Lên danh sách vùng nguy cơ, cắm biển cảnh báo lũ quét
Các Website khác - 15/10/2005

(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi, triển khai ngay việc điều tra, thống kê các địa bàn dân cư ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi dễ bị sạt lở...  để cắm biển cảnh báo lũ quét.

Soạn: AM 586632 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cảnh đổ nát ở thị tứ Ngã Ba sau khi lũ đi qua.

Trên cơ sở kết quả liệt kê, các địa phương nhanh chóng có phương án, kế hoạch di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Công văn 1564/TTg-NN về tăng cường công tác phòng, tránh lũ quét tại các tỉnh miền núi, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 12/10, nêu rõ, trong khi chưa thực hiện được ngay việc quy hoạch, bố trí dân cư ra khỏi khu vực thường xảy ra lũ quét, UBND các tỉnh miền núi phải tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để kiên quyết chỉ đạo việc di dời dân ở ven sông, ven suối, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch phòng, tránh lũ quét đến từng cơ sở có nguy cơ cao về lũ quét và tổ chức diễn tập để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh có hiệu quả.

Song song đó, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy và thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin, báo cáo trong mùa mưa lũ; chỉ đạo các xã, thôn, bản xây dựng các phương án đối phó với lũ quét theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và trực tiếp về công tác phòng, tránh lũ quét trên địa bàn; nếu không có các giải pháp cụ thể trong việc phòng ngừa để lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng và ban hành tiêu chí xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét; tổ chức tập huấn về công tác phòng tránh lũ quét cho các tỉnh miền núi; hướng dẫn các tỉnh lồng ghép việc thực hiện Chương trình ổn định dân cư với việc di dời các hộ đang sinh sống ở những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT xem xét, rà soát lại khẩu độ cầu, cống, tràn, ta luy... ở các tuyến đường miền núi tại các vùng, khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét để có biện pháp xử lý, đảm bảo thoát lũ, hạn chế thiệt hại do lũ, sạt lở đất gây ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, khảo sát và nâng cao công tác dự báo, cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét cụ thể cho từng vùng, khu vực; bổ sung và tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm khí tượng thủy văn thuộc các tỉnh miền núi.

Bộ KHCN nghiên cứu về đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, những điều kiện và nguyên nhân gây lũ quét ở các tỉnh miền núi; xây dựng bản đồ vùng thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất.

Trong những năm gần đây, ở các tỉnh miền núi, lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra vừa bất ngờ, vừa có sức tàn phá lớn, gây tổn thất rất nghiêm trọng về người, của cải và phá hoại môi trường sinh thái. Trong vòng 15 năm, từ 1990 đến 2005, ở các tỉnh miền núi đã xảy ra trên 27 trận lũ quét làm chết, bị thương và mất tích hàng nghìn người; trên 13.200 căn nhà bị đổ trôi; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề.
  • Hà Yên