếp chúng tôi trong căn nhà được xây cất cách đây chừng bốn năm, bà N. vui vẻ nói: “Chị có thảy hai đứa, đứa lớn giờ đang theo học đại học ở Đà Nẵng. Nhờ nhà nằm sát đường nên buôn bán lẹt xẹt cũng tạm sống qua ngày. Chồng chị làm cán bộ xã mỗi tháng thu nhập hơn triệu tiền lương nên kinh tế xem ra tạm ổn”.

Tuy nhà cửa không hoành tráng như ở thị thành nhưng hai căn nhà xây nằm sát nhau dọc quốc lộ 14E của gia đình bà N. là một ước mơ cháy bỏng của nhiều người dân trong xã. Ngoài việc gia đình, đồng áng, bà N. còn đảm trách chức danh cán bộ chi hội phụ nữ tổ 7. Chính nhờ cái “chức” nho nhỏ ấy mà liên tục những năm qua, gia đình bà N. đã được đưa vào danh sách công nhận là “hộ nghèo”.

Cũng tại thôn Đồng Dương, hộ gia đình ông L.C.C. lâu nay được người dân trong thôn kính nể vì đây là gia đình biết làm kinh tế. Hôm chúng tôi đến, cả nhà ông C. đang tất bật với việc trộn hồ (bêtông) đổ trụ, dựng nhà. “Đang mở rộng căn nhà, nhà cũ hơi chật chội” - vợ ông C. vui vẻ nói với khách. Nhìn khu vườn rộng với căn nhà khang trang, bên trong khá đầy đủ tiện nghi, khó có thể nói đây là một gia đình “có hoàn cảnh khó khăn”. Gia đình ông C. hiện nằm trong danh sách “hộ nghèo” của xã bởi vợ ông C. đang làm cán bộ phụ nữ tổ 6, thôn Đồng Dương.

Theo tìm hiểu, trong số danh sách các hộ nghèo ở Đồng Dương, hiện có hàng loạt tên tuổi mà theo người dân địa phương đó là những gia đình có kinh tế khấm khá nhất xã, như các hộ ông L.X.H., T.T.K., T.T.N., T.V.T.... Danh sách ấy cũng đã và đang kéo dài tại các thôn Xuân Thái Tây, Xuân Thái Đông, Bình An, Xuân An của xã Bình Định Bắc. Điều đáng nói là phần lớn chủ hộ trong số này đều đang đảm trách các chức danh cán bộ thôn hoặc các hội, đoàn thể trong địa phương.

Theo lý giải của ông Trương Văn Việt - chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, đây là những cán bộ cấp thôn, tổ... nhưng lâu nay không được Nhà nước hỗ trợ khoản kinh phí nào, do đó địa phương đã “linh động” đưa họ vào danh sách hộ nghèo, coi như một cách... trả công. Theo thống kê, hiện toàn xã Bình Định Bắc có không dưới 100 cán bộ thôn xóm, hội, đoàn thể hoạt động không lương, trợ cấp. Phần lớn trong số đó đều được xã công nhận là “hộ nghèo” để hưởng các trợ cấp khác của xã hội.

Các hộ nghèo ở thôn Vĩnh Đông (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) bức xúc trình bày về việc cán bộ thôn tự ý bình xét hộ nghèo - Ảnh: D.Ngọc

Âm thầm bình chọn “hộ nghèo”

Nằm cạnh xã Bình Định Bắc, hiện nhiều người dân ở xã Bình Trị cũng đang hết sức bất bình khi cho rằng việc xác định hộ nghèo trong xã được thực hiện không công bằng. Tại thôn Vinh Đông (xã Bình Trị) đồng loạt hơn 40 hộ dân đã ký vào đơn khiếu nại tập thể về những khuất tất trong việc bình xét hộ nghèo. “Việc cấp phát tiền hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi” - ông Thành, một hộ dân nghèo ở Bình Trị, bức xúc.

Theo phản ảnh của các hộ dân tại thôn Vinh Đông, mấy năm nay việc xét hộ nghèo ở thôn này không hề được đem ra công khai trước dân mà chỉ do cán bộ thôn tự ý xét rồi đưa vào danh sách. Mãi đến khi câu chuyện tiền “lì xì” tết của Chính phủ vỡ lở thì nhiều hộ dân nghèo trong thôn mới “té ngửa” vì mình không có tên. Trong khi đó danh sách hộ nghèo trong thôn lại có nhiều tên tuổi của những gia đình khấm khá.

Chị Trần Thị Lệ (tổ 7, thôn Vinh Đông) vừa trình bày vừa khóc: “Chồng tôi đi đào vàng về nằm liệt giường mấy năm nay, một mình tôi gồng gánh nuôi chồng bệnh và hai con đang ăn học. Suốt mấy năm qua tôi chỉ mong được xã xác nhận là hộ nghèo để có thẻ bảo hiểm y tế đưa chồng đi chữa bệnh, nhưng năn nỉ mãi mà không được”.

Hiện tại chồng chị là anh Thái Văn Bé vẫn phải nằm điều trị tại nhà, anh mắc phải bệnh “lạ” vốn đã làm chết gần chục thợ đào vàng khác tại xã Bình Trị. Cùng hoàn cảnh như chị Lệ là gia đình chị Đặng Thị Mai: một mình bán rau ở chợ nuôi chồng bệnh và ba con nhỏ nhưng cũng không được công nhận hộ nghèo. “Trong khi nhiều hộ khá giả hơn lại được xét chọn” - chị Mai trình bày giọng đầy bức xúc.

Biện minh cho việc làm đầy tắc trách này, ông Lê Khắc Nga - trưởng thôn Vinh Đông - cho rằng sai sót là do “copy” lại danh sách từ năm trước nên không nắm hết những biến động trong từng hộ. Thêm vào đó khi nhập danh sách thì máy tính bị lỗi, chương trình không chạy được nên các hộ nghèo bị lọt khỏi danh sách. Ông Nga cho biết thêm: “Lâu nay cứ nghĩ việc lập danh sách hộ nghèo chỉ là để lấy thẻ bảo hiểm y tế. Do đó thôn chỉ tách mấy người già, đau ốm trong các hộ đưa vào danh sách, số còn lại loại ra để giảm tỉ lệ khẩu nghèo của thôn. Ai ngờ rắc rối lại xảy ra... ”.

Chính sự mập mờ trong việc xét chọn hộ nghèo tại một số địa phương ở Quảng Nam cũng như câu chuyện “hễ làm cán bộ thôn, xóm...  thì hiển nhiên là hộ nghèo” đã khiến dư luận hết sức bất bình.

Ông Lê Văn Lai (nguyên bí thư huyện Thăng Bình, chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam):

Cấp cơ sở tự ý làm sai

Tôi nhìn nhận đây là sự việc có thật ở Thăng Bình. Khi xảy ra những chuyện lùm xùm trong cấp phát tiền hỗ trợ Tết Kỷ Sửu vừa qua, tôi đã phát hiện tình trạng này. Hôm mồng 5 tết tôi đã báo cáo chủ tịch UBND tỉnh. Việc đưa những đối tượng cán bộ, người thân của cán bộ xã vào trong diện nghèo là việc làm sai trái có tính hệ thống của không ít xã, thôn, xóm. Đây là sự việc cấp cơ sở tự ý làm sai, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch chứ hoàn toàn không phải là chủ trương của cấp chính quyền nào.

Chuyện cán bộ chính quyền, hội đoàn, thôn xóm không có phụ cấp, đời sống còn khó khăn là chuyện khác, Nhà nước sẽ có tính toán, giải quyết. Không được đưa họ vào diện nghèo như một đặc ân, hưởng các chính sách của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Việc này xảy ra ở nhiều địa phương của tỉnh, hiện các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể đang kiểm tra, thống kê. Hướng xử lý sắp đến là kiên quyết đưa những người không đúng đối tượng ra khỏi diện nghèo. Tổ chức, cá nhân nào làm sai phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước pháp luật.

V.Hùng ghi

Theo Tuoi Tre Online