Theo Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), Hiệp hội Chân Tay giả Thế giới (ISPO) đã quyết định chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này bởi vì Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có cơ sở hạ tầng phục hồi chức năng tốt đối với các dịch vụ kỹ thuật chỉnh hình chi dưới.
Cuộc hội thảo quốc tế, diễn ra trong sáu ngày, sẽ tập trung thảo luận về các kỹ thuật chỉnh hình chi dưới trong việc điều trị các bệnh lý học: sau khi liệt, chứng bại não, dị tật bẩm sinh ở chân, chấn thương, đột quỵ và sự mất cảm giác ở bàn chân.
Đối với Việt Nam, một nước trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt cùng với hậu quả nặng nề thường xuyên của thiên tai, tai nạn lao động, tai nạn giao thông nên số người tàn tật cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Việt Nam hiện có 5,3 triệu người tàn tật, chiếm 6,63% dân số, trong đó có gần 30% số người bị tàn tật vận động.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đàm Hữu Đắc, Tthứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã đề ra những chủ trương, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là các chính sách bảo trợ cho người tàn tật.
Tuy nhiên, nhu cầu về phẫu thuật chỉnh hình ở Việt Nam rất lớn nên ông Đắc cũng nói rằng ông bày tỏ mong muốn “quốc tế tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người tàn tật Việt Nam hội nhập bình đẳng vào cộng đồng xã hội và thế giới”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Guenter Rietmacher, giám đốc GTZ nói rằng Việt Nam, với hơn 80 triệu dân, đang phải đối mặt với một vấn đề lớn trong việc điều trị phục hồi chức năng cho những người tàn tật.
Theo những số liệu và tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 0,6% dân số Việt Nam, tức khoảng 400.000 người hiện đang cần được điều trị phục hồi chức năng. Con số chính thức của các cơ quan chức năng của Việt Nam đưa ra còn gấp đôi con số này.
Bên cạnh những con số đó, một thực tế nữa là tình trạng tai nạn giao thông đang gia tăng nghiêm trọng tại các tỉnh thành trong cả nước, với hậu quả là các nạn nhân thường phải cắt bỏ một phần cơ thể hoặc bị khuyết tật về cơ thể.
Theo các số liệu chính thức thì căn bệnh truyền nhiễm dẫn đến bại liệt đã được xóa bỏ tại Việt Nam, nhưng việc điều trị sau khi liệt cho hàng nghìn bệnh nhân vẫn là một vấn đề lớn phải giải quyết.
Trẻ em bị các dị tật bẩm sinh ở chân và liệt não cũng là những đối tượng có nhu cầu được chăm sóc chỉnh hình. Nhóm bệnh nhân này là những đối tượng chủ yếu cần được điều trị phục hồi chức năng để tránh hoặc giảm thiểu những biến dạng nghiêm trọng khác.
Theo thỏa thuận hợp tác song phương giữa hai chính phủ Đức và Việt Nam, một trung tâm đào tạo về kỹ thuật chỉnh hình các bộ phận giả (O&P) tại Hà Nội đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10-1997.
Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên chỉnh hình Việt Nam (Vietcot) cho đến nay đã đào tạo được 120 kỹ thuật viên chỉnh hình theo tiêu chuẩn của ISPO và WHO. Những cán bộ được đào tạo này có thể cung cấp dịch vụ cho 360.000 bệnh nhân có khuyết tật về cơ thể trên khắp cả nước.
Cuộc hội thảo trên do Hiệp hội Chân Tay giả Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Đức tài trợ. Các đại biểu tham dự hội thảo là các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, các chuyên gia về chỉnh hình chi dưới, các nhà vật lý trị liệu và các nhà giáo dục đến từ khắp nơi trên thế giới.
|