Không cần tạm giữ tất cả khách vũ trường
Các Website khác - 31/08/2005

Ngày 29/8, gần 500 người tại House Klub và quán bar 78 Hàng Chiếu (Hà Nội) được triệu về cơ quan CA để kiểm tra hành chính. Trước đó, 600 khách trong vũ trường ở TP HCM cũng bị kiểm tra tương tự. Đây là 2 vụ kiểm tra hành chính lớn nhất từ khi chiến dịch triệt phá nạn lắc triển khai. Chánh thanh tra Bộ VHTT Phan An Sa đã trả lời VnExpress.

Ông Phan An Sa. Ảnh: P.H.

- Thưa ông, gần đây nhiều người dân phản ánh việc cơ quan công an bất ngờ đến một số tụ điểm vũ trường, quán bar và đưa hàng trăm người có mặt về trụ sở để kiểm tra ma tuý. Họ cho điều này là vi phạm quyền công dân. Ông nhìn nhận như thế nào dưới góc độ của nhà quản lý?

- Tôi nghĩ rằng công tác điều tra, trinh sát phải thận trọng để khi mở rộng chuyên án là phải có hiệu quả, tránh những tác động xấu đến dư luận nhân dân. Điều này buộc những nhà chức trách (có cả chúng tôi) khi làm điều gì phải xem xét hết sức cẩn trọng.

Còn việc kiểm tra của công an, tôi cho rằng khi kiểm tra chắc là họ phải có cơ sở ví dụ như một điểm kinh doanh có dấu hiệu của tội phạm, hoặc tệ nạn xã hội, nếu không kiểm tra bất ngờ thì khó thu được bằng chứng cụ thể. Chính vì vậy phải mời những người có mặt về cơ quan để làm test. Điều này có thể gây khó chịu cho những người tới đây vì mục đích lành mạnh. Nhưng theo tôi, người dân nên chia sẻ với lực lượng thi hành công vụ với tính mục đích của việc kiểm tra.

- Ông nói gì về việc đưa tới vài trăm người về trụ sở công an, trong khi nhiều người trong số đó không hề có vi phạm?

- Tôi xin chia sẻ sự bức xúc này. Quả thật đó là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Theo tôi, không nhất thiết phải tạm giữ hành chính tất cả những người có mặt. Nên tiến hành thanh lọc đối tượng ngay từ ban đầu, việc này bằng mắt thường có thể phát hiện được. Tuy nhiên, chấn chỉnh cụ thể như thế nào để đảm bảo hài hòa yếu tố xã hội và pháp luật thì chúng tôi không làm, nên không thể nói thay công an. Tôi hình dung công an cũng chẳng "sướng" gì khi làm việc này.

Chỉ vì công việc, nhưng vấn đề là cách làm thế nào. Họ chưa tìm được cách làm phù hợp.

- Chính phủ ra chỉ thị 17 về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả triển khai chỉ thị?

- Ngày 25/5, Thủ tướng ban hành chỉ thị 17 về kiểm tra chấn chỉnh hoạt động tiêu cực tại các quán bar, karaoke, vũ trường như mại dâm, sử dụng thuốc lắc... Điều này xuất phát từ thực tế đáng báo động về tình trạng giới trẻ vào những tụ điểm giải trí trên để hoạt động tệ nạn.

Theo tôi, chỉ thị 17 ra đời đúng lúc, triển khai rộng khắp và có hiệu quả. Hiện, 48/64 tỉnh thành phố đã có kế hoạch triển khai. Tính đến 28/8, công an các địa phương đã triệt phá 28 tụ điểm có tệ nạn xã hội (Hà Nội: 12, TP HCM: 13). Hơn 2.000 người bị tạm giữ hành chính để kiểm tra. Nhiều người trong số này đã bị phát hiện có sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc)

- Ông nói chỉ thị 17 ra đời đúng lúc, vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?

- Tôi phải nói thẳng là thực tế các nhà quản lý như cảnh sát khu vực, công an phường, tổ dân phố tới cấp thành phố, hay thanh tra Văn hoá thông tin... đều biết rất rõ cơ sở nào họat động lành mạnh, cơ sở nào không. Vấn đề là họ có kiên quyết triệt phá hay không mà thôi. Muốn làm là được.

Nói chỉ thị 17 ra đời đúng lúc là vì người dân rất bức xúc, chính quyền địa phương cũng bức xúc về các họat động tiêu cực trong các cơ sở kinh doanh nhạy cảm. Tình hình "nóng" đến độ chỉ cần trung ương phát lệnh là địa phương lập tức triển khai.

-Tại sao việc triệt phá các tụ điểm có họat động tiêu cực lại phải cần đến chỉ thị của Chính phủ, trong khi như ông vừa nói công an cơ sở, chính quyền cơ sở đều biết?

- Đúng là tình trạng làm ngơ, dung túng, bảo kê thậm chí chung vốn hưởng lợi nhuân của một số cán bộ ở địa phương là có thật. Khi tôi xuống làm việc với lãnh đạo nhiều tỉnh, tất cả đều thừa nhận có hiện tượng này. Nhưng chẳng ai đưa ra được dẫn chứng cụ thể, người thật việc thật.

- Vậy ông lý giải thế nào về tình trạng "nửa vời" này với tư cách là nhà quản lý?

- Để xử lý cán bộ đòi hỏi nguyên tắc tối thiểu là phải có chứng cứ. Ví dụ, nói cán bộ quản lý nhận hối lộ của cơ sở để làm ngơ việc này việc kia thì phải có tài liệu chứng minh. Nhưng chứng cứ của hành vi như vậy cực kỳ khó. Có thể nói trên thực tế không thể tìm ra.

- Thưa ông, đã có chế tài yêu cầu địa phương nào để xảy ra tệ nạn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vậy việc xử lý vấn đề này thực hiện thế nào?

(Trích báo cáo sơ kết cao điểm tấn công triệt phá các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng thuốc lắc trong vũ trường, quán bar và karaoke của Cục cảnh sát điều tra về tội phạm ma tuý)

- Sau 3 tháng triển khai, tôi chưa nhận được thông tin nào về việc cán bộ dưới quyền bị cấp trên xử lý vì để xảy ra tệ nạn. Duy nhất, tại vụ triệt phá tụ điểm sử dụng thuốc lắc ở 189V Bùi Thị Xuân, Hà Nội, tôi có biết thông tin chủ tịch phường và quận đã làm kiểm điểm, tường trình với thành phố, song biện pháp xử lý cán bộ như thế nào thì chưa nghe thấy đâu.

- Trở lại việc kiểm tra những cơ sở hoạt động nhạy cảm, theo ông đâu là cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng tiến hành việc kiểm tra ?

- Việc triệt phá 28 tụ điểm là chiến công của lực lượng công an. Theo tôi, khi công an vào kiểm tra có thể tiến hành bằng nhiều cách. Kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Nên lấy tính mục đích làm trọng. Công an làm việc này nhằm làm trong sạch xã hội.

Phạm Hiếu - Anh Thư thực hiện

Ý kiến của bạn