![]() |
Hàng triệu học sinh ngóng chờ phương án phân ban. Ảnh: Anh Tuấn |
Sau hơn 3 giờ thảo luận, sáng nay, Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận, đồng ý về nguyên tắc với phương án của Bộ GD&ĐT phân thành 3 ban là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và cơ sở. Theo ngành giáo dục, từ năm 2009, sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển, việc tổ chức phân hóa dạy học cần được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến 2015) vẫn dạy theo phương thức phân ban đã điều chỉnh như vốn có. Giai đoạn 2 là phân hóa bằng phương thức học sinh tự chọn để đáp ứng khả năng đa dạng của học sinh và phù hợp với xu hướng của thế giới.
Tờ trình của Bộ GD&ĐT sáng nay đưa ra 2 phương án điều chỉnh phân ban THPT. Phương án thứ nhất, phân ban kể từ lớp 10, thành 2 ban: Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong đó, bổ sung môn Ngoại ngữ thành môn học nâng cao của chương trình khoa học xã hội. Như vậy, ban khoa học tự nhiên sẽ có 4 môn học nội dung nâng cao là Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học. Ban Khoa học xã hội gồm 4 môn nâng cao: Văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Các môn nâng cao sẽ tăng 20% thời lượng học tập, giảng dạy so với các môn học chuẩn.
Phương án thứ hai, sẽ chia thành 3 ban từ gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (với các môn nâng cao như ở phương án thứ nhất). Ngoài ra sẽ có thêm ban cơ sở dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, phương án 2 mềm dẻo và linh hoạt hơn phương án 1 vì tạo thêm cơ hội lựa chọn cho học sinh và nhà trường có thể chủ động quyết định các ban trong trường.
Kết hợp thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ
|
Trong tờ trình sáng 9/1 tại Hội đồng Quốc gia Giáo dục, từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đề xuất chỉ tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Kỳ thi này gồm 5 môn, với 2 môn chung là Văn và Toán, hai môn thuộc chương trình phân ban và môn thứ năm được quyết định hằng năm.
Đề thi của 4 môn đầu tiên gồm 2 phần: phần cơ bản theo chương trình chuẩn và phần nâng cao theo chương trình nâng cao của từng ban. Đề môn thứ 5 theo chương trình chuẩn.
Sau khi nghe các ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia thảo luận, căn cứ theo tình hình thực tế, Thủ tướng kết luận, nhất trí theo phương án 2, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giáo dục phổ thông phải tuân theo chương trình chuẩn. Hiện nay, ở vùng sâu, phương tiện giáo dục và giáo viên còn thiếu và trình độ không đồng đều. Việc phân ban như trước đây chưa phát huy hết năng lực và sở thích của học sinh.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc ra đề thi phải gắn chặt với chương trình phổ thông và chú trọng đến tính hướng nghiệp. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ chương trình này và có kế hoạch cụ thể.
Chiều nay, Hội đồng quốc gia giáo dục tiếp thảo luận một số nội dung đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020.
Những mốc đáng chú ý của giáo dục phân ban - Năm 1992: Phân ban hẹp với 3 ban là khoa học tự nhiên (ban A), khoa học tự nhiên - kỹ thuật (ban B) và khoa học xã hội (ban C). Việc thí điểm lúc đầu được thực hiện ở 11 tỉnh, thành phố, sau 7 năm đã lan rộng ra 53 tỉnh thành với 216 trường thực hiện. - Năm 1998: Quyết định dừng tuyển sinh lớp 10 chuyên ban. Thủ tướng có chỉ thị số 30 về việc điều chỉnh chủ trương phân ban ở PTTH và đào tạo hai giai đoạn ở đại học. - Tháng 4/2005, sau 2 năm thí điểm bất thành, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh phương án phân ban đang thí điểm. Phương án của Bộ GD&ĐT đã không được thông qua. - Ngày 9/1/2006, Bộ GD&ĐT tiếp tục báo cáo Thủ tướng 2 phương án điều chỉnh phân ban. |
Việt Anh
Ý kiến của bạn▪ Nói phải đi đôi với làm (09/01/2006)
▪ 300 hộ dân hơn sáu tháng nay chưa có điện trở lại (09/01/2006)
▪ Sinh viên Vinh với Làng trẻ em SOS (09/01/2006)
▪ Những bất cập của hệ thống giao thông đường bộ ở Bạc Liêu (09/01/2006)
▪ Muốn góp phần phát triển công nghệ và y học nước nhà (09/01/2006)
▪ Sau khi hạ nhiệt... (09/01/2006)
▪ Nước mắt người nuôi bò (09/01/2006)
▪ Hà Nội Tết Bính Tuất: Thu hồi xe Babetta, cấm đào đường (09/01/2006)
▪ Phố "Miên" giữa Sài Gòn (07/01/2006)
▪ Phong phú dịch vụ Tết (07/01/2006)