Hội Người tiêu dùng sớm có tiếng nói về nạn gian lận xăng dầu
Các Website khác - 06/10/2008
“Đã đến lúc Hội người tiêu dùng có tiếng nói của mình đối với trường hợp cụ thể này, đồng thời cũng cần có những hoạt động tích cực để giúp người tiêu dùng có thể tự ý thức về sức mạnh của mình với tư cách khách hàng - "thượng đế" của cơ chế thị trường, để họ có thể sử dụng những công cụ pháp lý mà nhà nước trao cho để bảo vệ mình, cũng như đấu tranh với sự gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn”, TS. Nguyễn Ngọc Chí, khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu ý kiến.

Công luận những ngày gần đây đang nóng lên bởi sự gian lận thương mại của những chủ cây xăng trong suốt một thời gian dài "móc túi" người tiêu dùng (NTD) với thủ đoạn tinh vi bằng cách gắn thêm chíp điện tử vào đồng hồ đo xăng dầu ở những vị trí ít ai ngờ nhất hoặc đánh tráo xăng A83 cho người mua xăng A92 để lấy tiền chênh lệch.

Sự việc được bắt đầu khi một đoàn kiểm tra của tỉnh Vĩnh Phúc "tình cờ" phát hiện ra sự gian lận này mà lẽ ra nó phải được kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, chính xác để mọi vi phạm phải được phát hiện kịp thời xử lý nhanh chóng theo đúng pháp luật. Thật may mắn cho người tiêu dùng. Từ đây, với sự lên tiếng của công luận, cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc bằng việc phạt hành chính và đình chỉ hoạt động đối với 33 cây xăng trên địa bàn toàn quốc.

Quyết định này của cơ quan quản lý Nhà nước phần nào đã bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, lập lại trật tự quản lý trong lĩnh vực xăng, dầu tuy có chậm trễ và chưa đi đến cùng sự việc theo phương châm: "Phòng hơn chống", lấy phòng ngừa vi phạm là gốc, là cơ bản đề hạn chế và dần loại bỏ vi phạm khỏi đời sống xã hội, góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

TS. Nguyễn Ngọc Chí  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ pháp lý, giảng viên chính khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Với tất cả những gì đúng như công luận đã nêu, nhìn từ góc độ của việc chấp hành, thực thi pháp luật trước yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xin đưa ra một vài bình luận sau:

1. Việc xử phạt hành chính ở mức tối đa (20 triệu đồng) theo Nghị định 95 (năm 2007) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đồng thời ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với chủ của 33 cây xăng vi phạm là việc làm cần thiết, đúng luật để duy trì trật tự quản lý kinh tế của cơ quan có thẩm quyền.

Mức phạt này, theo công luận cũng như của cơ quan quản lý là chưa đủ răn đe, ngăn chặn việc tiếp tục vi phạm do mức phạt chỉ là số nhỏ so với số tiền bất chính thu được bằng hành vi gian dối của các chủ cây xăng. Việc đề nghị cần tăng mức phạt tối đa lên 40 triệu đồng đối với loại vi phạm này được nhiều người đưa ra, nhất là những cơ quan thực thi pháp luật muốn có chế tài mạnh để các doanh nghiệp phải "sợ" khi vi phạm.

Thực tế cho thấy, không phải mức phạt cao lúc nào cũng tỷ lệ thuận với việc giảm vi phạm mà việc hạn chế vi phạm nằm ở chỗ pháp luật phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ở sự tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, ở sự kiểm tra, thanh tra thường xuyên, có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và ở việc tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa khác.

Cho dù mức phạt có thể được tăng lên một, hai thậm chí đến 10 lần so với quy định hiện tại mà các biện pháp quản lý, phòng ngừa thực hiện không tốt chắc rằng vi phạm cũng sẽ không giảm. Thái độ của cơ quan quản lý mỗi khi có vi phạm bị phát giác lại đổ lỗi cho mức phạt thấp không đủ sức răn đe được coi như bảo bối để lẩn tránh trách nhiệm của mình trước xã hội là không thỏa đáng.

2. Tuy nhiên, hành vi gian lận xăng, dầu ngoài việc áp dụng luật hành chính để xử phạt như đã nêu trên thì hành vi đó còn là sự vi phạm hợp  đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Ở đây đã xuất hiện giao dịch dân sự, quan hệ giữa bên mua (khách hàng) với bên bán (các chủ cây xăng) với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật dân sự. Khi bên bán (chủ cây xăng) đã có hành vi gian lận xâm hại lợi ích của khách hàng thì phải có nghĩa vụ bồi hoàn lại đúng giá trị tài sản đã xâm hại...

Từ quy định này của pháp luật, những khách hàng có hoá đơn mua xăng, dầu tại những cây xăng ở thời điểm vi phạm có thể đến yêu cầu chủ các cây xăng hoàn trả lại số tiền mà họ đã "móc túi" của mình. Nếu chủ cây xăng không chịu hoàn trả, khách hàng có thể khởi kiện dân sự đối với họ tại các toà án cấp huyện nơi có trụ sở cây xăng vi phạm. Trong trường hợp khách hàng khi mua xăng, dầu không lấy hoá đơn sẽ không có cơ sở để đòi bồi hoàn, vì vậy cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần vào cuộc xác định chính xác số lượng xăng dầu do gian lận mà có của các cây xăng vi phạm để sung công quỹ.

Hành vi gian lận của chủ các cây xăng là hành vi phạm tội lừa dối khách hàng, xâm phạm không những đến lợi ích của khách hàng mà còn xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Với hành vi lừa dối khách hàng nhiều lần, thu lợi bất chính lớn của các chủ cây xăng và những người đồng phạm thì họ có thể bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù và còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.

3. Gian lận xăng dầu diễn ra trong thời gian dài, mang tính phổ biến trên khắp cả nước gây hậu quả nghiêm trọng mới bị "tình cờ" phát hiện, và nếu không có sự "tình cờ" thì sự việc còn tiếp diễn đến khi nào. Thông qua sự việc cụ thể này cần nhìn nhận lại hoạt động cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước; năng lực, trách nhiệm, đạo đức của các công chức trong bộ máy công quyền.

Cho đến nay, mặc dù sự việc đã rõ ràng nhưng chưa cơ quan, cá nhân nào đứng ra hoặc bị chịu trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực của mình. Mới đây, ở một nước bên cạnh chúng ta, một vị bộ trưởng đệ đơn xin từ chức vì đã có phát ngôn thiếu chuẩn xác trên phương tiện thông tin đại chúng, liệu chúng ta có nên học tập họ không, câu trả lời nằm ở các vị "công bộc của dân" trong các cơ quan có thẩm quyền.

4. Trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các tổ chức xã hội được hình thành phát triển, trong đó có sự ra đời của Hội NTD với mục đích bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời thông qua hoạt động của mình, Hội NTD là người "phản biện xã hội về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với  các doanh nghiệp".

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vai trò, ảnh hưởng của Hội NTD còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân chính lại là sự ý thức về sức mạnh to lớn của người tiêu dùng đối với hàng hoá, dịch vụ. Đã đến lúc Hội NTD có tiếng nói của mình đối với trường hợp cụ thể này, đồng thời cũng cần có những hoạt động tích cực để giúp NTD có thể tự ý thức về sức mạnh của mình với tư cách khách hàng - "thượng đế" của cơ chế thị trường, để họ có thể sử dụng những công cụ pháp lý mà nhà nước trao cho để bảo vệ mình, cũng như đấu tranh với sự gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn.

Một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt vi phạm hành chính với tội phạm là tính chất, mức độ của hành vi và được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự 1999. Đối chiếu hành vi gian lận của các cây xăng mà báo chí đã nêu thì đã cấu thành tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 162 BLHS 1999, bởi: Thứ nhất, việc gian lận xăng dầu đã thỏa mãn một trong số các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 162: "1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác…".

Việc gắn chíp điện tử vào cây xăng để chiếm đoạt tài sản của khách hàng là thủ đoạn của hành vi đong đo đếm, tính gian trong mua bán xăng dầu; hoặc ở số cây xăng đánh tráo loại xăng (từ A92 đánh tráo xăng A83 để bán cho khách hàng) là hành vi đánh tráo hàng hoá trong mua bán.

Thứ hai, hành vi gian lận của các cây xăng với số lượng lớn, tỷ lệ gian lận khoảng từ 3 đến 10% diễn ra trong thời gian dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Thứ ba, hành vi gian lận xăng, dầu được thực hiện với thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa khách hàng, đối phó với các cơ quan quản lý Nhà nước thể hiện thái độ cố ý phạm tội.

Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự một người, hành vi phạm tội của họ phải được chứng minh, phán quyết bởi thủ tục tố tụng hình sự. Trong trường hợp cụ thể này, Cơ quan điều tra có thể dựa vào quy định của Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 để khởi tố vụ án hình sự, bởi tin báo và tố giác về tội phạm đã được chứa đựng ở: Các phương tiện thông tin đại chúng;  thông qua sự tố giác của công dân hoặc ở các kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước. Sau khi có quyết định khởi tố vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Theo CAND_Online