Nhà quản lý đang ở đâu?
Các Website khác - 29/03/2006

Nhà quản lý đang ở đâu?
Đan Tâm

Công tác chống tham nhũng đang được thực hiện quyết liệt. Một số vụ án đang được điều tra liên quan đến Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT..., chứng minh thái độ kiên quyết chống tham nhũng của Đảng ta.

Tham nhũng, ngoài khía cạnh đạo đức, thực chất là vấn đề lỗ hổng trong quản lý. Do thiếu cơ chế hoặc cơ chế sơ hở, tham nhũng có đất phát sinh. Do không bị trừng trị nghiêm minh, kịp thời, tham nhũng mới khó bị ngăn chặn. Do thủ tục tuỳ tiện và không thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đến nơi đến chốn (tức là coi nhẹ một nội dung quan trọng của quản lý), nên tham nhũng ở nơi này, nơi kia được "bỏ qua". Cán bộ, đảng viên có thu nhập bất minh, giàu lên không chính đáng, nhưng không được làm rõ (tức không được xác minh nguồn gốc tài sản), vừa không quản lý được tài sản, vừa không quản lý được con người...

Ở nước ta, cả hai mặt (cơ chế quản lý và thực thi quản lý) đều còn sơ hở và yếu kém. Nên tham nhũng chẳng những không được hạn chế, ngăn chặn, mà còn trong chiều hướng phát triển. Đó là sự gặp nhau giữa nhận định của Đảng và ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Sau nhiều năm, báo chí phát hiện và cảnh báo về doanh nghiệp "ma" lập nên để buôn bán biên lai thuế giá trị gia tăng, rút ruột Nhà nước bằng "hoàn thuế" hàng nghìn tỉ đồng, đến nay tình trạng trên vẫn chưa dừng lại. Ở một thành phố có 28.184 doanh nghiệp dân doanh, mà có đến 500 doanh nghiệp "ma"! Có nghĩa là không chỉ dừng ở mức quản lý yếu kém, mà là không quản lý. Không quản lý, nên DN không có thực cũng cứ cấp giấy phép cho "khai sinh"! Khai sinh rồi, còn hay mất cũng không biết, tức là không có kiểm tra, không có sự quản lý.

Nếu không có Cơ quan điều tra phát hiện sai phạm nghiêm trọng, thì PMU18 vẫn được Bộ GTVT coi là đơn vị quản lý "giỏi" và người đứng đầu sẽ còn leo cao hơn nữa. Ở đây, từ khâu đầu (xác định năng lực quản lý - "chọn mặt gửi vàng") đến quá trình vận hành và con người đều không có sự quản lý; mà lại ban cho cấp dưới "đặc quyền" ngoài khuôn khổ quản lý. Đặc quyền tất sinh đặc lợi!

Sự kiện SITC tại Việt Nam vỡ lở là một minh chứng hùng hồn về không có quản lý của Nhà nước về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo của nước ngoài vào Việt Nam. Ai cũng có quyền cấp giấy phép đầu tư, nhưng không ai chịu trách nhiệm sự tồn tại và quản lý.

Tình trạng quản lý yếu kém kéo dài ở nhiều lĩnh vực buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Nhà quản lý ở đâu và đi đâu? Hô hào "phải cởi trói mạnh hơn nữa", "xoá bỏ hết mọi thủ tục, giấy tờ",... mà không đưa ra được cách quản lý hữu hiệu, thì làm sao Nhà nước mạnh được!

Đừng bao giờ ảo tưởng rằng: Nền kinh tế thị trường tự nó sẽ đi theo quỹ đạo xã hội chủ nghĩa mà không cần tới bàn tay quản lý của Nhà nước và công cụ quản lý của Nhà nước. Trong đó, đặc biệt là việc quản lý tốt để chống tham nhũng có hiệu quả.